Tiếng Việt | English

26/01/2017 - 13:05

Thư pháp ngày tết

Thư pháp là nét đẹp đặc trưng không thể thiếu trong dịp Tết Cổ truyền của dân tộc. Viết thư pháp để chơi, để cho, hay để bán,… đều đòi hỏi sự đam mê và khả năng sáng tạo của nghệ nhân.

Những ngày qua, gian hàng thư pháp của nghệ nhân Phú Thuận ở Chợ hoa xuân Tân An (TP. Tân An, tỉnh Long An) thu hút đông đảo người dân đến “xin chữ” về treo trong nhà vào dịp đón mừng năm mới.

Không chỉ viết chữ, anh Thuận còn được biết đến là “ông đồ” với những bức tranh thiên nhiên có hồn, hình tượng đặc trưng và nhẹ nhàng: Rồng, phụng, hoa mai, hoa đào đi cùng với những chữ thư pháp thật ý nghĩa vào dịp tết: Phúc, lộc, thọ,...

Nghệ nhân thư pháp Phú Thuận đang thể hiện tác phẩm rồng-phụng

10 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Phú Thuận chia sẻ: “Thư pháp không đơn thuần chỉ là viết mà cần phải hiểu ta đang viết cái gì, viết cho ai và với mục đích gì? Để có những tác phẩm tuyệt đẹp, đòi hỏi bàn tay của nghệ nhân phải thật ổn định, chắc chắn và cây bút phải tốt để có thể phun mực đều đặn”.

Nghệ thuật viết chữ thư pháp không chỉ được các nghệ nhân thể hiện trên giấy mà ngay cả trên thân, lá và trái cây, đặc biệt trên vỏ dưa hấu mỗi khi xuân về. Đến với thư pháp như một cái duyên không hẹn trước, anh Nguyễn Lộc sớm khẳng định tài năng của mình qua những tác phẩm nghệ thuật có hồn, thể hiện được sự uyển chuyển, mềm mại, tinh tế trên trái dưa hấu.


Tác phẩm mai vàng cùng với những chữ thư pháp thật ý nghĩa luôn được khách hàng lựa chọn vào dịp tết

Những ngày gần đây, gian hàng bán dưa hấu có khắc chữ thư pháp của anh trong Chợ hoa xuân Tân An bận rộn thực hiện những đơn đặt hàng với các dòng chữ: Vạn sự như ý, phúc, lộc, thọ hay hình con gà, rồng, phụng,… Hiện tại, mỗi cặp dưa hấu khắc chữ thư pháp có giá trung bình 500 ngàn đồng/cặp, thậm chí có cặp lên đến 1,5 triệu đồng do trái lớn, chữ phức tạp.

Anh Lộc chia sẻ: “Nghệ thuật thư pháp trên trái dưa hấu đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của đôi bàn tay họa sĩ. Trước tiên, người viết phải dùng bút dạ quang phác họa chữ thư pháp lên vỏ trái dưa, sau đó dùng mũi dao nhỏ để lấy dấu trên vỏ dưa và cuối cùng là dùng dao có lưỡi bầu để cạo lớp vỏ xanh của quả dưa theo nét chữ đã phác họa”.


Tác phẩm khắc chữ thư pháp trên dưa hấu của anh Nguyễn Lộc

Ngày tết, nội dung thư pháp thường là những lời chúc an lành, những câu đối nghĩa tình. Đối với người Việt, cho và nhận chữ đầu năm là một phong tục đẹp mang ý nghĩa tâm linh không thể thiếu mỗi độ xuân về, tết đến./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết