Kỳ 3:
Quây quần bên mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại thành phố Cao Lãnh
Miền Tây là thế, là “Ruộng đồng mặc sức chim bay/Biển hồ lay láng mặc bầy cá đua” (ca dao). Bức tranh sông nước, ruộng lúa, nhà vườn rập rờn cây trái xanh tươi, rực rỡ các loài hoa đồng cỏ nội. Rừng tràm, rừng đước bao la bát ngát. Chợ nổi trên các ngả năm ngả bảy kênh rạch ghe xuồng đầy ắp nông thổ sản chen chúc nhau họp chợ.
Một góc Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ về đêm
Tôi đã có những lần dự các cuộc Họp mặt báo chí ĐBSCL (luân phiên tổ chức mỗi năm 1 lần tại 1 tỉnh, thành trong khu vực), cảm nhận nơi nào trên đất 9 Rồng cũng giàu có tình người và thiên nhiên hào phóng.
Vĩnh Long - xứ sở của sông rạch, vườn cây ăn trái, vườn kiểng, non bộ, cù lao mùa nào thức ấy: Nhãn, bưởi, chôm chôm,… xum xuê.
Và Sóc Trăng, Bạc Liêu “vương quốc” của các dơi, sân chim, vườn cò,… những hồ nước sinh thái giữa lòng đô thị tạo nhiều bồn hoa, thảm cỏ, cây cảnh,… làm nên chỗ vui chơi, hóng mát. Các vùng ven biển xanh màu sinh thái rừng ngập mặn và cũng xanh vườn cây ăn trái. Ở đó có sự kết hợp hài hòa văn hóa Việt-Hoa-Khmer qua các phong cách kiến trúc tạo nên bản sắc văn minh sông nước.
Bến Tre là một đảo dừa. Tôi đã lên nóc cầu Mỹ Thuận nhìn cảnh ven sông Tiền lớp lớp nhãn, xoài,… nhưng khi lên nóc cầu Rạch Miễu nhìn xuống thì đảo dừa Bến Tre làm cho tôi choáng ngợp trước hàng hàng lớp lớp dừa non dừa già chập chùng sóng lá. Từ dừa đã sinh bao nhiêu làng nghề làm ra đủ loại đặc sản xứ dừa. Rồi những làng hoa kiểng miệt vườn Cái Mơn, Chợ Lách đáng gọi “kinh tế xanh” bởi đi tới đâu cũng thấy nhà vườn hoa kiểng, cây giống trải thảm xanh chào đón du khách.
Người Bến Tre khéo chơi kiểng tạo hình thú vật, độc bình, nhà mát cấu tạo bằng cây gừa, cây cùm rụm. Rừng phòng hộ ven biển Ba Tri như tấm thảm xanh đu đưa cùng sóng gió rạt rào. Về Ba Tri ăn lẩu nghêu nấu đu đủ bào như sợi bún mà dư vị còn dai dẳng mãi trong ký ức đến giờ.
Chơi miền sông nước Tây đô
Theo khảo luận “Cần Thơ - Lịch sử và phát triển” của nhà nghiên cứu Huỳnh Lứa, thì năm 1717, Cần Thơ đã sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong nhưng mãi tới thời Gia Long, thời Minh Mạng đến 1840, tức 123 năm sau, Cần Thơ mới đủ số dân để thành lập một huyện lấy tên là huyện Phong Phú.
Từ đó, lưu dân đến khẩn hoang lập ấp tăng dần cho tới thời kỳ 1890 - 1920 do hình thành được hệ thống kênh đào nối Cần Thơ với Sóc Trăng, Bạc Liệu, Rạch Giá, tạo được điều kiện canh tác và “đất lành chim đậu”.
Tới những năm 30 của thế kỷ XX, Cần Thơ và Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá đã xây dựng được vựa lúa trên tổng diện tích gần 1 triệu ha, cung cấp hơn 50% số gạo xuất khẩu của Đông Dương (gần 1 triệu tấn/năm).
Ngày nay, Cần Thơ ở vị trí trung tâm ĐBSCL, là 1 đô thị lớn đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao nhiệm vụ: “Cần Thơ phát triển không chỉ vì thành phố mà còn vì ĐBSCL và cả nước”, cho thấy nhịp điệu Tây Đô phát triển nhanh cỡ nào.
Với vai trò đầu tàu ấy, chỉ trên lĩnh vực du lịch (DL), trong các năm qua, Cần Thơ đã mở các đợt quảng bá DL qua nhiều hình thức, như năm 2000 có Liên hoan DL Hương sắc ĐBSCL, năm 2008 có Năm quốc tế DL Cần Thơ - Mêkông…, và nay là Tuần lễ DLX ĐBSCL 2015.
Cùng với các sự kiện trên, Cần Thơ còn đẩy mạnh phát triển các loại hình DL bằng khai thác tài nguyên, xây dựng sản phẩm và loại hình DL mới, như các khu DLX Phù Sa, Cồn Khương, Mỹ Khánh,…Khu DLX Mỹ Khánh bên bờ sông Hậu xây dựng chưa thật hoàn chỉnh nhưng đã đón rất nhiều lượt khách DL trong và ngoài nước.
Hôm đến đây, tôi thấy loại hình DL khá phong phú: Câu cá sấu, câu cá ao, tát ao bắt cá, làm chủ điền, cấy lúa, bơi xuồng trên kênh rạch, tham quan làng nghề truyền thống, nhà vườn, tham quan vườn cây trái Nam bộ, nhà cổ Nam bộ,… Ở đây còn có Thiền viện Trúc Lâm phương Nam - một quần thể kiến trúc chùa chiền khá đa dạng. Với các chuỗi cù lao, bãi bồi trên sông Hậu ngồn ngộn cây trái và các làng bè nuôi cá quanh năm cùng hệ thống kênh rạch, mương xẻo dày đặc tạo ngả năm ngả bảy sông nước làm chợ nổi, Cần Thơ khá giàu các loại hình DL lịch sử - văn hóa, sinh thái và DLX.
Tôi nhớ lần đi dự một triển lãm - hội chợ Tây Đô quy tụ các sản vật đặc sắc Tây Nam bộ với các loại trái cây, sinh vật cảnh,… Chúng tôi đã đi tham quan làng cổ Bình Thủy với những nhà cổ đặc trưng Nam bộ. Nhà nào cũng có lý lịch và chú thích các đồ thờ, liễn đối, đồ trang trí nội thất,… để du khách dễ cảm nhận cái hay, cái đẹp về lịch sử - văn hóa của mỗi ngôi nhà.
Chúng tôi cũng đến thăm “Người đẹp Tây Đô” Lâm Thị Phấn tại ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi của “người đà bà thép” này. Vào phòng truyền thống gia tộc họ Lâm, thấy có bức ảnh bán thân “Người đẹp Tây Đô” mặc lễ phục sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, hàm thiếu tá, ngực áo sáng rực huân, huy chương.
Nguyên mẫu “Người đẹp Tây Đô” giờ đây là một “lão bà” hom hem song rất minh mẫn; khuôn mặt phảng phất vẻ đẹp của thời xuân sắc. Bà niềm nở tiếp chúng tôi và kể cho nghe chuyện đời bà như trong tiểu thuyết Người đẹp Tây Đô của nhà văn Trầm Hương (đã chuyển thành phim truyện và công chiếu).
Trong phim, nhân vật Bạch Cúc do nữ diễn viên Việt Trinh đóng, chính là nguyên mẫu bà Lâm Thị Phấn ngoài đời. Qua bao đắng cay “hồng nhan bạc phận”, người phụ nữ ấy đã được cách mạng giải thoát và kiên cường trở thành chiến sĩ tình báo của quân đội ta.
Là trung tâm ĐBSCL, nghe nói Cần Thơ đang mời gọi đầu tư vào lĩnh vực DL trên địa bàn các quận, huyện của thành phố với 8 dự án, tổng vốn đầu tư lên tới 432 triệu USD. Những dự án này hình thành sẽ là những sản phẩm DL sinh thái bền vững với các khu nghỉ dưỡng, khu giải trí cao cấp trong một cảnh quan, môi trường sông nước Cửu Long,.../.
Bút ký của Quang Hảo (còn tiếp)