Kỳ 2:
Du lịch xanh ở Xẻo Quýt ở Đồng Tháp
Giữ xanh cho du lịch xanh (DLX)
Chọn ĐBSCL làm trọng điểm DLX là phải lắm. Tạp chí Đông Nam Á Ngày Nay ghi ý kiến của chuyên gia tiếp thị tập đoàn kinh doanh khách sạn Hilton, ông Gerhard Seidler: “Thiên nhiên và những con người, đó là cả một sức mạnh của du lịch (DL) Việt Nam, tất cả không thể tìm thấy ở bất cứ nền công nghệ DL nào mà tôi đã đi qua” khi chuyên gia này khảo sát DL vùng ĐBSCL. Về nơi đây, ta sẽ gặp những đoàn khách DL nước ngoài say đắm với cảnh sắc thiên nhiên khi được chèo xuồng len vào các xẻo quanh co vòng vèo qua từng xóm nhà vườn tràn ngập các giống cây nhiệt đới buông cành hoa và trái là đà trên mặt nước. Thậm chí những cành hoa trái ấy còn mơn man ve vuốt trên lưng trên vai làm cho du khách lâng lâng với cảm giác thích thú. Đôi khi khách dừng lại giao tiếp với cư dân miệt vườn chân chất, họ sẽ chỉ tay vào chùm trái chín trong vườn mình mà bảo “Cứ hái đi! Hái ăn cho biết”. Khách còn ngần ngừ thì họ đã tự hái và mời khách thưởng thức. Khách Tây, khách Mỹ ăn thử, ai nấy tấm tắt khen ngon và móc tiền ra trả nhưng chủ vườn đã khoác tay, cười thân thiện: “Tui mời ăn cho biết, chớ tiền nong gì!”.
Bên trong một ngôi nhà cổ Nam bộ ở Cần Thơ
Trên báo xuân Cần Thơ 2008 có ghi lời GS.TS Ernst Sagemueller, Tổng Giám đốc Trường DL Châu Âu-Đông Dương nhận xét: “Cần Thơ của các bạn may mắn nằm ở vị trí được thiên nhiên ưu đãi. Vùng đất phù sa màu mỡ, quanh năm mưa thuận gió hòa, có những cù lao do phù sa sông Mêkông bồi đắp nên rất thơ mộng. Đó là nguồn vốn chính. Các bạn còn có đặc điểm riêng thể hiện trong cách sống, thói quen, phong tục tập quán, tín ngưỡng,… những đặc điểm thu hút khách đến với các bạn. Trên thế giới ngày nay, thiên nhiên hoang sơ ngày càng quý giá (NV nhấn mạnh); người ta muốn đi để được ngắm nhìn, thưởng thức những thứ mà tại quê nhà họ không có”. Vị chuyên gia DL thế giới này nhận xét như vậy, cũng là đánh giá chung về tiềm năng/tài nguyên DL của cả vùng ĐBSCL. Người ta đi DL là để khám phá và trải nghiệm những điều người ta chưa từng thấy, chưa từng nếm trải. Vừa rồi có 2 cháu gái người Mỹ gốc Nhật, là sinh viên đại học, đi tour DLX ở Bến Tre và Cần Thơ về, nói rất thích xuồng chèo và tát mương bắt cá vì rất lạ, nhưng lại chê món ăn chỗ nào cũng cá tai tượng chiên xù đẫm mỡ phát ngấy! Tôi thật bất ngờ khi nghe 2 cháu đều nói rất thích ăn thịt chuột và thịt rắn cho biết! Thảo nào, ngay cả khách trong nước, khi đến miền Tây cũng nói: “Cần chi cá lóc cá trê. Thịt chuột, thịt rắn còn mê hơn nhiều”. Tôi nhớ lần đi với ông bạn Penny người Mỹ gốc Đức, xuống Châu Đốc làm một cuộc homestay tại nhà một lão nông. Hôm sau theo ông lão đi gặt lúa bên chân núi Sam. Chiều tối, các thợ gặt vừa kết thúc buổi gặt đã hú nhau gom “chiến lợi phẩm” nào chuột, ếch, rắn, rùa, cá,… đủ loại bắt được trong lúc gặt, ghim hết vào mấy cây lụi rồi cắm xuống đất, phủ rơm lên đốt. Chốc lát mùi thơm thịt nướng đã bốc lên trong khói tỏa nghi ngút. Rồi họ trải lá chuối lên cỏ, bày những con vật đã nướng chín ấy ra và cứ thế mọi người xúm vào dùng tay xé thịt nóng hổi chấm muối ớt khề khà với rượu đế. Sau chuyến trải nghiệm ấy, Penny không ngớt khen và ao ước được trở lại. Phải chăng đây là kiểu “ăn hoang dã” của thời khẩn hoang mà nhà văn Sơn Nam hay nói? Lão nông kể: Hồi xưa tụi tui đi khẩn đất, hễ đất vừa thành thục là bị bọn địa chủ cường hào kiếm cớ bao chiếm mất. Tức quá, tụi tui kêu nhau lên xuồng chèo vô tuốt trong sâu, xa neo lại rồi phát cỏ dựng chòi lập xóm, mở đất sống độc lập, chẳng bị ai ức hiếp. Ở đó cá, tôm, rùa, rắn mặc sức bắt.
Chiều tối, tụi tui cột xuồng chụm lại quanh gò đất, rồi lên gò xúm nhau nổi lửa nướng các con mồi để nhậu và đờn ca tài tử, lai rai “ba xị đế” suốt đêm, sướng như thần tiên! Trong tập bút ký Nhà văn về làng, Nguyễn Quang Sáng cũng mô tả ở xứ An Giang của ông: “Mỗi chiều, từ rừng, từ rẫy, từ ruộng về, trong tay có con rùa, con rắn hoặc con cá, họ đứng bên bìa rừng hoặc bờ kinh hú một tiếng dài, tiếng hú lan ra xa xa, nhà đằng kia đáp lại với tiếng “ì” lan theo mặt nước, đó là lời hẹn hò. Họ gặp nhau bên bờ ruộng, bờ kênh hay bìa rừng, đốt lửa nướng rùa, nướng rắn, nướng cá, cùng nhau lai rai đến tối mịt”. Văn minh sông nước là vậy. “Trên bờ hú, ì/Dưới sông quát, cạy/Vơi vơi giọng hò…”. Hú là kêu. Ì là trả lời. Quát: lái (ghe, xuồng) qua bên này. Cạy: lái qua bên kia.Ngày nay hiếm khi nghe tiếng “hú-ì”, “quát- cạy” trên sông nước nữa.
Một chuyến DLX đáng nhớ
Lần đó tôi tháp tùng đoàn Câu lạc bộ Hưu trí Long An “về nguồn” bằng xe đạp để viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ kính yêu, ở TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Nhiều cụ 75-80 tuổi vẫn đạp xe thong dong trên đường. Hễ mỏi chân thì dừng lại, dắt xe dạo chơi miệt vườn Mỹ Tho, Cái Bè, Cai Lậy, Cao Lãnh,… Cảnh sắc sông nước quá đỗi hữu tình, thêm không khí trong lành thơm mùi hoa trái khiến các cụ cảm thấy khỏe người, tâm hồn phơi phới. Về Cao Lãnh viếng mộ và tham quan Khu di tích cụ Phó bảng rồi đi GòTháp, một địa chỉ trung tâm DL văn hóa-lịch sử và DLX tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây như Đồng Tháp Mười thu nhỏ, có các di tích đồn lũy căn cứ kháng chiến chống Pháp của Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều; có những tầng văn hóa tiền sử, nền tháp cổ gạch nung xếp lớp kỳ bí; những dấu vết cư dân cổ của vương quốc Phù Nam ẩn dưới ngàn bóng cổ thụ âm u. Rải rác trong rừng già cổ thụ là chùa, đền thờ, miếu,… các kiến trúc có tuổi hàng trăm năm mang dấu ấn lịch sử-văn hóa của người Việt, người Hoa từ bao đời vẫn tồn tại bền vững. 2 khu di tích căn cứ cách mạng Gáo Giồng và Xẻo Quít có sức thu hút khách DL xuồng chèo qua từng đường xẻo quanh co trong rừng tràm ngập nước hoang sơ. Và Sa Đéc được mệnh danh là TP.Hoa kiểng với những làng hoa hiểng Tân Khánh Đông, Tân Quy Đông rực rỡ những thảm hoa với loại hoa cúc, hoa hồng, hoa vạn thọ, hoa sứ,… cùng với các loại kiểng lá, kiểng bonsai, kiểng cổ, kiểng tạo hình chưng nghi,… dễ đắm say tâm hồn du khách. Đến khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tràm chim Tam Nông, vừa nghe tiếng hạc kêu đã nao lòng. Thử tưởng tượng xem, từng cặp hạc, nhóm hạc nhảy múa với nhau qua từng vũ điệu hết sức điệu đàn. Chúng bay lên, sà xuống, nghiêng đôi cánh rộng, giũi đôi chân dài,… từng bầy lại từng bầy như thế. Tôi đã thấy các đoàn du khách nước ngoài mua nào rùa, nào rắn,… ở mấy chợ mà họ đi qua để đưa vào Tràm chim Tam Nông phóng sanh. Với họ, đó là cách góp phần bảo tồn tính đa dạng sinh học cho thiên nhiên chứ không mê tín tâm linh gì./.
Bút ký của Quang Hảo (còn tiếp)