Tiếng Việt | English

17/01/2017 - 14:49

Lãng mạn quá, phố hoa và làng hoa Sa Đéc!

Vốn yêu thích hoa kiểng, từ lâu, tôi ao ước được điền dã “vương quốc hoa” nổi tiếng nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long ấy. Thì may sao, trung tuần tháng Chạp lan man hơi hướm chớm xuân này, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh (SVC) Long An - Nguyễn Văn Lộc rủ tôi đi Làng hoa Sa Đéc. Anh Bình đang cai quản Công viên Biển Đông tự nguyện lái xe nhà đưa chúng tôi đến điểm hẹn.

Một góc Làng hoa Sa Đéc

Lâu nay, Sa Đéc được biết đến như là một đô thị “tân - cổ giao duyên” ở vùng sông nước miền Tây. Vào nửa đầu thế kỷ XX, Sa Đéc đã phô nét phồn hoa, phố xá sầm uất trên các đường nước vòng quanh mỗi khu chợ. Và hôm nay, xe vừa vào tới trung tâm TP.Sa Đéc, đã thấy quang cảnh lễ hội diễn ra tưng bừng trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nào múa lân nghệ thuật, nào biểu diễn võ thuật, thể dục đồng diễn,...Thì ra, đây là không khí khai mạc Hội thi và Triển lãm hoa cảnh chào mừng Tuần lễ Du lịch Đồng Tháp 2017!

Anh Bình vòng xe vào Công viên Sa Đéc với cả “rừng người - rừng hoa”, với cả sự háo hức vào cuộc du xuân sớm của hàng ngàn du khách trong và ngoài nước. Đây đó hiện lên các cổng chào kết từ nhiều loại hoa lá cành mà nên hàng chữ “Sa Đéc Phố và Hoa”.

Đi chưa giáp vòng đã mỏi chân mà không gian “đấu xảo” SVC vẫn còn quá “bao la bát ngát”, vì đây là “cuộc chơi lớn” của hàng trăm nghệ nhân SVC đến từ các tỉnh, thành miền Trung, Tây nguyên, miền Đông, miền Tây.

Một nghệ nhân đến từ TP.Đà Lạt nói với tôi: Đà Lạt, Lâm Đồng cũng như các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trận lũ dữ vừa qua làm mất rất nhiều cây hoa, cây cảnh quý. Dù vậy, chúng tôi cũng chọn được một số tác phẩm nghệ thuật SVC để tham gia cuộc chơi lớn này. Rồi anh giới thiệu gian hàng Đà Lạt với các giống lan Hồ Điệp kiêu sa, địa lan khiêm tốn mà cực kỳ kiều diễm,...

Dạo qua các gian hàng gỗ lũa, gỗ mỹ nghệ, đá cảnh, kiểng khô, kiểng tươi, kiểng hoa, kiểng trái, kiểng cổ, kiểng bonsai, tiểu cảnh,... tinh hoa của từng vùng đất đủ sức níu chân người thưởng lãm. Gian hàng bồ câu cảnh lạ chưa từng thấy vì chúng du nhập từ châu Âu, châu Phi,... Có con giống người thổi kèn Tây - tên bồ câu Kèn - Hỏi giá, cho biết chỉ có... 145 triệu đồng/cặp thôi!

Chuẩn bị “thương hồ hoa kiểng” đến chợ Hoa Xuân Tân An (Long An)

Chúng tôi đi sang làng hoa truyền thống Sa Đéc. Hàng trăm xe du lịch đủ kiểu ken đậu trên bãi đất đầu làng. Anh Lộc thuê một chiếc xe điện chở chúng tôi đi dạo làng hoa. Chao ôi, danh bất hư truyền! Con đường nhựa rộng thế vẫn không đủ chỗ cho giao thông. Từng tốp nam thanh nữ tú hàng nối hàng tản bộ; nhiều cô cậu vừa đi thụt lùi vừa selfie bằng thích.

Tôi từ xe điện ngây ngất ngắm cảnh 2 bên đường, hầu như các ngôi nhà trong làng hoa cũng biến thành hoa nốt. Hoa tràn ngập sân vườn mà không rõ có bao nhiêu giống/loài khoe sắc. Chúng tôi xuống xe, đi vào một công ty SVC mà ngỡ bước vào một khu rừng hoa kiểng. Những cây đòn gánh với đôi thúng cúc mâm xôi được treo lên cao, giữa có chiếc nón lá trông như người gánh hoa ra chợ. Nhiều du khách nước ngoài cùng say đắm với sắc hoa, với dáng kiểng mở ra một không gian rực rỡ như mùa xuân bất tận. Đây đó, những giàn bầu nậm rượu, cứ mỗi mắc lá là một trái treo lủng la lủng lẳng ở các lối đi vào vườn hoa.

Sau mấy tiếng đồng hồ “cỡi ngựa xem hoa” dù chưa thật mãn nhãn, nhưng để còn thèm vẫn hay hơn. Anh Bình lái xe chạy vòng quanh thành phố được xem là cầu nối Đông và Tây Nam bộ này. Sa Đéc có chợ cổ Tân Phú Đông - xưa gọi Chợ Sắt (tiếng Miên Phsar Dek, tiếng Pháp Marché aux fers), vì chợ lắp khung sườn sắt, bán hàng sắt, ra đời từ năm 1900 khi Sa Đéc còn là khu "tham biện", về sau là tỉnh.

Sau 1975, Sa Đéc trở thành thị xã và nay là thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Tháp. TP.Sa Đéc bây giờ quá rộng lớn với nhiều đường mới, phố mới. Đón nguồn nước ngọt và phù sa ngồn ngộn từ hai sông Tiền - Hậu, Sa Đéc được hiểu như là một vùng đất trù phú với hoa trái đa chủng loại tươi tốt quanh năm. Sa Đéc còn nổi tiếng với nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận, một thương gia người Hoa giàu nhất xứ này thời Pháp thuộc. Nhà xây dựng theo kiểu Á - Âu kết hợp. Ra đời từ năm 1895, nổi tiếng và thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và ngoài nước kể từ năm 1985, sau khi nữ sĩ Marguerite Duras cho chào đời cuốn tự truyện Người Tình, rồi được dịch ra hơn 50 thứ tiếng.

Rồi tới đạo diễn Annoud tung ra bộ phim Người Tình dựa theo tiểu thuyết này với hai nhân vật “đinh” là cô bé nữ sinh Marguerite Duras 15 tuổi rưỡi e ấp nép bên chiếc phà qua sông Tiền liền gặp chàng công tử hào hoa phong nhã Huỳnh Thủy Lê 32 tuổi, con trai nhà trọc phú Huỳnh Cẩm Thuận, để rồi dệt nên bản tuyệt tình ca trên chiếc Limousine sang trọng của chàng đưa nàng nữ sinh lên Sài Gòn học, rồi đưa về lại phố Sa Đéc trên sông nước của nàng.

Mối tình đầu đời đầy cảnh mây mưa lãng mạn và đau đớn ấy kéo dài cho tới khi tan rã bởi chàng công tử phải lấy vợ là con gái nhà giàu theo sự sắp xếp của gia đình, cứ ám ảnh mãi trong đời của nữ văn sĩ tương lai. Cho đến khi tuổi già, sức yếu và đã viết 40 tác phẩm văn học, Marguerite Duras mới “thổ lộ ra” bằng tiểu thuyết Người Tình. Nó - “người tình” - ấy, đã tạc nguyên mẫu đôi tình nhân vào ngôi nhà cổ còn giữ nguyên hồn cốt “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” mà nên thiên tình sử cho ngôi nhà cổ thu hút khách du lịch phương Đông lẫn phương Tây. Nghe nói có những cặp tình nhân Tây đến thuê nhà cổ này trọ qua đêm để trải nghiệm giấc mơ mình là công tử Huỳnh Thủy Lê và nữ sinh Marguerite Duras cho thêm chất lãng mạn cuộc tình mình!

Hoa lan “vượt lũ” Đà Lạt

Tháng Chạp, đến với phố hoa và làng hoa Sa Đéc để được tắm mình trong không gian nghệ thuật hoa viên, chẳng khác nào được thưởng thức bữa tiệc thịnh soạn với bao nhiêu “món ngon” SVC làm “no mắt, no lòng”,..../.

Q.H

Chia sẻ bài viết