Tiếng Việt | English

11/01/2021 - 11:15

Làng nghề bánh tráng Lộc Giang tất bật vào xuân

Thời điểm này, không khí của làng nghề bánh tráng ở xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa đang “nóng” lên bởi mọi người, mọi nhà đang hối hả chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết.

cơ sở sản xuất bánh tráng

Làng nghề bánh tráng Lộc Giang tất bật vào xuân

Tất bật vào vụ tết

Xã Lộc Giang hiện có khoảng 10 cơ sở sản xuất bánh tráng lớn, nhỏ, chủ yếu tập trung nhiều ở ấp Lộc Thạnh và Lộc Hòa. Cơ sở sản xuất bánh tráng Thảo Vân (ấp Lộc Hòa) là một trong những cơ sở làm bánh tráng lâu đời ở đây. Trao đổi cùng chúng tôi, anh Trần Thành Phong - chủ cơ sở, cho biết: "Cơ sở sản xuất bánh tráng của gia đình tôi có gần 40 nhân công làm các công đoạn từ xay, trộn bột, tráng đến cắt bánh thành phẩm. Ngày thường, cơ sở của tôi cung cấp khoảng 400-500kg bánh thành phẩm. Bánh tráng hiện có giá khoảng 32.000 đồng/kg. Những ngày tết, cơ sở của tôi cung cấp ra thị trường với số lượng lớn hơn, khoảng 1 tấn bánh tráng thành phẩm".

Không ai biết rõ nghề làm bánh tráng ở đây có từ khi nào, người ta chỉ biết rằng, làng nghề bánh tráng ở xã Lộc Giang là một trong những nghề cha truyền con nối. Bình quân một ngày, mỗi cơ sở cung cấp từ vài chục đến vài trăm kilôgam bánh tráng. Riêng hộ tráng bánh bằng máy cho ra lò hơn 1 tấn bánh/ngày.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất bánh tráng Hương Vàm Cỏ (ấp Lộc Hòa) - Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: "Những tháng trước, HTX chỉ cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn/ngày nhưng kể từ tháng 10-11 Âm lịch, do đơn đặt hàng nhiều nên HTX sản xuất mỗi ngày với số lượng tăng lên gấp đôi, gấp 3".

Không chỉ có cơ sở Thảo Vân và HTX Hương Vàm Cỏ mà hầu hết các cơ sở sản xuất bánh tráng khác trên địa bàn xã Lộc Giang cũng đang tất bật sản xuất để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Các cơ sở sản xuất không chỉ mang đến cho người tiêu dùng những chiếc bánh tráng ngon, dẻo mà còn phát huy triệt để ngành nghề truyền thống của địa phương.

Thời điểm này, các cơ sở sản xuất bánh tráng ở xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa tất bật, nhộn nhịp hơn

Thời điểm này, các cơ sở sản xuất bánh tráng ở xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa tất bật, nhộn nhịp hơn

Gắn bó và lưu giữ nghề truyền thống

Bà Đặng Thị Chào - chủ một cơ sở làm bánh tráng ấp Lộc Hòa, xã Lộc Giang, cho hay: "Gia đình tôi sinh sống chủ yếu bằng nghề làm bánh tráng, nghề này được truyền lại từ nhiều đời nay. Ngày thường, chúng tôi làm bánh bỏ cho các mối quen, ở các chợ trên địa bàn xã và các xã lân cận. Những ngày tết, lượng bánh tráng tăng thêm nhiều nên cơ sở nào cũng tăng tốc sản xuất thêm. Giá bán bánh tráng của các cơ sở có máy sấy sẽ cao hơn các cơ sở phơi thủ công khoảng 10.000-12.000 đồng/kg và không lo đầu ra vì nhu cầu thị trường tết khá lớn. Tuy nghề làm bánh tráng không còn hưng thịnh như lúc trước, chủ yếu lấy công làm lời nhưng nhiều gia đình vẫn gắn bó vì họ không bỏ được nghề truyền thống của gia đình mình".

Khi các cơ sở sản xuất bánh tráng vào mùa tết, lượng bánh bán ra không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập cho các cơ sở sản xuất mà còn tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động địa phương. “Hiện nay, mỗi nhân công làm việc tại các cơ sở sản xuất bánh tráng có thu nhập trung bình từ 150.000-270.000 đồng/ngày” - anh Nguyễn Đức Trung, đang làm việc tại HTX sản xuất bánh tráng Hương Vàm Cỏ, cho biết.

Qua nhiều năm tồn tại và phát triển, những người làm bánh tráng ở xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa vẫn luôn gắn bó, lưu giữ và mở rộng nghề này. Họ không ngừng tìm tòi và sáng tạo ra những cách làm mới. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cấp từ cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ lên thành HTX nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Cứ mỗi độ xuân về, những món bánh, mứt tết trở thành một phần không thể thiếu và bánh tráng Lộc Giang, huyện Đức Hòa đang góp một phần nhỏ cho không khí tết trở nên nhộn nhịp hơn./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết