Nhiều cung bậc cảm xúc
Liên hoan năm nay có điểm mới là không giới hạn đề tài nên các vở diễn khá phong phú: Người lính, lịch sử, tình cảm, tâm linh,... Với sự dàn dựng công phu, nhiều vở cải lương tham gia liên hoan năm nay chạm vào mạch cảm xúc của khán giả mộ điệu.
Bà Trần Thị Liễu, ngụ TP.Tân An, tỉnh Long An nói: “Tôi thích cải lương lắm nên những ngày qua, hôm nào cũng đi xem. Như vở Nước mắt không chảy ngược tham gia liên hoan là một vở diễn hay và giàu cảm xúc. NS là người miền Bắc nhưng hát rất “ngọt”. Đề tài sâu sắc, giàu cảm xúc”. Thật vậy, khai thác đề tài gần gũi với cuộc sống ngày nay, Nước mắt không chảy ngược của Nhà hát Cải lương Hà Nội đã thực sự chạm vào trái tim người xem. Nói về những nghịch lý của cuộc đời, chữ hiếu trong gia đình giữa vòng xoáy kinh tế thị trường, vở diễn khiến người xem phải suy nghĩ. Đó chính là thành công của Nước mắt không chảy ngược.
Ban Tổ chức trao Huy chương Vàng cho các vở diễn
Nếu vở diễn của Nhà hát Cải lương Hà Nội khai thác đề tài xã hội thì vở Cánh buồm ngược gió của Nhà hát Tây Đô lại tái hiện lịch sử nước nhà thông qua cuộc đời, sự nghiệp của thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa - nhà thơ yêu nước được mệnh danh là “rồng vàng” của đất Đồng Nai. Ông là vị quan thanh liêm. Vì bênh vực dân nghèo nên bị quan lại cường hào vu oan và triều đình kết tội chết. Vợ ông - bà Nguyễn Thị Tồn ra tận kinh đô Huế đánh trống kêu oan cho chồng. Giám đốc Nhà hát Tây Đô - Phan Thiện Minh cho biết: “Vở diễn năm nay muốn mượn chuyện xưa nói chuyện nay. Đây là đề tài mới so với những năm trước vì hầu hết các lần tham gia liên hoan trước đây, nhà hát đều dàn dựng các vở diễn nói về người lính”.
Chuẩn bị tham dự liên hoan, các NS đầu tư tập luyện nghiêm túc. NS Văn Minh - Nhà hát Tây Đô, chia sẻ: “Chúng tôi chuẩn bị cho vở diễn từ rất lâu. Hầu hết NS tham gia vở diễn có tuổi đời khá trẻ nhưng đều rất tâm huyết và nỗ lực. Có ngày, chúng tôi tập luyện đến 3 giờ sáng”. Sự nỗ lực hết mình của các NS nói riêng và tập thể nhà hát, đoàn cải lương tham gia liên hoan một lần nữa được NSƯT Hồ Ngọc Trinh khẳng định. NS chia sẻ: “Trong 20 ngày trước liên hoan, tất cả NS và ê kíp hậu trường đã tập trung toàn lực nhằm mang đến cho khán giả vở diễn tốt nhất. Ngoài đoàn cải lương, vở diễn còn có sự tham gia của các anh chị em Trung tâm Văn hóa, Đoàn Xiếc nhân dân Long An. Đó thực sự là nỗ lực của tất cả mọi người!”.
Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An - Biện Hữu Hùng Dũng cho biết: “Tham gia liên hoan năm nay, đoàn chuẩn bị chu đáo từ khâu lên kịch bản đến tập luyện của các NS. Kịch bản năm nay có điểm khác so với các năm trước vì xây dựng dựa trên hồi ký - câu chuyện có thật về cuộc đời của người phụ nữ quê hương Cần Giuộc. Vì vậy, vở diễn không thể hư cấu, mượt mà như tác phẩm xã hội”. Chia sẻ về vai diễn Nguyễn Thị Út trong vở cải lương Cuộc đời của mẹ, NSƯT Hồ Ngọc Trinh nói: “Vai diễn này có chất tự sự của người phụ nữ Việt Nam, đây vốn là sở trường của tôi. Tuy nhiên, cuộc đời của bà Nguyễn Thị Út có rất nhiều sự kiện nên tôi phải liên tục thay đổi từ ngoại hình, tâm lý cho đến lối diễn xuất trong suốt vở diễn. Điều này đòi hỏi NS phải có nội lực tốt. Vì vậy, tôi luôn cố gắng tập luyện để có thể hoàn thành tốt vai diễn”.
Một tiết mục trong đêm gala
Tài danh hội tụ
Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 chính thức khép lại với đêm gala “Tài danh hội tụ” tôn vinh nghệ thuật truyền thống và các thế hệ NS của nghệ thuật cải lương toàn quốc. Tham gia gala là các NS danh tiếng 3 miền. NSƯT Hồ Ngọc Trinh là NS duy nhất của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An đại diện tham gia biểu diễn. Nữ NS bày tỏ: “Được tham gia biểu diễn trong đêm gala là niềm vinh hạnh lớn với tôi. Dù thời gian tập luyện không nhiều nhưng bản thân mỗi NS đều nỗ lực để mang đến những tiết mục tốt nhất phục vụ khán giả”.
Nói về chất lượng nghệ thuật của liên hoan, Phó Chủ tịch Hội NS Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan - NSƯT Lê Chức nhận định: “NS là thành phần quan trọng tạo nên sự hấp dẫn nhất của các vở diễn. Các đơn vị tham gia liên hoan ngoài 17 đơn vị công lập, còn có 8 đơn vị ngoài công lập. Đây là sự cố gắng lớn lao, đáng trân trọng. Nhìn chung, vẫn còn nhiều kịch bản dựa trên tác phẩm văn học, số vở phục dựng không nhiều, đề tài chiến tranh cần được tiếp cận ở khía cạnh khách quan và nhân ái hơn”. Ông đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị tham gia và mong muốn “sợi tơ lòng” của người NS với bộ môn cải lương luôn được lấp lánh. NSƯT Lê Chức tha thiết kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội trong việc gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật cải lương.
19 giờ 30, khán giả gần như chật kín khán đài
Gala chính thức bắt đầu lúc 20 giờ nhưng 19 giờ 30 phút, sân khấu Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An gần như đã chật kín. Trong không khí nồng ấm tình đồng nghiệp, sự cổ vũ nhiệt thành của khán giả, các NS đã “cháy” hết mình trong từng tiết mục. Gala mở đầu bằng bản Dạ cổ hoài lang và bài tân cổ Cô gái tưới đậu giúp không khí thêm phần vui tươi mà ấm áp. Các tiết mục văn nghệ trong gala đều do những NS tài danh biểu diễn: NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Quế Trân,...
Xen kẽ giữa các tiết mục văn nghệ, Ban Tổ chức lần lượt công bố các giải thưởng trong liên hoan. Anh Minh Mẫn, ngụ TP.Tân An, chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi được xem trực tiếp một chương trình có nhiều NS tài danh đến như vậy. Vừa xem lại vừa hồi hộp chờ kết quả, đúng là hấp dẫn đến tận phút cuối”.
Đêm gala để lại những ấn tượng đẹp trong lòng khán giả với những thông điệp nghệ thuật ý nghĩa. Các NS đã “cháy” hết mình với ngọn lửa đam mê dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Từ đó, góp phần đưa cải lương đến gần hơn với người mộ điệu, đặc biệt là khán giả trẻ./.
Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 diễn ra từ ngày 05 đến 19/9/2018 tại Long An - một trong những chiếc nôi của nhạc tài tử Nam bộ. 25 đơn vị, 32 vở diễn với trên 1.500 nghệ sĩ trình diễn.
Bế mạc liên hoan, Ban Tổ chức trao 6 huy chương Vàng, 7 huy chương Bạc cho các vở diễn; 49 huy chương Vàng, 66 huy chương Bạc cho các nghệ sĩ; 4 giải thưởng dành cho tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ xuất sắc.
6 vở diễn đoạt huy chương Vàng:
- Chiếc áo thiên nga của Nhà hát Cải lương Việt Nam;
- Kiếp tằm của Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh;
- Tổ quốc nơi cuối con đường của Nhà hát Thế giới trẻ - Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM;
- Hiu hiu gió bấc của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang;
- Cuộc đời của mẹ của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An;
- Bão táp một vương triều của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai.
Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An có NSƯT Hồ Ngọc Trinh, NS Vương Tuấn đoạt Huy chương Vàng; NSƯT Nguyên Tâm, NS Kim Ngà đoạt Huy chương Bạc.
|
Phương Phương - Thùy Minh