Tiếng Việt | English

08/12/2024 - 18:15

Luật 'chim trời cá nước'!

Thành ngữ “chim trời cá nước” nhằm chỉ trạng thái tự do, bất định, sự xa cách... Nhưng với những di dân khẩn hoang miền Nam lại mang ý nghĩa một luật tục, quy ước bất thành văn của lối sống phóng khoáng, chia sẻ của cộng đồng. Luật “chim trời cá nước” được thể hiện trong những tình huống rất cụ thể và mọi người tự giác, vui vẻ tuân thủ. Câu nói “đất của ông Hội, trời của ông Hội, con chim bay ngang cũng của ông Hội” là cách biếm nhẻ thú vị người tham lam vi phạm luật này.

Nom bắt cá trên đồng ruộng

Nom bắt cá trên đồng ruộng

Theo luật dân sự thời nay, người chủ đất có quyền sở hữu, sử dụng, khai thác tất cả hoa lợi trên diện tích đất của mình và cả khoảng không gian theo phương thẳng đứng. Với người miền Nam theo luật “chim trời cá nước”, quyền sở hữu, sử dụng ấy cũng được tôn trọng nhưng một số hoa lợi phụ trên đất ấy có thể được chia sẻ cho cộng đồng một cách tự nhiên.

Đất của ông Hội, cu của người gác!

“Trên đời có bốn thứ ngu. Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”. Gác cu là một thú vui, là nghề nghiệp dư của một số tay sành điệu ở nông thôn. Với cái bẫy và con cu mồi có tiếng gáy hay, kích thích sự tức giận của những con cu khác, người gác cu ngao du đi khắp làng xóm từ chỗ đất công hay vườn nhà người khác, nghe có tiếng cu sẽ gác bẫy lên cành cao, tróc lưỡi cho con cu mồi gáy. Con cu vườn nhà tức giận vì tiếng gáy lao tới đấu đá với đối thủ sẽ sập bẫy, lọt vô tay người gác cu. Chủ nhà dù không thích cũng bấm bụng mà cười, không ai dám mở miệng đòi “Đây là con cu của nhà tui”.

Không riêng con chim cu, một số sản vật phụ khác trong vườn nhà một người đều có thể chia sẻ cho cộng đồng như tài sản chung. Trứng kiến càng (thường làm tổ trên cây) là mồi bén câu cá rô, trùn đất là mồi câu cá trê, cá chốt. Người ta chỉ đứng ngoài vườn đánh tiếng bâng quơ với chủ nhà “Cho tui thọc mấy ổ kiến nghen!” hay “Cho tui cuốc mấy con trùn!”. Chỉ hỏi cho lịch sự là cuốc, là thọc chứ không cần chủ nhà đồng ý hay không. Ngoài các thứ rau, cây trái được chủ nhà trồng, có những loại lá, rau dại như rau ráng, lá nhàu, lá cách, lá me,... chòm xóm chia sẻ với nhau như của chung trời cho.

Đập rơm, mót lúa, nuôi vịt thả đồng

Với ruộng lúa, sau khi gặt đập xong thì các phần còn lại thuộc về cộng đồng. Có người chuyên nhặt những vé lúa rơi rớt trên mặt ruộng, bó lại thành từng bó gọi là mót lúa. Không đất đai, không vốn liếng nhưng nếu siêng năng, chăm chỉ, một mùa cũng có thể mót được năm bảy giạ (40 lít) lúa. Có người lấy manh chiếu trải bên cạnh các đống rơm, dùng cành cây đập nhẹ những nắm rơm, hứng lấy các hạt lúa còn sót dính trong rơm, gọi là nghề đập rơm hay giũ rơm. Đa phần lúa thu được từ đập rơm là lúa lép, hạt không đầy. Không hề gì sau khi thu hoạch, người ta sẽ rê (đưa lên cao đổ xuống từ từ để gió thổi đưa hạt lép ra xa) để chọn lấy hạt đầy xay gạo cho người, hạt lép nuôi gà, vịt. Những người nuôi vịt thả đồng sẽ thu hoạch lần thứ ba trên cánh đồng khô đã gặt. Họ lùa vịt qua đồng để ăn các hạt lúa rơi vãi mà không cần xin ai. Tùy theo thời tiết mùa vụ, có khi đầu tháng ở Cà Mau, cuối tháng lên tận Long An. Nếu làm ăn chăm chỉ có thể xây nhà, sắm xe sau vài mùa lúa.

Sau mùa lúa, chuột đồng đã no nê nên rút xuống hang ở các bờ ruộng hoặc các vùng đất ẩm. Trẻ con, người lớn tha hồ săn chuột đào hang mà không cần xin chủ đất. Miễn là sau khi đào xong phải lấp trả đất cho bờ, mặt ruộng lành lặn như trước.

Không đợi đến mùa khô. Ngay lúc lúa đang xanh hay trổ đòng đòng, cộng đồng làng xã cũng có thể giăng câu, đặt lưới, đào hầm bắt cá ngay trên ruộng lúa của người khác mà không phải xin phép. Thậm chí khi gặp chủ đất, họ còn hồn nhiên khoe của thu được như cùng chia sẻ niềm vui: “Chú Hai! Ruộng chú năm nay nhiều cá quá! Đêm qua tôi giăng lưới gần hai ký”. Chủ ruộng lúa cũng không hề tiếc rẻ phần sản vật trên đất của mình, cũng không rầy rà “Ruộng của tui, cá của tui!” mà vui vẻ tuân theo luật “chim trời cá nước”.

Ai cắm bẹo, người đó hưởng cá!

Ấy vậy nhưng không phải cá nước là của chung cộng đồng trong mọi trường hợp. Chủ đất ruộng hoặc người khai thác cá ở các ao, đìa,... thuộc đất công, đất hoang, sông, rạch vẫn có thể xác lập chủ quyền bằng cách thả chà, cắm bù bông, cây bẹo làm dấu hiệu.

Ruộng ở vùng đất nước lợ ven sông thường có nhiều cá, tôm, có người thả cá, tôm nuôi kèm theo lúa hoặc cây trồng, thậm chí không thả giống, chỉ khai thác nguồn cá tự nhiên, chỉ cần họ cắm trên ruộng mấy cành cây, trên ngọn cây có bó ít rơm, ít cỏ hoặc tấm vải nhựa là đủ xác lập chủ quyền. Những cây ấy được gọi là bù bông hay cây bẹo.

Cây bù bông làm dấu đất đã có người khai thác

Cây bù bông làm dấu đất đã có người khai thác

Bằng kinh nghiệm dân gian, những chỗ được thả chà hay cắm bù bông là nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi để cá tụ về và xa cách với xóm làng. Tới mùa chụp đìa hay giở chà, người ta phải đánh xe bò, xe trâu hay ghe bầu để vận chuyển cá, nguồn lợi tự nhiên này rất lớn nhưng được cộng đồng tôn trọng. Chủ đìa, chủ chà nhà ở xa nhưng không ai phải ra đìa, ra vuông cất chòi giữ đìa. Chỉ cần cắm chà, thả cá, cắm bù bông và phó mặc cho ông trời, chờ tới mùa thu hoạch. Người ngoài nhìn vào cây bẹo phải biết đây là vùng đất, vùng nước có chủ, không được giăng câu, thả lưới hay khai thác với bất cứ hình thức nào.

Với những vuông, đìa, chủ đã cắm bù bông xác lập chủ quyền thì mặt bờ đập, bờ vuông có đặt bọng (ống cống cho nước ra vô có thể làm bằng xi măng hay thân cây rỗng ruột) là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhứt. Ai đặt trộm ở chỗ nhạy cảm này nhẹ bị đánh, nặng đâm chết cũng không bị phạt tù. Ở xã Tân Thành (Cà Mau) từng xảy ra án mạng. Thằng cháu tham bắt cá cứ nhè mặt bọng đìa ông chú ruột đặt lưới, đặt lú. Ông chú cảnh cáo nhiều lần vẫn không nghe, chối bai bải không có làm. Ông chú để ý canh chừng bắt quả tang và đâm thằng cháu chết tươi. Về pháp luật rõ là ông chú đã sai nhưng về tập quán, lối sống thì việc làm của thằng cháu là không chấp nhận được. Chòm xóm,địa phương và ngay cả gia đình đã ém nhẹm vụ việc, ông chú không phải đi tù.

Luật “chim trời cá nước” mới nghe như có phần hoang sơ, không chặt chẽ nhưng nó vận hành tự giác thành nếp sống của người dân nên gắn kết cộng đồng sống hài hòa, tôn trọng nhau theo sự phát triển tự nhiên./.

Anh Kiệt

Chia sẻ bài viết