“Thiên đường hải sản” vùng hạ
Là nơi kết nối hai bờ sông Soài Rạp - chỉ cách cửa biển Đông khoảng 14km, những năm gần đây, khu vực bến đò Tân Tập thuộc xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc được nhiều du khách biết đến như một “thiên đường hải sản” tươi ngon.
Hải sản tươi sống được chế biến nhiều món khác nhau, hấp dẫn du khách (tại Tân Tập, Cần Giuộc)
Có dịp đến Tân Tập lúc tàu thuyền của ngư dân đánh bắt vừa cập bến, du khách sẽ có cơ hội chọn mua hải sản còn tươi roi rói. Những con cá dứa với trọng lượng 4-5kg, tôm càng xanh loại lớn, cua, ghẹ, ốc,... thường được bán với mức giá hấp dẫn.
Hoặc du khách cũng có thể thưởng thức những món ăn được chế biến từ hải sản tại các quán ăn bất kỳ ở khu vực này: Bảy Quang, Sông Soài Rạp, Thanh Cường,...
Điểm thú vị là quán ăn ở đây được thiết kế nhô ra mặt sông với khung cảnh thiên nhiên mát mẻ, mang đến cảm giác thoải mái, bình yên. Còn gì tuyệt vời bằng ngồi ở quán ven sông, vừa thưởng thức hải sản, vừa nghe tiếng sóng rì rào cùng làn gió mát rượi.
Theo chị Ngọc Tuyết - phục vụ quán Bảy Quang, quán luôn có các loại hải sản tươi sống với nhiều cách chế biến khác nhau: Cua rang me, vọp nướng mỡ hành, chem chép xào tỏi, bạch tuột nhúng giấm,... Du khách được tự do lựa chọn hải sản tươi sống ngay tại quán và yêu cầu chế biến theo sở thích của mình.
Tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, anh Nguyễn Minh Hải, ngụ quận 8, TP.HCM có mặt tại Tân Tập khá sớm. Anh chia sẻ: “Tôi thường đưa gia đình đến đây vào dịp cuối tuần để “đổi gió”, tận hưởng không khí trong lành và thưởng thức hải sản tươi sống sau những ngày làm việc căng thẳng”.
Không chỉ riêng Tân Tập, xuôi theo Đường tỉnh 19 đến xã Đông Thạnh, Long Phụng,... hay các xã: Phước Đông, Tân Chánh, Long Hựu Đông, Long Hựu Tây (Cần Đước), du khách cũng dễ dàng tìm thấy những quán lẩu hải sản bình dân với không gian sân vườn xanh mát, thích hợp cho những ngày sum họp cùng gia đình, bạn bè.
Phong phú ẩm thực Đồng Tháp Mười
“Ai ơi về miệt Tháp Mười
Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn”.
Nếu như vùng hạ hấp dẫn bởi “thiên đường hải sản” thì ẩm thực vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) lại “níu chân” du khách với phong cách thiên nhiên hoang dã: Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non, canh chua cá linh - bông điên điển, chuột đồng rô ti,...
Du khách có thể thưởng thức những món ăn này ở Khu Bảo tồn ngập nước Láng Sen, Làng nổi Tân Lập hay ngay cả những hàng quán ven đường. Không gì sánh bằng được thưởng thức những món ăn ngon “đúng điệu” trong đúng không gian và thời gian ẩm thực.
Nếu đến đây vào mùa nước nổi, du khách có thể ngồi trên những nhà sàn gỗ, mái lá, thưởng thức canh chua cá linh - bông điên điển, ốc hấp sả, nhấm nháp ly rượu đế, thả hồn theo vài làn điệu dân ca hay lắng nghe đôi câu vọng cổ. Tất cả hứa hẹn tạo nên những phút giây trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời.
Bên cạnh đó, có những món ăn rất đỗi bình dân, quen thuộc, ấy vậy mà rất nhiều du khách lại bị cuốn hút chỉ bởi một vài hàng quán đặc biệt, ăn một lần sẽ còn nôn nao tìm đến nhiều lần nữa.
Chạy dọc Quốc lộ 62, đến địa bàn thị trấn Tân Thạnh, có rất nhiều quán bún riêu dọc 2 bên đường. Tuy nhiên, người dân tại đây cho biết, rất nhiều người chọn quán bún riêu đầu tiên khi vừa xuống cầu Tân Thạnh.
Quán tuy nhỏ, chỉ độc một bảng hiệu vừa đủ để thực khách nhận biết chứ chẳng có tên, bàn ghế cũng đơn sơ nhưng tấp nập người, xe ra vào, có cả người địa phương lẫn du khách trong và ngoài tỉnh hay những đoàn công tác.
Chủ quán - chị Hoàng Thị Là cho biết, vợ chồng chị từng là công chức nhà nước, trước kia, cuộc sống khó khăn nên sau khi sinh con, chị mở quán để mưu sinh từ hơn 20 năm nay.
Món bún riêu của quán chị Hoàng Thị Là (thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh) 20 năm vẫn đậm đà hương vị
Trung bình mỗi ngày, chị bán khoảng 25kg bún và 25kg xương heo. Từ 3 giờ sáng, chị thức dậy sớm hầm xương, rửa rau,... chuẩn bị mở cửa quán. Cũng với bấy nhiêu nguyên liệu: Xương, giò, bún, cà chua, mắm tôm,... nhưng được nấu từ thịt heo, cua đồng nên có vị ngọt, thơm tự nhiên chứ không lạm dụng gia vị. Hơn nữa, rau thơm, rau muống, giá,... cũng được rửa kỹ, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Giờ đây, các con chị đều trưởng thành, con trai là công chức, con gái học xong cao học nhưng vợ chồng chị vẫn chưa chịu nghỉ ngơi, ngày ngày tất bật bên hàng bún. Với chị, còn sức khỏe là bếp vẫn còn “đỏ lửa” phục vụ thực khách.
Tiếp tục đến thị xã Kiến Tường hay các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng - địa phương giáp biên giới Campuchia, món bún Xiêm Lo cũng là một trong những điểm nhấn ẩm thực đặc sắc.
Bà Lý Cẩm Hà, bán bún Xiêm Lo tại chợ Kiến Tường, cho biết: “Tôi bán bún trên 15 năm nay. Bún Xiêm Lo vốn có nguồn gốc từ người Khmer với nguyên liệu ban đầu khá đơn sơ từ cá lóc, mắm bò hóc, nghệ tươi đập giập ăn cùng muối ớt. Khi du nhập vào Việt Nam, món ăn cầu kỳ hơn, đủ sắc - hương - vị hơn với thịt cá lóc cùng ít da heo. Tùy theo cách chế biến, có nơi dùng thịt cá lóc xé, riêng tôi thì quết thịt cá rồi luộc để tạo độ dẻo, ăn không ngán”.
Bún Xiêm Lo - sự giao thoa ẩm thực Việt Nam - Campuchia
Người dân thường ăn bún Xiêm Lo vào buổi sáng hoặc chiều tối. Tại thị xã Kiến Tường, bún Xiêm Lo được nhiều người biết đến là quán bún của bà Hai Nghĩa, bà Ba Thương,...
Ngoài ra, vì dễ ăn, dễ chế biến nên thực khách có thể dễ dàng tìm thấy những quán bún Xiêm Lo ven đường. Múc một tô bún cùng đầu cá lóc, chan nước lèo ngập mặt nóng hổi với vị béo của da heo, vị thanh ngọt của thịt cá, thơm nồng của nghệ tươi khiến thực khách không thể nào dừng đũa.
Dĩ nhiên, bún Xiêm Lo cũng không thể thiếu được giá cùng rau tai tượng cắt nhuyễn - loại cây mọc phổ biến ở vùng sông nước miền quê. Biết bao sản vật vùng sông nước được hội tụ trong một món ăn, kết hợp tinh túy của 2 dân tộc sẽ khiến thực khách không thể nào quên được.
Món ăn thanh đạm nhưng đủ thành phần dinh dưỡng từ động vật, thực vật tạo nên sự hài hòa, cân bằng chứ không quá dư thừa thịt, mỡ như nhiều món ăn nơi thành thị.
Đây chỉ là một vài địa điểm được nhiều người biết đến trên địa bàn tỉnh, ngoài ra, Long An còn rất nhiều hàng quán ẩm thực đang chờ thực khách trong và ngoài tỉnh khám phá.
Ẩm thực Long An không chỉ thơm, ngon, tươi, sạch, mang phong vị miền Nam đậm đà mà còn ấn tượng bởi lòng trìu mến, hiếu khách của những người dân chất phác mà trong đó, mỗi món ăn đều thấm đẫm tình đất, tình người./.
Phạm Ngân-Huỳnh Hương