Tiếng Việt | English

02/09/2024 - 09:06

Múa bóng rỗi - Nét đẹp văn hóa Nam Bộ

Múa bóng rỗi là nghệ thuật diễn xướng cổ truyền đặc trưng của Nam Bộ trong việc thể hiện tín ngưỡng các nữ thần. Qua thời gian thăng trầm, bộ môn nghệ thuật này vẫn được gìn giữ và phát huy. Người làm nghề không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân, góp phần giới thiệu và đưa bộ môn nghệ thuật này đến gần với khán giả, đặc biệt là những người trẻ.

46 năm gắn bó với nghề bóng rỗi

Múa bóng rỗi ra đời cách nay khoảng 300 năm, thường được tổ chức vào các dịp lễ hội tại các đình, miếu Nam Bộ, thường gắn liền với các dịp cúng bà Chúa Xứ, bà Hỏa, Ngũ Hành nương nương, bà Thiên Hậu, bà Cửu Thiên Huyền Nữ,... với ý nghĩa cầu mong cuộc sống được bình an, mưa thuận gió hòa.

Nghệ nhân Ưu tú Lê Minh Hùng tâm sự, đến với nghề múa bóng rỗi là cái duyên nhưng cũng là cái nghiệp, dù có khó khăn cũng gắng gượng với nghề

Hiện tỉnh Long An có 1 nghệ nhân múa bóng rỗi được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, đó là ông Lê Minh Hùng. Ông là người múa bóng rỗi duy nhất trong tỉnh được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT). Với NNƯT Lê Minh Hùng, được làm nghề là niềm hạnh phúc. Khi được hỏi về chuyện múa bóng, ông chia sẻ một cách chân thành, vui vẻ. Khi còn trẻ, NNƯT Lê Minh Hùng có niềm đam mê mãnh liệt với múa bóng rỗi. Các động tác múa điêu luyện, nhịp nhàng của cô bóng cùng lời văn rỗi hòa với tiếng đờn khiến ông say đắm. Đến năm 17 tuổi, ông chính thức bắt đầu theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Ngày đêm tập luyện, học hỏi và dần trở thành cô bóng Ngọc Hùng. Suốt 46 năm qua, các câu rỗi, động tác múa mâm vàng ngày càng thấm sâu và trở thành một phần cuộc sống của ông.

NNƯT Lê Minh Hùng chia sẻ, múa bóng rỗi có 2 phần là múa bóng và hát rỗi. Múa thông qua những động tác tạo hình biểu hiện sự kính dâng lễ vật lên thần linh. Đây là phần lúc nào cũng được mọi người quan tâm chờ đón. Trong quá trình làm nghề, ông luôn gìn giữ hình tượng của một cô bóng chuẩn mực, dáng đi, điệu múa thướt tha, uyển chuyển.

Điều đó có thể thấy trong việc ông luôn bài bản khi múa bóng, hát rỗi dâng cúng bề trên. Các tiết mục tạp kỹ của ông như múa dĩa chạy, múa lông công, múa càn khôn, múa siêu, múa lu,... cũng được luyện tập kỹ lưỡng, trình diễn những màn xiếc điêu luyện, khiến người xem không khỏi trầm trồ. Đặc biệt, múa mâm vàng là một sáng tạo độc đáo, khi ông khéo léo tạo hình ngôi tháp từ các loại giấy màu, càng làm tăng thêm vẻ đẹp tâm linh cho buổi lễ.

NNƯT Lê Minh Hùng bộc bạch, tất cả đồ nghề biểu diễn do ông sáng tạo và tự tay làm. Nhưng với ông, điều khó nhất trong tập luyện là sự kết hợp tỉ mỉ động tác tay, chân; đồng thời, cơ thể uyển chuyển nhịp nhàng trong từng điệu múa, nét biểu cảm khuôn mặt. Đặc biệt, người nghệ nhân phải có đôi mắt nhanh nhạy quan sát động tĩnh của món đồ múa, tạo điểm nhấn thu hút người xem.

Nghệ nhân Ưu tú Lê Minh Hùng giới thiệu trang phục biểu diễn

Vừa trò chuyện, ông vừa mở tủ giới thiệu cho tôi những bộ áo dài thêu công, phụng và váy ngũ sắc cùng dụng cụ trang điểm. Ông Hùng nói: “Người múa bóng phải trang điểm đậm như một cô đào nên gia tài lớn nhất khi làm nghề chính là tủ quần áo”.

Dù tuổi đã cao nhưng hiện tại, NNƯT Lê Minh Hùng vẫn miệt mài lao động và sáng tạo trong nghề, gìn giữ những giá trị truyền thống của loại hình nghệ thuật bóng rỗi, về cách rỗi, múa, chế tác mâm vàng đúng nghĩa.

Lưu truyền giá trị nghệ thuật dân gian

Giờ đây, số người theo đuổi, giữ gìn bộ môn nghệ thuật bóng rỗi thưa dần. Hiện tại, NNƯT Lê Minh Hùng vẫn tiếp tục nhận học trò để giảng dạy bộ môn bóng rỗi, cố gắng truyền đạt, hướng dẫn các học trò nhằm bảo tồn, lưu truyền giá trị nghệ thuật dân gian.

Từ những lớp học miễn phí của ông, không ít học trò đã trưởng thành, trở thành những nghệ nhân tài danh, cùng ông biểu diễn tại các lễ hội, đình, miếu. Ông đào tạo gần 30 học trò đến từ khắp các tỉnh, thành phố miền Nam, giúp nghệ thuật truyền thống được tiếp nối và phát triển. Để truyền dạy môn nghệ thuật này, ông luôn quan tâm tố chất của từng học trò. Với ông, một người muốn học múa bóng rỗi phải có chân tay dẻo dai và một tâm hồn tinh tế. Do đó, mỗi học trò đến học, ông thường xem qua tướng để tìm ra những học trò có tố chất phù hợp nhất.

NNƯT Lê Minh Hùng cho biết: "Nghề này đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực. Ngay cả những người có năng khiếu nhất cũng phải mất ít nhất 4-5 tháng để nắm vững kỹ năng cơ bản. Trong số 4 học trò của mình ở tỉnh, chỉ có 1 em thực sự thành công". Theo ông, việc học nghề không chỉ là học những kỹ năng cơ bản mà còn là rèn luyện tính kiên nhẫn, sự tỉ mỉ và khả năng sáng tạo. Chỉ có những ai thực sự đam mê và tâm huyết mới có thể thành công.

Thời gian ở nhà, Nghệ nhân ưu tú Lê Minh Hùng dán vật phẩm cúng

Người múa bóng rỗi ngoài việc nhuần nhuyễn các động tác múa khéo léo còn phải thuộc lời văn rỗi, hiểu về nhạc cụ và biết cách phối hợp nhịp nhàng giữa lời văn, điệu múa với âm nhạc, tạo nên một tổng thể hài hòa, vừa trang nghiêm để dâng cúng bà, vừa đẹp mắt và mang tính giải trí, thu hút người tham dự lễ hội. Ngoài ra, các cô bóng còn phải tỉ mỉ, khéo léo để tự cắt dán mâm vàng, mâm bạc và mâm lộc.

Với NNƯT Lê Minh Hùng, múa bóng rỗi không chỉ là niềm đam mê mà còn là sứ mệnh. Ông dành cả cuộc đời để nghiên cứu và truyền dạy nghệ thuật này. Tuy nhiên, ông cũng lo lắng khi thấy lớp trẻ ngày càng ít quan tâm đến những giá trị truyền thống. Vì vậy, ông mong muốn sẽ có nhiều hơn nữa những hoạt động để quảng bá múa bóng rỗi, giúp nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Múa bóng rỗi là một nghệ thuật diễn xướng và hát, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của con người đối với thần linh, tổ tiên và những người đã khuất. Trang phục của các bà bóng, cô bóng vì thế cũng rất cầu kỳ. Việc trang điểm cũng kỹ, đậm phấn son. Đây là một nét đẹp văn hóa theo hình thức diễn xướng nghi lễ dân gian, thể hiện được giá trị văn hóa - nghệ thuật cao, cần được bảo tồn và phát huy./.

Giữ trọn niềm đam mê múa bóng rỗi

Giữ trọn niềm đam mê múa bóng rỗi 

Trót yêu “điệu múa” trên 300 năm tuổi nhưng em Nguyễn Trọng Hùng (SN 2004, ngụ thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) không được sự ủng hộ từ các thành viên trong gia đình.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết