Tiếng Việt | English

28/02/2023 - 10:23

Đời múa bóng rỗi

Có lịch diễn thì mừng nhưng những người múa bóng rỗi thường canh cánh bên lòng nhiều nỗi lo...

Duyên nợ với nghề

Sau tết có lẽ là thời gian bận rộn nhất của các cô bóng, bà bóng múa bóng rỗi. Vừa lấy đạo cụ, trang phục, son, phấn,… chuẩn bị biểu diễn tại miếu Bà Ngũ Hành, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, cô bóng Mỹ Oanh chia sẻ với chúng tôi về duyên nợ với nghề múa bóng rỗi. Cô tên thật là Đoàn Lê Trọng Tín, ngụ xã Thành Công, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Cô bóng Mỹ Oanh có niềm đam mê với nghề múa bóng rỗi từ năm 13 tuổi, sau đó, cô lên TP.HCM học nghề gần 2 năm. Đến nay, sau gần 10 năm, cô bóng Mỹ Oanh vẫn đi về giữa Tiền Giang và các tỉnh, thành trong khu vực Đông, Tây Nam bộ mỗi khi có lịch diễn.

Cô bóng Mỹ Oanh chuẩn bị múa mâm vàng

Bước chân vào nghề khi vừa tròn 15 tuổi, những ngày đầu làm nghề là khoảng thời gian hết sức khó khăn. Không ít lần tập luyện từ múa các vật dụng đơn giản đến múa bàn, ghế, trống,... là những vật nặng, đau tay, cổ, đầu là chuyện thường gặp. “Lúc đầu, gia đình không ủng hộ cũng không phản đối nhưng tôi biết chắc là cha mẹ không được vui. Vì trót yêu nghề nên mình quyết tâm sống được với nghề. Múa bóng rỗi thường chỉ có lịch diễn từ tháng 01, tháng 02 đến tháng 3 vì đây là thời gian diễn ra các lễ hội đầu xuân. Để có thể xoay xở trong thời gian thất nghiệp, tôi phải làm thêm nhiều nghề để theo đuổi đam mê” - cô bóng Mỹ Oanh tâm sự.

Cô bóng Mỹ Oanh đã từng nản, tìm kiếm nhiều nghề khác để làm nhưng cuối cùng cũng trở về nghề múa bóng rỗi. Đi múa, tất cả vì một "chữ duyên". Múa bóng rỗi không phải mê tín dị đoan mà là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian tồn tại rất lâu đời. Và nghề múa bóng rỗi ở các miếu bà đã đón nhận cô bóng khi tuổi đời còn rất trẻ. “Đam mê thì phải chịu thôi” - cô bóng Mỹ Oanh bộc bạch. Nghề nào mà không cực nhưng có lẽ đối với cô bóng Mỹ Oanh, nghề này là cái nghiệp.

Và những nỗi niềm…

Cuộc đời cô bóng gắn với múa hát mua vui ở các miếu bà khắp nơi. Mỗi bước chân làm nghề của cô bóng có cả niềm vui, nỗi buồn, sự trăn trở về cuộc đời mà những người từng trải mới có thể cảm nhận hết.

Với Nghệ nhân ưu tú Ngọc Hậu (quận Bình Thạnh, TP.HCM), còn được đi diễn, làm nghề đã là may mắn. Cô bóng Ngọc Hậu đã có 30 năm theo nghề, trong đó, có nhiều năm tham gia múa bóng rỗi tại miếu Bà Ngũ Hành Long Thượng. Cô trải lòng: “Ngót nghét mấy chục năm, ngẫm lại đời múa bóng rỗi của tôi cũng quá dài. Chắc tại cái duyên đưa đẩy mà tôi đam mê cái nghề này. Hồi trước, ông bà tôi dễ gì cho tôi làm nghề! Khi đó, hàng xóm có cái nhìn không mấy thiện cảm với những người múa bóng", nói tới đây, giọng cô bóng dường như nghẹn lại.

Với Nghệ nhân ưu tú Ngọc Hậu, múa bóng rỗi cần có niềm đam mê và duyên nợ

Cô bóng kể tiếp: “Trước đây, nhà tôi ở gần cái miếu. Có mấy lần tôi thấy người ta múa bóng rỗi rồi quyết định theo nghề. Sau này, gia đình cũng dần chấp nhận nên tôi gắn bó với nghề tới ngày nay”.

Có tận mắt theo dõi người múa bóng rỗi biểu diễn mới thật sự cảm nhận hết tâm huyết của họ với nghề. Những giọt mồ hôi thấm áo, giọng nói có thể khàn đi vì phải hát mấy tiếng đồng hồ. Cũng trang điểm phấn son, cũng quần áo lộng lẫy, sặc sỡ nhưng người múa bóng rỗi không phải như một nghệ sĩ được ủng hộ bằng nhiều tiếng vỗ tay của khán giả hay được hát dưới ánh đèn sân khấu, được tung hô ngưỡng mộ. Họ chỉ là những cô bóng, bà bóng đúng nghĩa ca hát, múa dưới khói nhang, đèn và hoa quả mà thôi. Để sống đúng, sống trọn và thỏa niềm đam mê, Nghệ nhân ưu tú Ngọc Hậu đã phẫu thuật chuyển giới từ sớm nên những điệu múa do cô thể hiện thường khá uyển chuyển, đẹp mắt.

“Bây giờ tôi lớn tuổi, chỉ múa những vật dụng nhẹ, mang tính dẻo dai chứ đội nhiều vật nặng để trình diễn là không làm được. Thế mới thấy, nghề nào cũng cần có sức khỏe nhưng riêng nghề múa bóng rỗi lại cần thiết hơn. Tuy vậy, mỗi khi được đi diễn là tôi vui lắm, coi như mình cũng thỏa được niềm đam mê” - cô Ngọc Hậu tâm sự.

Múa bóng rỗi là bộ môn nghệ thuật rất kén chọn người diễn, chỉ những ai thật sự đam mê mới theo được. Trong quá trình theo nghề, cô Ngọc Hậu từng hướng dẫn nhiều học trò nhưng đến nay chỉ có khoảng 10 người còn gắn bó với nghề. Cô Ngọc Hậu nói: “Cúng bái thì phải có nghi thức đàng hoàng, hẳn hoi chứ không phải muốn múa hát gì cũng được, phải theo đúng phong tục, bài bản, hát phải có vần có điệu thì người ta mới thích. Làm nghề phải có cái tâm mới được, phải từng ngày học hỏi, nâng cao thì mới sống bền với nghề”.

Chánh hội trưởng Ban Hội hương miếu Bà Ngũ Hành - Nguyễn Văn Công cho biết, múa bóng rỗi là tục lệ từ xa xưa nên mỗi dịp diễn ra Lễ hội Vía Bà Ngũ hành, không thể thiếu cô bóng, bà bóng múa rỗi dâng hoa quả, mâm vàng bạc làm bằng giấy để thay mặt mọi người múa vui cho bà và cầu xin bà độ trì cho quốc thới dân an, nhà nhà hạnh phúc, muôn dân ấm no, sung túc.

Múa bóng rỗi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Vì vậy, ông Công cũng như những nghệ nhân múa bóng rỗi mong được bảo tồn, phát huy giá trị để loại hình nghệ thuật này không bị mai một./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết