Tiếng Việt | English

19/11/2016 - 20:14

Mùa gieo hạt

Khi những cơn mưa sầm sập, lê thê trắng đất trắng trời đã qua đi; khi nắng bắt đầu le lói lọt chui qua những kẽ hở của tấm màn mây. Và bão không còn lởn vởn ngoài khơi, lũ không còn rình rập nơi thượng nguồn chực chờ “khủng bố” người dân thì - với quê - lúc ấy bắt đầu mùa gieo hạt!

Qua hết tháng mười Âm lịch, mùa mưa Trung xem như cơ bản dứt; không còn nỗi lo vừa gieo xong bị trời “lấy giống”; người nông dân lập tức đổ ra đồng. Dọn rạ, cuốc góc, đắp nước, chải bờ. Đồng đất ngủ yên qua suốt mùa đông nghe tiếng bước chân bì bõm của chủ nhân lập tức mở mắt, cựa mình. Vẫn còn mưa thi thoảng rơi rơi, vẫn còn những tảng mây xám bất chợt trồi lên vần vũ, lửng lơ.

Vậy nhưng không sao. Chuồn chuồn đã sải cánh bay cao. Gió bấc đã đổ về, mang theo cái lạnh se; rồi đến lạnh căm.

Kinh nghiệm truyền đời luôn báo cho người nông dân biết rằng: Khi trời chuyển tiết, lạnh về cũng chính là lúc gió mưa bão lũ đang cuốn gói ra đi, trả lại bình yên cho đất, cho trời để người có thể yên tâm với những nỗ lực bắt đầu cho một vòng quay mới. Cày vỡ, bừa ải, chuẩn bị vào vụ.


Ảnh: Internet

Xưa, mùa gieo hạt thường rộn rã với cảnh người đông, với lô nhô cày bừa cào cuốc, với thanh âm ậm ò của lũ bò trâu kèm theo tiếng hét hô ví, thá (rẽ phải, rẽ trái: thổ âm dùng điều khiển trâu bò) của những bác nông dân quần đùi áo cộc hoặc mình trần nhễ nhại mồ hôi tay vung roi tay vịn bắp cày.

Giờ thì khác: “cơ giới hóa” từ lâu; mùa gieo sạ người ra đồng chỉ lác đác. Trâu bò càng không. Cánh đồng mênh mông chỉ còn rộn rã độc mỗi thanh âm xình xịch của những chiếc máy cày. Vậy nhưng, tưng bừng cũng chẳng mấy khác xưa. Thanh âm xình xịch vang gần, dội xa của những “con trâu sắt” lổm ngổm bò dọc xoay ngang nghe cũng hối thúc, nôn nao chẳng kém cạnh chi thứ tiếng ậm ò, xôn xao cười nói! Từng đàn cò vẫn dạn dĩ đổ về. La lả trên không, duyên dáng quần lượn ngược xuôi trước khi nhẹ nhàng đáp xuống, tha thủi kiếm ăn trong làn nước còn đục ngầu, sủi bọt sau đuôi những chiếc máy cày…

Chẳng phải chờ đợi lâu; chưa mất đến dăm ngày đồng đã kịp thay áo mới. Những chòm rạ xanh xám lơ thơ còn sót cuối đông đã bị băm nát, nhấn chìm mất tăm dưới lớp bùn phẳng căng nâu mượt. Giống đổ, ngâm, ủ từ lúc bắt đầu làm đất giờ lũ lượt được bưng bê, gánh, vác ra đồng. Những thúng giống đầy ú hụ, vỏ thóc vàng chen lẫn mầm lúa trắng xanh lần lượt được sớt ra, lần lượt theo chân người nông dân xuống ruộng. Vốc và tung. Phải. Trái. Trước. Sau. Phải. Trái. Trước. Sau…. Những nắm giống vụt khỏi tay người “nghệ sĩ nông dân” lập tức tỏa bung tựa pháo hoa; sau đó đáp rào rào xuống mặt bùn non, đều đặn và đầy nghệ thuật. Biết gieo giống, gieo đẹp, gieo đều; đó chính là điều kiện tiên quyết để chứng minh anh là “nông dân bậc cao” trong canh tác lúa nước. Chuyện này thì không riêng ngày trước; bởi đồng chưa có máy gieo nên những bàn tay gieo giống tài hoa vẫn còn hữu dụng cho đến tận giờ…


Ảnh: Internet

Và khi giống má trải đều, phủ kín tấm áo choàng nâu mênh mông của đồng đất cuối đông cũng là lúc chính thức xong xuôi mùa gieo hạt! Việc còn lại là của nắng mưa, trời đất. Và nữa; của những hạt mầm mong manh vừa kịp đằm mình, bấu rễ xuống lớp bùn non. Nhanh thôi. Thuận trời, dăm ngày ra thăm sẽ lại thấy đồng đang thay áo.

Giờ thì áo nâu của đồng đang được cởi, thay bằng manh áo xám. Màu xám trông xa có mơ hồ ưng ửng chút xanh non. Rồi ngày càng xanh, già xanh, mỡ màng, ngun ngút, bất tận xanh. Màu xanh ngùn ngụt “sức hai mươi” của đồng lúa con gái đương thì cứ như thông điệp lặng thầm của vị sứ giả báo tin xuân. Phải thôi; Mùa Xuân đã về…

Tạp bút – Y Nguyên

Chia sẻ bài viết