Tiếng Việt | English

08/02/2017 - 10:29

Múa Lân Sư Rồng - Kế nghiệp người đi trước

Múa Lân Sư Rồng là loại hình nghệ thuật đặc trưng được nhiều người ưa thích và không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, khai trương,… có ý nghĩa tượng trưng cho chúc phúc, thịnh vượng, thanh bình, may mắn.

Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Long An - Đỗ Thị Kim Dung cho biết: “Hầu hết các huyện đều có ít nhất một đội lân, thậm chí có những huyện có đến 3 đội. Những người tham gia đội lân chủ yếu do đam mê. Nguồn kinh phí để các đội hoạt động chủ yếu dựa vào xã hội hóa”.

Câu lạc bộ (CLB) Lân Sư Rồng Long Hoa Đường là một trong những CLB được thành lập rất sớm và hoạt động hiệu quả. Được thành lập vào năm 1995, trực thuộc thị xã Tân An (nay là TP.Tân An), đến năm 2005, CLB Lân Sư Rồng Long Hoa Đường trực thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh. CLB có 30 thành viên, trong đó, độ tuổi trung bình từ 16-30 tuổi. Hầu hết các thành viên đều có chung niềm đam mê, thích được biểu diễn chứ không vì mục đích kinh tế.

Anh Trà Minh Hải (ở phường 2, TP.Tân An) - thành viên CLB cho biết: “Múa Lân Sư Rồng nhằm giúp người khác mua vui và tạo niềm vui cho bản thân mình. Chúng tôi đến với bộ môn nghệ thuật này chủ yếu là thỏa niềm đam mê và muốn kế nghiệp tâm huyết của những người đi trước. Đây chính là yếu tố quyết định có gắn bó được với công việc này hay không?”.

Để múa lân 10-15 phút, người biểu diễn phải tập luyện rất vất vả và phải có thể lực, tâm lý tốt, quyết định những bài múa khó. Môi trường trong đội lân là môi trường tập thể, kỷ luật cao. Đỗ Thị Kim Phương - thành viên CLB chia sẻ: “Thông thường, người có năng khiếu và niềm đam mê múa lân thì học khoảng nửa năm là có thể múa được những động tác đơn giản. Học múa lân đòi hỏi người chơi phải “lì” và hòa đồng mới bám trụ được với nghề”.

Hiện nay, CLB luôn chủ động chịu khó tìm tòi, học hỏi thêm các động tác kỹ thuật khó qua truyền hình, Internet,... Nếu trước đây, rồng chỉ chao lượn ở mức độ bình thường thì nay, đầu rồng được điều khiển chao tròn rất mềm mại, sinh động và có sự phối hợp nhịp nhàng, nhuần nhuyễn, ăn ý hơn giữa các thành viên. Để được như vậy, cần có những người “giữ lửa” và “truyền lửa” như Phó Chủ nhiệm CLB - Huỳnh Nghiệp Tân.

Ông Tân cho biết: “Tôi gắn bó với CLB Lân Sư Rồng Long Hoa Đường trên 20 năm nên đối với tôi, cái gì có thể mất nhưng không thể để mai một nghệ thuật múa Lân Sư Rồng truyền thống. Tôi luôn chú ý việc hướng dẫn các cháu cách làm, cách trình diễn sao cho sinh động. Mục đích là để sau này, khi thế hệ chúng tôi ra đi, con cháu có thể nối nghiệp và giữ được bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc ta không bao giờ phai mờ”.

Hiện nay, Múa Lân Sư Rồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính tự phát, chưa được đầu tư mà chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa nên phát triển chưa đồng bộ. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần có những biện pháp hỗ trợ để phát triển bộ môn nghệ thuật này./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết