Tiếng Việt | English

23/12/2020 - 08:07

Năm 2020 đánh dấu giai đoạn “kịch tính” trong quan hệ Trung-Ấn

Kể từ đầu năm 2020, sự bùng phát đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng biên giới đã khiến yếu tố cạnh tranh và xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc chiếm ưu thế.

Trung Quốc và Ấn Độ đứng trước bờ vực chiến tranh

Quan hệ giữa Trung Quốc bao hàm nhiều yếu tố: hợp tác, cạnh tranh, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Trong cuộc gặp vào tháng 10/2019, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi đã tìm cách nêu bật các yếu tố hợp tác mà hai bên đã cố gắng thúc đẩy trong 2 thập kỷ qua. Nhưng kể từ đầu năm 2020, sự bùng phát đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng biên giới đã khiến yếu tố cạnh tranh và xung đột giữa hai nước chiếm ưu thế. Theo giới phân tích, những yếu tố này có khả năng tiếp diễn, thậm chí gia tăng trong thời gian tới. Các diễn diễn biến gần đây chứng minh rằng, bất chấp các nỗ lực của New Dehli và Bắc Kinh nhằm gắn kết và ổn định, quan hệ giữa hai bên về cơ bản vẫn mang tính cạnh tranh và có nguy cơ bùng phát xung đột.  


Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới. (Ảnh: PTI)

Ngày 15/6/2020 sẽ đi vào lịch sử khi đánh dấu thời điểm hai quốc gia hạt nhân Trung Quốc và Ấn Độ đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh liên quan đến tranh chấp biên giới. Cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc có thể khiến nhiều người bất ngờ, nhưng những nghiên cứu lịch sử cho thấy cuộc đối đầu Trung-Ấn tại khu vực biên giới thường xảy ra trong thời kỳ Trung Quốc dễ bị tổn thương, khi Bắc Kinh nỗ lực thực hiện mục tiêu ngăn chặn việc hình thành các liên minh chống Trung Quốc. Chừng nào sức ép từ bên ngoài đối với Trung Quốc vẫn còn, chừng đó một cuộc xung đột quy mô lớn hơn ở biên giới Trung-Ấn vẫn có thể nổ ra. Do vậy, các bên liên quan phải rất thận trọng để tránh những hành động có thể dẫn đến sự leo thang căng thẳng ngoài ý muốn.

Sau hơn 4 thập kỷ tương đối yên bình, tháng 6 vừa qua, khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên dãy Himalaya đã chứng kiến cuộc đụng độ nghiêm trọng nhất giữa hai nước. Vụ việc đã “xát muối” vào vết thương cũ kể từ sau chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962, gióng lên hồi chuông cảnh báo về một cuộc chiến tranh giữa hai nước láng giềng châu Á, đồng thời đặt ra câu hỏi về động cơ và những toan tính chiến lược của Bắc Kinh trước sự trỗi dậy của New Dehli. Bất chấp các nỗ lực giải mã, những tính toán của Trung Quốc vẫn rất khó nắm bắt.

Lý giải từ các dữ liệu lịch sử

Việc xem xét và đánh giá mô hình khủng hoảng biên giới Trung-Ấn qua các giai đoạn có thể làm sáng tỏ hơn vấn đề này. Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã trải qua nhiều thăng trầm kể từ cuối những năm 1940. Dù các nhà lãnh đạo hai nước nhiều lần tiến hành đàm phán ngoại giao và quân sự để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nhưng đụng độ biên giới vẫn diễn ra thường xuyên với mức độ sử dụng vũ lực tăng dần. 

Về mặt lịch sử, không thể bỏ qua yếu tố chính đó là sức ép từ bên ngoài khiến Trung Quốc dễ bị tổn thương và điều này có thể là một trong những căn nguyên dẫn đến các vụ xung đột tại khu vực biên giới giữa hai nước.

Vào đầu những năm 1960, quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc, giữa Trung Quốc và Liên Xô xấu đi khi các cường quốc tìm cách cạnh tranh ảnh hưởng đối với Ấn Độ. Tại thời điểm đó, Ấn Độ cũng đang có những vấn đề mới trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, giới lãnh đạo Trung Quốc đã chứng kiến sự phối hợp của bộ ba gồm Mỹ, Liên Xô và Ấn Độ nhằm đối phó với Bắc Kinh. Hệ quả là chiến tranh biên giới Trung-Ấn đã nổ ra vào năm 1962. Cuộc chiến này không chỉ ngăn chặn các bước tiến của Ấn Độ ở biên giới mà còn hạn chế nỗ lực của Mỹ và Liên Xô trong việc kiềm chế Trung Quốc.

Ngày nay, một kịch bản tương tự cũng đang xuất hiện. Vào năm 2016, Ấn Độ và Mỹ đã ký kết thỏa thuận về chia sẻ hậu cần quân sự, cho phép quân đội hai nước sử dụng các căn cứ hải quân, lục quân và không quân của nhau vào việc tiếp tế, sửa chữa và nghỉ ngơi, tạo điều kiện cho việc thực hiện các hoạt động chung. Theo giới phân tích, với thỏa thuận này, Ấn Độ muốn tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ để đối phó với Trung Quốc, còn Washington muốn thông qua New Dehli để gây sức ép với Bắc Kinh. Tiếp đến vào năm 2019, Mỹ đã ban hành chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để gây sức ép đối với Trung Quốc.

Nhìn nhận từ góc độ nêu trên, các nhà phân tích Trung Quốc coi cuộc đụng độ ở thung lũng Galwan là dấu hiệu cho thấy sự “câu kết ngầm” trong đối phó với Bắc Kinh. Một bài bình luận thậm chí còn cho rằng, Mỹ đang “xúi giục” Ấn Độ với hy vọng hai nước láng giềng châu Á này sẽ giao tranh với nhau. Xem xét từ góc độ khác, nhiều nhà phân tích cho rằng, động thái cứng rắn của Ấn Độ một phần được khơi nguồn từ chiến dịch gây sức ép của Mỹ với Trung Quốc, một phần bắt nguồn từ tâm lý bất bình của New Dehli với các hành vi mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Ấn Độ hy vọng có được sự nhượng bộ của Trung Quốc trong vấn đề biên giới khi Bắc Kinh phải đối mặt với lập trường cứng rắn của “Bộ Tứ kim cương” (Ấn Độ-Mỹ-Australia-Nhật Bản).

Nhìn nhận sâu hơn, một số nhà quan sát cho rằng, cuộc đụng độ tại thung lũng Galwan dường như xảy ra theo đúng toan tính chiến lược của Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc muốn gửi thông điệp cảnh báo New Dehli rằng, việc xây dựng một liên minh nhằm đối phó với Bắc Kinh có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực. Mặt khác, xung đột có thể buộc Ấn Độ phải chuyển hướng các nguồn lực từ việc hỗ trợ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở trên biển sang củng cố và xây dựng tuyến phòng thủ trên đất liền tại khu vực biên giới.

Các bên cần biết điểm dừng

Liệu các cuộc đụng độ tiếp theo trong tương lai có nổ ra hay không? Câu trả lời nằm ở các tác nhân liên quan. Theo quan điểm của Trung Quốc, nước này có thể tấn công Ấn Độ để chứng minh sức mạnh quân sự và ngăn cản các quốc gia khác thách thức họ. Tuy nhiên năng lực của quân đội Ấn Độ vào năm 2020 khác xa so với năm 1962. New Dehli hiện giờ không chỉ cải thiện đáng kể khả năng phòng thủ biên giới mà còn là một quốc gia có sức mạnh hạt nhân và sức mạnh hải quân đáng nể. Nếu giao tranh với Ấn Độ, Trung Quốc có thể phải chịu tổn thất nghiêm trọng hơn nhiều so với gần 6 thập kỷ trước.

Hiện tại, Ấn Độ đang ngày càng xích lại gần hơn với Mỹ vì Washington có rất nhiều tiềm năng thúc đẩy sự hợp tác chiến lược giữa hai bên, song giới quan sát cho rằng, Ấn Độ nên thận trọng trong việc tăng cường quan hệ hợp tác với những quốc gia mà Trung Quốc cho là “không thân thiện”, chẳng hạn như Mỹ, Australia, Nhật Bản. Bởi Bắc Kinh có thể nhìn nhận sự hợp tác đó như việc hình thành một liên minh đối kháng và ngày càng thực hiện những hành động cứng rắn hơn.

Còn Mỹ, với vai trò là nhân tố thứ 3, cần phải đứng ngoài những tranh chấp giữa Ấn Độ, Trung Quốc. Xung đột biên giới tạo cho Mỹ và Ấn Độ cơ hội tăng cường hợp tác. Tuy nhiên, Washington cần biết điểm dừng để tránh làm gia tăng những lo ngại từ phía Trung Quốc./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết