Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh thì kiên quyết cho rằng, việc khởi tố, truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết là “đúng người, đúng tội”! Tuy nhiên, ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhiều chuyên gia hình sự đã phân tích và cho đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đều khẳng định rằng: “Việc khởi tố và truy tố 2 ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết là không đúng quy định của pháp luật”.
Bộ GTVT đề nghị cơ quan công an làm rõ những uẩn khúc trong việc không được báo tin cứu nạn kịp thời, 9 người đi trên ca nô H29 BP đã thiệt mang - Ảnh: Viễn Sự
Riêng Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã 02 lần trả hồ sơ vụ án và khẳng định: “đối với các nguyên nhân được cáo trạng viện dẫn không có nguyên nhân nào liên quan đến việc chứng minh hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra là do đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không đảm bảo an toàn như cáo trạng truy tố”.
Tại Công văn số 7783 ngày 18/6/2015 gửi Cục đăng kiểm Việt Nam công nhận kết quả đăng kiểm của Hải quân và yêu cầu Cục đăng kiểm cấp giấy an toàn kỹ thuật cho Cano được sản xuất bằng vật liệu PPC.
Còn về nguyên nhân gây ra tai nạn làm lật Cano thì tại công văn số 2273/ĐKVN-TB ngày 02/10/2013 của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải xác định: “Việc chở quá số lượng người cho phép là một trong các nguyên nhân làm chìm tàu BP 12-04-02; ngoài ra còn các nguyên nhân khác như: phương tiện hành trình ra vùng không được phép hoạt động, việc điều khiển phương tiện không phù hợp”.
Một ca nô được làm bằng vật liệu PPC do Công ty Việt Séc sản xuất
Còn theo báo cáo điều tra số 3849/CHHVN-ATANHH ngày 30/10/2013 của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải kết luận nguyên nhân gây ra vụ tai nạn là do:“Sử dụng ca nô sai mục đích; chở số người gấp 2,5 lần cho phép; hành trình trong vùng có cấp sóng vượt quá giới hạn cho phép; người điều khiển ca nô đã điều động ca nô chưa phù hợp với tình huống thực tế; người điều khiển Ca nô không có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy loại II tốc độ cao; Ca nô rời nơi không được cho tàu thuyền neo đậu ra vào, rời cầu bến không được công bố cho việc đón, trả khách; không làm thủ tục vào, rời bến theo quy định”.
Như vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Báo cáo điều tra số 3849/CHHVN-ATANHH ngày 30/10/2013 của Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đều không khẳng định nguyên nhân tàu BP 12-04-02 bị tai nạn là do chất lượng kém hay do lỗi kỹ thuật mà do lỗi người điều khiển. Vậy căn cứ vào dấu hiệu nào để cho rằng, hành vi của ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết phạm tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” ?
Cano BP 12-04-02 đã được Phòng Đăng kiểm Hải Quân (đại diện phía Nam - thuộc Bộ tư lệnh Hải Quân) cấp giấy chứng nhận đăng kiểm, nên không thể cho rằng cano BP 12-04-02 không được đăng kiểm hoặc đăng kiểm không hợp pháp. Chưa có văn bản nào xác định, đăng kiểm của Phòng Đăng kiểm Hải Quân (đại diện phía Nam - thuộc Bộ tư lệnh Hải Quân) là không hợp pháp. Ngược lại tại Công văn số 7783/BGTVT-KHCN ngày 18 tháng 6 năm 2015 gửi Cục đăng kiểm Việt Nam một lần nữa khẳng định công nhận đăng kiểm của CS Lloyd hoặc Đăng kiểm hải quân.
Điều đáng nói ở đây không còn là việc xác định hành vi của 02 ông Đảo và Quyết có tội hay không, mà vấn đề dư luận quan tâm là : Sau khi Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh trả hồ sơ lần thứ hai thì chỉ còn đúng 01 ngày, Cơ quan điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh ra quyết định “tạm đình chỉ” và trưng cầu giám định !?
Ngày 19/11/2015 tại kết quả giám định của Hội đồng giám định Bộ Giao thông vận tải một lần nữa xác định: “Nguyên nhân dẫn đến tai nạn và tình trạng kỹ thuật cũng như chất lượng chiếc Ca nô gặp nạn là do tàu chở quá số người cho phép chở, cộng thêm khả năng tàu đã gặp thời tiết bất lợi tại thời điểm xảy ra tai nạn.”
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì sau khi có kết quả giám định Cơ quan điều tra phải phục hồi điều tra và kết luận rồi chuyển hồ sơ vụ án sang Viện kiểm sát để truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra. Nhưng đáng tiếc là đến nay vụ án vẫn bị “ngâm”!
Chưa có vụ án nào, mà dư luận lại quan tâm và tốn nhiều thì giờ để lên tiếng như vụ án này. Không chỉ có báo viết, báo hình, báo nói, báo mạng… Ngay cả các tờ báo của cơ quan tiến hành tố tụng như: Báo Công an nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, Báo Pháp Luật Việt Nam của Bộ Tư pháp; Báo Công lý của Tòa án nhân dân tối cao.
Đài truyền hình “ANTV” của Bộ Công an và nhiều tờ báo khác đều đăng tải với nội dung: Việc khởi tố, truy tố ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết về tội “Đưa vào sử dụng phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn”, theo điều 214 Bộ luật hình sự là không có căn cứ. Không có ai hay bài báo nào nói ngược lại.
Vụ án cũng đã được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân lên tiếng, đặc biệt có nhiều chuyên gia pháp luật, trong đó có những chuyên gia đầu ngành về luật hình sự cũng đã phân tích và cho rằng hành vi của ông ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết không cấu thành tội “Đưa vào sử dụng phương tiện đường thủy không đảm bảo an toàn”, theo điều 214 Bộ luật hình sự năm 1999.
Dư luận và 02 ông Đảo và Quyết cũng cho rằng, nếu Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nói 2 ông có tội thì hãy truy tố ra tòa đi. Sao ngâm hoài vậy !?
Với tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, đừng vì lý do không có sự thống nhất của ba ngành rồi kéo dài vụ án hơn nữa nhằm lấy lại lòng tin của nhân dân cả nước nói chung, và nhân dân TP. Hồ Chí Minh đối với các cơ quan tiến hành tố tụng./.
Theo PV/VOV.VN