Tiếng Việt | English

29/01/2017 - 15:56

Ngày xuân chơi gà cảnh, gà đá nghệ thuật


Nghệ nhân gà kiểng Lương Minh Quang giới thiệu về gà cảnh

Thăm “vua”gà cảnh, gà đá Long An

Nằm ở phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An, Trại giống gà tre Chấn Phong mỗi khi có khách đến là dàn hợp xướng của hàng trăm con gà tre trỗi lên lảnh lót đón chào! Đây là “vương quốc”của nghệ nhân gà cảnh Lương Minh Quang.

Ở tuổi 40, ngay từ năm nhất Đại học Nông lâm, anh mê gà cảnh, gà đá và chạy theo đam mê của mình. Nuôi và lai tạo giống gà tre mới, Quang cũng thất bại đôi ba phen. Giờ đây, anh nghiễm nhiên là thủ lĩnh Chi hội Gà cảnh kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Bảo tồn - phát triển giống gà tre gồm 9 xã viên và 26 thành viên liên kết sản xuất, kinh doanh.

Anh Quang cho biết, để có gà cảnh đẹp và gà đá hay, anh phải cho gà nhà lai các giống gà Nhật Bản, Indonesia, Mỹ, Úc, Philippine,... HTX đang sở hữu gần 100 con gà tre cảnh và gần 1.000 con gà tre đá cùng hàng vạn gà tre thịt liên kết với dân lân cận nuôi gia công.

Thời gian qua, HTX còn liên kết với Saigontourist tổ chức chế biến món ăn đặc sản gà tre Long An cho khách du lịch Nhật Bản, được người Nhật đánh giá rất cao và đặt hàng HTX xuất cho họ mỗi năm từ 50.000 con gà tre thịt trở lên.

“Kế hoạch của HTX là năm 2017, đẩy mạnh liên kết với dân nuôi gia công gà tre thịt Long An cho HTX. Chúng tôi sẽ đăng ký với Sở Khoa học Công nghệ Long An đề tài Lai tạo bộ giống gà tre Long An từ gà nước ngoài” - nghệ nhân gà cảnh Lương Minh Quang cho hay về dự tính của mình.

Miếng võ gà

Nguyễn Lữ thuộc “Tây Sơn tam kiệt” từng theo anh vào Nam ra Bắc đánh giặc. Nhưng khi làm Tiết chế Đông Định Vương cai quản đất Gia Định, ông lại tỏ ra dễ dãi, quân lệnh không nghiêm khiến Nguyễn Ánh đánh cho thua chạy về Quy Nhơn. Ông thường lên sông Côn mùa lũ nước đổ như thác để bơi qua bơi lại thỏa thích.

Có lần, ông xem hai con gà - con to, khỏe và con nhỏ, yếu - đá nhau. Con nhỏ, yếu cứ rúc đầu vào nách cánh con đối thủ để né đòn, rồi thừa cơ ra đòn hiểm bất ngờ, đá mấy cú đích đáng rồi lại rúc vào cánh đối thủ. Cứ vậy mà con nhỏ, yếu hạ đo ván con to, mạnh hơn mình,...

Từ đó, Nguyễn Lữ sáng tạo ra bài võ Hùng kê quyền nổi tiếng đất võ Bình Định. Viếng Bảo tàng Quang Trung xem biểu diễn võ thuật, thế nào cũng có bài võ Hùng kê quyền và bài võ Song Phượng kiếm (đánh bằng song kiếm ngắn) do nữ đô đốc Bùi Thị Xuân sáng tạo sau khi xem 2 con chim trên cành cây bay nhảy đá nhau.

“Thần kê” chiến lợi phẩm

Cựu chiến binh lão thành Đinh Văn Hờn ở phường 4, TP.Tân An kể rằng, vào tháng 10-1972, đơn vị ông đóng trên đất Campuchia, bị quân LonNol tấn công. Kết quả, tiểu đoàn ông tiêu diệt gọn 2 đại đội, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng và con “thần kê” của viên quan 5 phe LonNol.

Về đơn vị, con gà chiến lợi phẩm được đưa đi đá để bắt xác con nào thua thì làm thịt. Không ngờ con gà đó là “thần kê” đá đâu thắng đó, đá liền 30 độ thắng đủ 30 bằng ngón đòn chọc thủng mắt đối thủ. Sau cùng, nó đụng phải con gà nòi ô to gấp đôi nó. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ đấu đá, nó bị dính một đòn vô mắt, thua. Anh em đơn vị tính thịt con gà đó, nhưng ông Tư Hờn không cho mà tự bỏ tiền túi mua 2 con gà khác để anh em bồi dưỡng.

Thế rồi gặp một ông chủ miệng đáy, ổng coi vảy con gà ấy, biết ngay “thần kê” quý vô cùng bèn xin đổi 500kg tôm càng xanh, con nào cũng bằng cườm tay trở lên vừa đổ đáy mà có. Ông Tư Hờn đồng ý đổi để cả đơn vị được một phen bồi dưỡng mấy ngày liền mới hết số tôm càng xanh kia.

Đá gà nghệ thuật

“Huyền thoại” gà đá Nguyễn Cao Kỳ

Ông Ba B., một người chơi gà đá có tiếng ở Tầm Vu (Châu Thành, Long An) kể, một hôm, ông đi với “kê sĩ” Dị lên Tân Sơn Nhất coi đá gà. Đến nơi, thấy tướng tá và giới thương nhân “có máu mặt” rất nhiều. Khi tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ cùng vợ và con gái đến, ai nấy xum xoe thưa thưa, bẩm bẩm,...

Một tay “nâng bi”: “Thưa, Thiếu tướng bắt con nào ạ?”. “Bắt con đỏ cho tôi!” - Kỳ ra lệnh. “Kê sĩ” Dị liền chỉ tay, nói: “Con trắng sẽ đâm trúng mắt trái con đỏ”. Quả nhiên, con trắng ra một đòn trí mạng vào mắt trái con đỏ mà ông Kỳ bắt.

Ông Kỳ chợt đứng lên vỗ vai ông Dị: “Đệ nhất danh kê nhé! Ha ha...”, rồi kéo vợ con lên xe dông mất. Ông Ba B. kể tiếp: Lần sau, ông Kỳ chở 10 con gà chiến trên trực thăng đi Cần Thơ. Đến nơi chỉ có 3 con còn tỉnh tỉnh, 7 con thì gục gà gục gật như nuốt phải dây thun (do đi trực thăng làm gà hoảng loạn). Ông Kỳ đưa 3 con tỉnh tỉnh kia lần lượt vào sới đá và cả 3 đều bị gà đối thủ đá lăn quay. “Tướng Kỳ chỉ biết mê đá gà chớ không rành luyện gà đá” - ông Ba B. khịt mũi nói.

Chơi gà cảnh chỉ như chơi chim cảnh để giải trí, thư giãn tinh thần. Còn chơi gà đá truyền thống, nếu trên tinh thần thượng võ, là chơi loại hình văn hóa dân gian diễn ra vào các dịp lễ hội lớn và Tết Cổ truyền để mua vui.

Ngày nay, ta gọi đó là “đá gà nghệ thuật”: Đá để xem cái hay, cái đẹp của hai “đấu sĩ gà”. Còn đá gà sát phạt kiểu “cờ gian bạc lận” với cựa giả bằng thép sắc nhọn khiến con gà đá thua phải bị lòi ruột, bể đầu hay đứt cổ họng túa máu, giẫy chết tại chỗ thì đó là đá gà phi văn hóa, mất hết tính nhân văn, cần phải lên án, dẹp bỏ./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết