Nghệ nhân nhân dân Bảy Vân và Nghệ nhân ưu tú Kim Thanh
70 năm duyên nợ cầm ca
Chúng tôi đến thăm NNND Bảy Vân tại nhà riêng ở TP.Tân An. Căn nhà nhỏ của nghệ nhân nổi bật hẳn với một góc trưng bày các danh hiệu, hình ảnh về ông cùng sự nghiệp rao đờn của một nghệ nhân tên tuổi trong làng ĐCTT tại Long An.
Ngoài 80 tuổi, nghệ nhân Bảy Vân có vẻ yếu nhiều vì những căn bệnh tuổi già. Tuy nhiên, tình yêu dành cho tiếng đờn dường như còn nguyên đó. 70 năm gắn bó với ĐCTT, NNND Bảy Vân như “cây cổ thụ” trong giới tài tử đờn ở Long An. Nói về sự nghiệp đờn ca của mình, nghệ nhân trầm ngâm chia sẻ: “Tôi nghĩ, có lẽ suốt đời tôi cũng không trả hết món nợ ca cầm. Bởi, tôi được thừa hưởng quá nhiều di sản của tiền nhân để lại. Lớn lên với máu đam mê chơi nhạc do tía tôi truyền lại, tự hào là người cùng quê với hai bậc thầy Trần Phong Sắc và Nguyễn Văn Tiếng, tôi quyết chí theo nghề và khổ luyện giỏi nghề để mong truyền lại cho con, cháu mai sau”.
Từ năm 12 tuổi, nghệ nhân Bảy Vân đã biết chơi đờn, bắt đầu là cây đờn kìm do chính cha và anh hai chỉ dạy. Rồi bằng tài năng thiên phú và cái “nợ duyên” với ĐCTT, nghệ nhân Bảy Vân mày mò học về nhiều loại nhạc cụ khác. Tuy nhiên, dù thông thạo nhiều loại đờn nhưng ông vẫn đặc biệt ưu ái cây đờn kìm. “Với tôi, cây đờn kìm thật đặc biệt và có sức hút riêng, bởi đó là loại đờn tôi học đầu tiên và phù hợp với người chơi tài tử nhất. Chính vì vậy, đờn kìm được mệnh danh là “quân tử cầm” mà!” - nghệ nhân tâm sự. Ai cũng biết, đờn kìm là loại đờn ít phiếm, hiếm dây nên cũng là loại đờn khó học nhất. Người giỏi đờn kìm phải là người cảm âm tốt, ngón đờn điêu luyện, nhuần nhuyễn. 70 năm theo nghiệp đờn ca, miệt mài tập luyện, cần mẫn nắn nót cho từng chữ đờn đủ để NNND Bảy Vân trở thành bậc danh cầm trong giới ĐCTT không chỉ ở Long An.
Ông có thể chơi thành thạo nhiều loại đờn: Kìm, tranh, violon, guitar,... và còn là thầy của nhiều tài tử, nghệ nhân trong tỉnh. Học trò của nghệ nhân Bảy Vân giờ đây phải tính đến hàng trăm, có người thành danh khi tiếp tục theo đuổi bộ môn nghệ thuật ĐCTT, cải lương, cũng có người dừng lại ở việc rao đàn, ngâm nga hát cho thỏa đam mê về một thú chơi tao nhã. Thôi thì sao cũng được, chỉ cần học trò có đam mê, yêu thích, nghệ nhân sẵn sàng trao truyền tất cả những gì hay nhất mà mình có cho các học trò. Thậm chí, ông còn không thu học phí nếu học trò có hoàn cảnh khó khăn. Bởi, điều mà nghệ nhân mong muốn nhất vẫn là có người tiếp tục theo đuổi, giữ gìn di sản quý báu của dân tộc. Sau này, chúng tôi được biết Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Châu và Nghệ nhân ưu tú Kim Thanh cũng từng là học trò của NNND Bảy Vân, được ông “nắn nót” cho từng câu hát vỡ lòng.
Cho đến tận bây giờ, khi sức khỏe không cho phép cầm đờn thì nghệ nhân vẫn miệt mài truyền dạy ngón đờn cho người muốn học. Mỗi chiều, căn nhà nhỏ của nghệ nhân lại vang vọng tiếng hòa đờn. Nghệ nhân Bảy Vân lúc ấy nằm trên võng, ông lim dim mắt lắng nghe từng âm thanh trầm bổng, từng cách sắp xếp chữ đờn của học trò rồi điều chỉnh mỗi khi đờn lệch âm, lạc nhịp.
Để dạy học trò, nghệ nhân có cả “dụng cụ dạy học”. Nghệ nhân viết tay từng bản đờn ra giấy, đánh dấu những chỗ cần thiết để học trò nhìn vào đó rao đờn theo, sai chỗ nào, thiếu chỗ nào thì nghệ nhân chỉnh sửa chỗ đó. Cách dạy ấy được người trong giới đánh giá là khoa học, đúng phương pháp, giúp người học đờn có thể có nền tảng để tự học và sáng tạo sau này.
Nghệ nhân nhân dân Bảy Vân (giữa) hòa đờn cùng Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ (bên phải)
Những mảnh ghép vế một danh cầm
Để hiểu hơn về NNND đầu tiên của Long An, chúng tôi đến gặp Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ, cũng là một người say mê bộ môn nghệ thuật ĐCTT. Là thế hệ “đàn em” của NNND Bảy Vân, nhưng nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ lại là một trong những người tri âm ít ỏi còn lại của danh cầm Bảy Vân.
Trước đây, ông cùng NNND Bảy Vân và một số nghệ nhân khác thường xuyên đại diện cho giới ĐCTT tỉnh trong nhiều sự kiện quan trọng: Làm hồ sơ để UNESCO công nhận ĐCTT là Di sản văn hóa phi vật thể, Festival ĐCTT,... Nói tới nghệ nhân Bảy Vân, nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ khẳng định: “Anh Bảy Vân là người yêu nghề. ĐCTT là điều không thể thiếu trong cuộc đời anh. Anh từng là người “cầm trịch” phong trào ĐCTT tại Tân An này. Ngón đờn của anh không hề thua kém một danh cầm nào”.
Ngoài tài năng thiên phú, tình yêu mãnh liệt dành cho ĐCTT, thời trẻ, NNND Bảy Vân có cơ hội gặp gỡ, thân thiết cùng nhiều danh cầm: Hai Biểu, Hai Phát, Hoàng Huệ,... nên ông có cơ hội học được nhiều thầy giỏi và nâng cao ngón nghề. Nói về bài bản, phong cách và nhịp điệu ĐCTT thì ở Long An có lẽ chẳng còn được mấy người nắm chắc như NNND Bảy Vân.
Muốn đờn được một bài bản ĐCTT hoàn chỉnh, chạm vào lòng người thì phải có sự hòa quyện nhịp nhàng cả hơi và điệu. Điệu là lồng bản cơ bản. Hơi là bản đờn hoàn chỉnh với những nhấn nhá của riêng người đờn. Với cùng lồng bản, một danh cầm sẽ biết cách trang trí chữ đờn, biến lồng bản ấy thành bản đờn đầy cảm xúc, đi vào lòng người mà không phải tài tử đờn nào cũng làm được. Nhà nghiên cứu Võ Trường Kỳ nói: “Tùy thuộc vào tài năng, tình cảm của mình mà mỗi nghệ nhân có cách trang trí chữ đờn khác nhau làm cho bản đờn hay hơn, đặc biệt hơn. Anh Bảy Vân là người trang trí chữ đờn điêu luyện. Hầu như các nghệ nhân đờn nổi tiếng trong giới đều biết đến Bảy Vân”.
“Không chỉ được biết đến, bố Bảy (NNND Bảy Vân) còn được giới tài tử trong và ngoài tỉnh kính nể. Bố là người chơi tài tử “cứng” nhất Long An” - Nghệ nhân ưu tú Tấn Khoa bổ sung thêm. “Bố Bảy” là cách gọi thân mật mà Nghệ nhân ưu tú Tấn Khoa gọi NNND Bảy Vân, vì mến mộ tài năng tiền bối, người gieo chữ đờn “ăn khách” nhất Long An thời trẻ.
Hơn 80 tuổi đời, 70 năm gắn bó với cây đờn và nghệ thuật đờn ca tài tử, giờ đây, có thể nói, Nghệ nhân nhân dân Bảy Vân đã hoàn thành sứ mệnh của mình
Dù thời gian có làm cho ngón đờn của nghệ nhân Bảy Vân chậm nhịp nhưng lòng yêu nghề, tâm huyết của ông thì không có gì thay đổi. Với kinh nghiệm có thừa, nghệ nhân luôn sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ với các hậu bối trong giới. Đặc biệt, ông luôn rất quý người đam mê, tâm huyết. Nghệ nhân ưu tú Tấn Khoa kể, ông vẫn thường cùng một vài người bạn đến nhà NNND Bảy Vân hòa đờn bên mâm trà, chung rượu, chia sẻ cùng nhau những cách nhấn nhá, “vô ra” trong một bản đờn. Ông nói: “Giờ tôi cũng thường xuyên lui tới nhà bố Bảy, nhiều khi chỉ là nói với bố vài câu chuyện đờn ca. Bố yếu nhiều nhưng khi nói về chuyện đờn ca thì lúc nào cũng sẵn sàng. Bố từng là người dẫn dắt Câu lạc bộ ĐCTT tỉnh, con chim đầu đàn của ĐCTT Long An”.
Hơn 80 tuổi đời, 70 năm gắn bó với cây đờn và nghệ thuật ĐCTT, giờ đây, có thể nói NNND Bảy Vân đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, với ông, ngọn lửa đam mê vẫn chưa bao giờ tắt./.
Phương Phương
70 năm theo nghiệp đờn ca, miệt mài tập luyện, cần mẫn nắn nót từng chữ đờn đủ để Nghệ nhân nhân dân Bảy Vân trở thành bậc danh cầm trong giới đờn ca tài tử không chỉ ở Long An”. |