Thời hoàng kim của hát bội, bắt đầu vở tuồng, âm nhạc nổi lên, ánh đèn sân khấu sáng rực, các chỗ ngồi kín khán giả
Những bộ môn nghệ thuật truyền thống không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là niềm tự hào của dân tộc. Trong đó, hát bội, múa bóng rỗi là loại hình nghệ thuật độc đáo và có một thời rất thịnh ở miền Nam.
Thời vàng son
“Hát bội từng là món ăn tinh thần không thể thiếu. Hàng đêm, sân khấu hát bội lại lên đèn, người nghệ sĩ đứng trước tấm màn nhung, trình diễn những vở tuồng cổ phục vụ người dân. Khán giả đến rất đông để xem và cổ vũ. Dù trời có mưa, những gánh hát bội cũng không vắng bóng khán giả” - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát bội Long An - nghệ sĩ (NS) hát bội Trần Thị Mai (nghệ danh Ngọc Mai) chia sẻ về thời hoàng kim của hát bội.
Có thể nói, hát bội xuất hiện từ sớm và phát triển rất thịnh, được xem là báu vật phương Nam. Chính sân khấu này là nơi sản sinh ra loại hình nghệ thuật cải lương. Không chỉ có nhiều “đất diễn”, mỗi khi gánh hát bội chuẩn bị biểu diễn, người dân lại háo hức, trông chờ. Bắt đầu vở tuồng, âm nhạc nổi lên, ánh đèn sân khấu sáng rực, các chỗ ngồi kín khán giả và những người NS lại được thăng hoa cùng các vai diễn.
Có một thời, hát bội là món ăn tinh thần không thể thiếu
NS Ngọc Mai chia sẻ thêm: “Thời ấy, khán giả rất mến mộ NS hát bội. Họ luôn dành cho chúng tôi những tràng vỗ tay, lời khen tặng động viên. Đặc biệt, khi biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, khán giả còn hỗ trợ để xây nhà mới. Không ai bảo ai, người cho cây, cho lá, người phụ công,... để ngôi nhà được hoàn thành. Và, cứ khi nhà xuống cấp, khán giả lại tiếp tục hỗ trợ”.
Nghệ nhân Nguyễn Minh Hùng đoạt giải A Múa tạp kỹ, giải B Múa mâm vàng trong Liên hoan Nghệ thuật Múa bóng rỗi Nam bộ lần 1, năm 2007, tổ chức tại Tiền Giang; tiết mục xuất sắc và đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan Dân ca Việt Nam lần thứ 5, năm 2013, khu vực Nam bộ, tổ chức tại Long An; giải nhì Múa tạp kỹ, khuyến khích thể loại rỗi và tiết mục được yêu thích nhất trong Liên hoan Múa bóng rỗi - Địa - Nàng, năm 2017, tổ chức tại Đồng Nai. |
Không chỉ hát bội, múa bóng rỗi cũng có một thời vàng son như thế. Đây là loại hình diễn xướng dân gian, gắn liền với tục thờ cúng các Bà, đáp ứng nhu cầu về tâm linh và giải trí của người dân. Cô bóng là người đại diện cho bổn hội, người dân để dâng lễ vật, cầu xin, tạ ơn thần linh. Hầu như các dịp lễ cúng Bà đều có múa bóng rỗi. Do đó, cô bóng rất được người dân kính nể.
“Cúng Bà rồi Bà ban chữ, Bà bán chữ tử mua chữ sanh, bán chữ đau, Bà mua chữ mạnh. Thủy cúc đồng bình con mời Bà nào có dám mời không, trầu têm, rượu rót là tiếp nghênh lệnh Bà, trên lệnh Bà”. Đó là lời rỗi trong lễ cúng Bà Ngũ hành mà nhiều người quen thuộc. Để thấy rằng, múa bóng rỗi được người dân quan tâm từ thời xưa để nguyện cầu một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Nghệ nhân (NN) múa bóng rỗi Lê Minh Hùng cho biết: “Cô bóng ngày xưa rất được trọng thị. Người dân không chỉ nể trọng mà còn yêu thích khi xem múa mâm vàng, lông công, bình, tĩnh,... Người làm nghề múa bóng cũng được nhiều lời mời đi cúng đình, cúng miễu và có thể sống được với nghề”.
Niềm tự hào
Múa bóng rỗi là nghệ thuật diễn xướng cổ truyền đặc trưng của Nam bộ trong việc thể hiện tín ngưỡng các nữ thần. Qua thời gian thăng trầm, bộ môn nghệ thuật này vẫn được gìn giữ và phát huy. Những người làm nghề không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân để vững hơn với nghề, góp phần giới thiệu và đưa bộ môn nghệ thuật này đến gần với khán giả, đặc biệt là những người trẻ.
Tỉnh hiện có 1 NN múa bóng rỗi được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến - ông Lê Minh Hùng, người gắn bó với nghề hơn 40 năm qua. NN Minh Hùng chia sẻ: “Trời phú cho cái duyên với nghề nên tôi rất tự hào và quý trọng. Trong quá trình làm nghề, tôi luôn gìn giữ hình tượng của một cô bóng đàng hoàng, chuẩn mực, dáng đi, điệu múa thướt tha, uyển chuyển”.
Nghệ nhân dân gian Lê Minh Hùng múa mâm vàng trong lễ cúng Bà
NN múa bóng rỗi Lê Văn Son (Cô Út Son), ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, bộc bạch: “Mặc dù múa bóng rỗi không còn được trọng thị như ngày xưa nhưng vẫn có chỗ đứng nhất định. Một số lễ cúng Bà, không thể thiếu múa bóng rỗi. Ngoài ra, để giữ gìn bộ môn nghệ thuật này, tôi cũng tìm kiếm và truyền nghề miễn phí cho một số đệ tử. Hy vọng rằng, bộ môn nghệ thuật này sẽ tiếp tục được gìn giữ”.
Được biết, NN Minh Hùng và Út Son đoạt rất nhiều giải thưởng trong các cuộc thi cấp khu vực và đang làm hồ sơ đề nghị phong tặng NN ưu tú./.
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian - Võ Trường Kỳ, ở tỉnh, hát bội từng một thời nổi tiếng với gánh bầu Thơ tại Cần Đước. Khi đó, hát bội là sân khấu chuyên nghiệp, nghệ sĩ hát bội sống được bằng nghề. Gánh hát bội được phổ biến và được chào đón đến mức đêm nào ở nhà lồng chợ cũng có đoàn hát bội biểu diễn, bán vé. Khi cải lương lên ngôi thì hát bội thoái trào. Ngày nay, hát bội tồn tại là hình thức hát bội dân gian (không chuyên nghiệp).
Việc bảo tồn hát bội là cần thiết, nhằm giữ gìn một loại hình nghệ thuật đặc sắc, để dòng chảy nghệ thuật của ông cha ta không bị “cắt khúc”. Đối với múa bóng rỗi, đó là hình thức diễn xướng dân gian có giá trị tâm linh, góp phần giúp người dân hướng thiện. Múa bóng rỗi cũng là một loại hình nghệ thuật dân tộc không thể từ bỏ vì tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đình, miễu của ta còn đó!
|
(còn tiếp)
Bài 2: Nỗi lòng người làm nghề
Ngọc Thạch-Phương Phương