Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Minh
15 tuổi tham gia bộ đội
Chúng tôi đến thăm nhà Anh hùng Lực lượng vũ trang (AHLLVT) Nguyễn Văn Minh (69 tuổi) bên cầu kênh 28, ấp Chiến Thắng, thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, vào một ngày đầu tháng 4 lịch sử, trong cái nóng như thiêu đốt của vùng biên giới cũng như sức nóng lịch sử của 44 năm về trước.
Quê hương Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng đã sinh ra người con anh hùng mà suốt những năm tháng chiến tranh, tên tuổi ông gắn liền với nhiều chiến tích trên vùng Đồng Tháp Mười. Trong đó, nổi tiếng nhất là những trận phục kích tàu chiến Mỹ trên sông Vàm Cỏ Tây.
Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, ngay từ nhỏ, mong muốn được khoác lên mình màu xanh áo lính để tham gia chiến đấu, bảo vệ quê hương đã thấm dần trong suy nghĩ của người thiếu niên trẻ Nguyễn Văn Minh.
15 tuổi, độ tuổi còn “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng ông đã xung phong đi bộ đội. Trong số 10 người cùng nhập ngũ với ông năm đó tại xã Tuyên Bình cũ, qua khóa đào tạo, huấn luyện, chỉ có ông và 1 đồng chí khác được lựa chọn vào đội đặc công của tỉnh.
Tháng 4/1965, ông chính thức đứng trong hàng ngũ của đơn vị đặc công tỉnh Kiến Tường với nhiệm vụ chủ yếu là chiến đấu, tập kích và phục kích công đồn.
Và cũng trong năm 1965, ông tham gia trận đánh đầu tiên tại Gò Ông Lẹt, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng. Trong trận đánh này, đơn vị đặc công của ông được giao nhiệm vụ thọc sâu đánh vào sở chỉ huy và truyền tin của địch.
Trận Gò Ông Lẹt, quân ta tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 80 tên, bắt sống 10 tên, thu 51 súng các loại. Trong trận đánh ấy, người thanh niên trẻ Nguyễn Văn Minh vinh dự được nhận bằng khen của Tỉnh đội Kiến Tường.
Sau trận chiến, ông chính thức được kết nạp đoàn viên. Tham gia lực lượng đặc công đã tôi luyện người lính trẻ Nguyễn Văn Minh những phẩm chất đáng quý của Bộ đội Cụ Hồ. 5 năm đứng trong hàng ngũ bộ đội, ông chính thức giữ cương vị Đại đội trưởng Đại đội Đặc công tỉnh Kiến Tường, trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh tại tỉnh Kiến Tường.
Người anh hùng diệt tàu chiến Mỹ
Năm 1970, chiến trường Đồng Tháp Mười rất ác liệt. Đây không chỉ là chiến trường trọng yếu của địch ở miền Nam mà còn là trọng điểm của Đông Dương khi đế quốc Mỹ giật dây bọn phản động Lon Non đảo chính, lật đổ Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhằm triệt phá hậu phương trực tiếp của lực lượng cách mạng.
Theo lời AHLLVT Nguyễn Văn Minh, tại tỉnh Kiến Tường khi ấy, Mỹ - ngụy tổ chức một hạm đội nổi trên sông Vàm Cỏ Tây gồm 65 tàu chiến, bố trí từ thị xã Tân An qua Kiến Tường đến Vùng 8, huyện Vĩnh Hưng nhằm ngăn chặn, cắt đứt tuyến vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược của ta từ Campuchia về Tiền Giang, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre và Tân An.
Trước âm mưu của địch, đơn vị đặc công tỉnh Kiến Tường được giao nhiệm vụ phục kích, bẻ gãy hạm đội nổi trên sông của địch, giữ vững đường liên lạc, vận chuyển khí tài, đạn dược của ta đến các chiến trường phía Nam. Sau khi nhận nhiệm vụ, đơn vị quán triệt xây dựng phương án, kế hoạch, bảo đảm hậu cần, lương thực, khí tài trước khi tổ chức phục kích.
Về lực lượng, đơn vị có 35 cán bộ, chiến sĩ được trang bị vũ khí gồm B40, B41 và súng AK. Từ ngày 25 đến 31/7/1970, đơn vị đặc công tỉnh Kiến Tường, dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông đã tổ chức 5 trận phục kích trên sông Vàm Cỏ Tây thuộc khu vực ấp Đầu Sấu, Cả Cóc, Rạch Mây, Bến Tràm, xã Tuyên Bình cũ (nay là xã Tuyên Bình Tây), huyện Vĩnh Hưng, bắn cháy và chìm 25 tàu chiến, loại khỏi vòng chiến đấu 170 tên địch. Về phía ta, chỉ có 2 chiến sĩ bị thương, quân số an toàn.
Nhớ lại trận đánh năm ấy, AHLLVT Nguyễn Văn Minh kể lại: “Trong 5 trận phục kích, ác liệt nhất là trận cuối cùng vào ngày 31/7/1970. Khi ấy, gạo không đủ nấu cơm, anh em chiến sĩ phải tìm thêm môn rừng, gom góp số gạo còn lại để nấu cháo. đạn dược cũng vơi bớt nhưng anh em vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi bắn chìm 8 tàu chiến của địch và làm cháy 2 chiếc. Trận đó, đội tàu địch gồm 10 chiếc lọt vào trận địa phục kích của đơn vị, từ 2 bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, chiến sĩ đơn vị đồng loạt nổ súng khiến 8 chiếc tàu chiến địch chìm tại chỗ, 2 chiếc bỏ chạy và bắn trả quyết liệt. Đồng chí Nguyễn Văn Trung - xạ thủ B40, sau khi bắn chìm tàu địch, không may bị bắn trả bị thương đã giao khẩu súng B40 đang ôm trong tay cho tôi. Từ khẩu súng này, tôi trực tiếp bắn cháy 1 tàu chiến của địch, đến chiếc thứ 2 khi vừa khai hỏa loạt đạn thì bị thương mất 2 ngón tay nhưng vẫn chỉ đạo anh em chiến sĩ tiêu diệt bằng được chiếc tàu còn lại”. Trận phục kích tàu chiến trên sông Vàm Cỏ Tây của đơn vị đặc công tỉnh Kiến Tường diễn ra trong vòng 1 tuần nhưng khiến quân địch bị tổn thất lớn.
Năm 1973, ông Nguyễn Văn Minh được Tỉnh đội Kiến Tường tín nhiệm giao giữ chức vụ Chính trị viên Tiểu đoàn 504 tỉnh Kiến Tường. Trên cương vị mới, ông lại tiếp tục cùng đơn vị lập nên nhiều chiến công hiển hách. Đó là trận phối hợp Trung đoàn 3, Quân khu 8 bao vây, đánh chiếm đồn Tứ giác Phụng Thớt (thuộc xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) vào ngày 13 và 14/3/1973, tiêu diệt 3 đại đội của địch, thu giữ 80 súng các loại, 4 máy liên lạc loại BRC9, BRC25, bắt sống 7 tù binh.
Sông Vàm Cỏ Tây, xã Tuyên Bình Tây - nơi từng diễn ra các trận phục kích của Đại đội Đặc công tỉnh Kiến Tường
Với nhiều thành tích nổi bật, ngày 06/11/1978, ông Nguyễn Văn Minh được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân. Từ năm 1978-1991, ông lần lượt giữ các chức vụ Chỉ huy phó rồi Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Hưng.
Hoàn thành nhiệm vụ chính trị, năm 1992, ông nghỉ hưu theo chế độ. Trở về sau chiến tranh, ông trở thành thương binh, bị mất sức lao động 65% nhưng với bản chất người lính Cụ Hồ, thấy đất đai còn hoang hóa, ông không cho phép mình nghỉ ngơi.
Những đường cày khai hoang từ đôi tay của người anh hùng năm xưa như xới lên sự sống cho mảnh đất này. 17ha đất được ông khai hoang trồng lúa, đồng thời vận động nhân dân cùng đào kênh dẫn nước ngọt để sản xuất.
Đất không phụ công người, những cánh đồng lúa màu mỡ hôm nay như đáp lại ân tình của người gieo hạt. Hay như cách nói của ông: “Ngẫm lại chẳng ai có thể ngờ, quê hương mình phát triển như ngày hôm nay. Từ những vùng đất chịu nhiều bom đạn chiến tranh, nay thành những cánh đồng lúa trù phú. Những ngôi nhà khang trang mọc lên. Công sức, máu xương của những người lính từng chiến đấu và ngã xuống trên vùng đất này hoàn toàn xứng đáng và đáng được ghi nhớ, tự hào”./.
Kiên Định