Với niềm yêu kính và tôn trọng Bác Hồ, chị Nguyễn Thị Thu Vân điêu khắc chân dung về Người
Điêu khắc gỗ vốn không phải là nghề xa lạ đối với “đấng mày râu” nhưng lại khá mới đối với phụ nữ. Dù không phải “con nhà nòi” nhưng với sự tìm tòi, học hỏi và yêu thích nghệ thuật, chị Nguyễn Thị Thu Vân - Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Một thành viên Gỗ mỹ nghệ và trang trí nội thất Nguyễn Vân (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), đã “bén duyên” và khởi nghiệp ở tuổi 50. Đặc biệt, ngoài những sản phẩm gỗ kinh doanh, chị Thu Vân còn dành thời gian điêu khắc chân dung Bác Hồ để thỏa niềm đam mê.
Cty của chị Vân có nhiều sản phẩm, mẫu mã đa dạng, vừa là đồ mỹ nghệ, vừa là đồ trang trí mỹ thuật. Đồ gỗ mỹ nghệ của chị Vân hiện đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao. Chị Vân chia sẻ, không riêng chị mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng yêu mến và kính trọng Bác Hồ. Từ niềm yêu kính ấy, chị Vân ấp ủ ý tưởng khắc họa chân dung Bác Hồ từ chính nghề nghiệp của mình. “Trong thâm tâm, tôi rất thần tượng và kính trọng Bác Hồ. Đến với nghề điêu khắc gỗ, tôi muốn tự tay làm một tác phẩm chân dung toàn thân về Bác. Vì đây là lần đầu tiên thực hiện nên khi tác phẩm hoàn thiện, tôi cũng chưa ưng ý lắm và phải sửa chữa, khắc phục trong những lần điêu khắc tiếp theo” - chị Vân chia sẻ.
Nói về điêu khắc, một trong những lĩnh vực phức tạp nhất là điêu khắc tượng chân dung, đặc biệt là điêu khắc tượng chân dung bằng gỗ. Từ ý tưởng đến hiện thực, chị Vân tìm hiểu những tác phẩm khác ở trên mạng nhưng phần lớn là điêu khắc chân dung bán thân. Có rất nhiều kiểu, mẫu ảnh về Bác, song bức chân dung toàn thân được chị chọn là hình Bác Hồ vẫy tay tươi cười, cho chị cảm nhận sự thân thiện, tấm lòng bao la của Bác.
Chị Vân nói: “Bức ảnh được chọn, tôi cảm thấy thiêng liêng và cảm xúc lắm! Tôi cho rằng, cái khó nhất của điêu khắc chân dung, nhất là chân dung Bác Hồ thì vừa làm sao lột tả được thần thái của người lãnh đạo, vừa không mất đi sự gần gũi, thân thiện của Bác. Cho nên, khi điêu khắc chân dung Bác Hồ, ngoài năng lực, sự khéo léo, tôi đặt tình cảm, cái tâm vào tác phẩm”.
Tháng 5/2023, nhân dịp sinh nhật Bác, chị Thu Vân bắt tay thực hiện ý tưởng. Chị tìm đến các cơ sở để lựa chọn chất lượng gỗ làm chân dung Bác, sau đó chở về nhà để điêu khắc. Đầu tiên, chị phác họa hình ảnh bằng công nghệ 2D, sau đó, sử dụng công nghệ tạo hình 3D rồi điêu khắc tượng chân dung Bác Hồ bằng máy CNC. Tiếp theo đó, chị chỉnh sửa lại bằng tay,... Tác phẩm của chị hoàn thành đúng vào dịp Lễ Quốc khánh 2/9.
Tuy nhiên, theo chị Vân, vì đây là lần đầu tiên thực hiện nên chị cũng muốn lắng nghe những chia sẻ, đóng góp ý kiến của nhiều người. Do đó, mỗi lần tham gia hội chợ triển lãm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm về gỗ, chị đều đặt bức chân dung Bác Hồ ở một góc trang trọng để mọi người tham quan. Và mỗi khi có khách dừng chân, chị thường giới thiệu cho họ biết, nghe góp ý để khắc phục ở lần sau. Tâm nguyện của chị là sẽ tặng tác phẩm này cho cơ quan, đơn vị tổ chức để thể hiện tấm lòng của mình đối với Bác, với quê hương./.
Thanh Nga