Thầy Nguyễn Trọng Hoàng - người lưu nhiều câu hò của Cần Đước
Tìm về những ngày xưa
Lớn lên trong gia đình có truyền thống về hò với bà nội là nghệ nhân hò, bà ngoại thuộc rất nhiều câu hò, hơn ai hết, thầy Hoàng hiểu và trân trọng những giá trị tốt đẹp của văn học dân gian, đặc biệt là những câu hò đối đáp mang đậm chất quê hương Cần Đước, tỉnh Long An.
Thầy Hoàng kể: “Hò đối đáp là một hình thức diễn xướng hấp dẫn của sinh hoạt văn nghệ dân gian trong môi trường lao động xưa kia. Nó diễn ra trên đồng ruộng, trên sông nước, bên cối giã gạo,... Một cuộc hò thường kéo dài qua 4 chặng gồm: Hò chào, hò hỏi; hò đố, hò đối; hò than thở; hò giã bạn. Hò đối đáp chính là bộ phận ca dao hay và đẹp nhất, cũng là bộ phận ca dao chiếm số lượng nhiều hơn cả trong kho tàng ca dao người Việt. Hò đối đáp tại Cần Đước cũng không ngoại lệ. Nằm giáp ranh và chịu ảnh hưởng giữa 2 vùng hò lớn là vùng hò cấy Chợ Đệm và vùng hò cấy Gò Công, trong những câu ca dao lưu hành tại Cần Đước, ca dao huê tình chiếm số lượng không hề ít và rất nhiều câu hay với nội dung trữ tình, sâu sắc”.
Mỗi chặng hò có một vai trò, ý nghĩa riêng. Trong đó, hò chào, hò hỏi là khúc dạo đầu để chào hỏi, đồng thời, gửi gắm những câu rào đón đầy ý tứ đến bạn hò; hò than thở có cảm xúc chân chất, tha thiết nhưng không kém phần mãnh liệt trong từng câu hò; hò giã bạn thì có những nét thú vị, độc đáo riêng trong thể hiện từng câu hò như: Xòe bàn tay năm ngón em đón mặt trời vàng/ Mặt trời ơi khoan lặn để cho em với chàng gá duyên. Riêng hò đối, hò đố có khá nhiều câu lắt léo và thử thách đưa ra cho bạn hò; người này ra đối, ra đố, người kia phải đáp lại ngay.
Thầy Hoàng chia sẻ: Có thể nói, hò đối, hò đố là khó nhất trong các chặng hò. Nội dung đối, đố, đáp phải hay và chịu thử thách của thời gian. Chỉ trong tích tắc sau khi câu hò hỏi dứt, người hò đáp phải có ngay đáp án. Đặc biệt khó là thời gian suy nghĩ không nhiều mà đáp án phải trúng mới hay và đáp án ấy phải diễn xướng dưới dạng câu hò, tức là đáp án bằng thơ, mà cũng chỉ được gói gọn trong một đôi câu lục bát chứ không được dông dài.
Ngoài ra, khen chê từ khán giả xung quanh cũng là sức ép quá lớn đối với người hò, làm nóng không khí cuộc hò. Và dư luận sau buổi hò cũng là điều người hò nào cũng phải nghĩ tới. Bên cạnh đó, hò đối, hò đố không chỉ dùng để thử trí, thử tài mà còn thử đức của người bạn hò. Đó là đạo đức làm người qua quan hệ ứng xử với gia đình, xã hội. Ngang sức, ngang tài mà phải xứng đức, xứng tài mới được bạn cấy tán thưởng”.
Một số câu hò đối, hò đố hay được thầy Hoàng sưu tầm như: Ra đố: Thấy anh hay chữ em mới hỏi thử đôi lời/ Chớ hồi tạo thiên lập địa ông trời con ai?, ra đáp: Này bớ em hai/ Em về hỏi lại bác trai/ Phụ mẫu còn chưa biết huống chi hai đứa mình! hay ra đối: Nước không chưn sao kêu là nước đứng/ Con cá không ai thờ sao gọi con cá linh/ Trai nam nhơn đà đối đặng thì gái nữ thanh xin bái chào, ra đáp: Mít trên nhành còn xanh sao kêu bằng mít ướt/ Còn dừa lắc có nước sao cũng nói dừa khô/ Trai nam nhơn đà đối đặng hỏi mấy cô tính gì?;...
Những kỷ niệm của thầy Nguyễn Trọng Hoàng về các hoạt động ngoại khóa của học sinh, trong đó có hoạt động hò đối đáp
Sưu tầm và trao truyền qua từng thế hệ học trò
Ấp ủ ước mơ giữ gìn và quảng bá những câu hò của quê hương cho thế hệ trẻ, thầy Hoàng bắt tay sưu tầm những câu hò ấy từ những người lớn tuổi tại địa phương. Trong khoảng 3 năm liên tiếp, từ năm 1990 đến 1993, thầy Hoàng và học sinh trực tiếp ghi chép lại những câu hò tại Cần Đước.
Thầy Hoàng tâm sự: “Ca dao cổ truyền Nam bộ và một bộ phận của nó là hò đố sau hàng trăm năm vang vọng trên các cánh đồng làng “cò bay thẳng cánh” miền Nam thì dần vắng bóng và lui về bên cánh võng và gác bếp mỗi nhà qua làn điệu hát ru. Thế nhưng, qua thời gian, những câu hát ru ấy cũng không còn bao người hát nữa. Song, văn học dân gian, trong đó có ca dao, có hò đối đáp,... vẫn là nguồn động lực mạnh mẽ trong đời sống Việt Nam ngay trong thời hiện đại, vẫn có tác dụng nhắc nhớ cội nguồn, điều chỉnh suy nghĩ, thái độ, hành vi mỗi người theo chuẩn mực đạo đức dân tộc.
Và văn học dân gian, tiếng hò dân gian vẫn cứ lẩn khuất đâu đó trong tâm hồn con người nước Việt rồi chợt vang lên nơi này, nơi khác giữa đời thường. Khi như câu nhắc nhở: “Cá không ăn muối…”, khi như lời tự tình tha thiết: “Gừng cay muối mặn xin đừng…”, khi như một tổng kết chắc nịch về thói đời: “Đói cơm lạt mắm tèm hem/ No cơm ấm áo lại thèm nọ kia”, khi như tự hào nêu gương cho hậu thế: “Gần bùn mà chẳng…”, khi như quyết tâm, như hiệu triệu lúc “Giặc đến nhà…”,… Để thấy rằng, ngoài dân gian còn tồn tại vốn quý là những câu hát, câu hò nếu không ghi chép lại thì sẽ dần bị mai một theo thời gian”.
Vậy là năm học 1990-1991 đến năm học 1992-1993, thầy Hoàng lên kế hoạch và tập huấn cho học sinh để sưu tầm các câu hò của địa phương. Theo đó, các kỹ năng thầy Hoàng chú trọng như: Tiếp cận, giao tiếp, duy trì cảm hứng cho nghệ nhân, ghi chép, chiếu tài liệu văn bản. Thầy Hoàng cũng trực tiếp tham gia sưu tầm cùng học sinh. Sau khoảng 3 năm miệt mài, thầy, trò tập hợp được một lượng lớn câu hò mang nét riêng của quê hương Cần Đước.
Những chồng giấy ghi chép các câu hò mang giá trị cốt lõi của Cần Đước hoặc vốn lưu truyền từ lâu và rất quen thuộc với Cần Đước hay những câu có những chứng tích mang màu sắc của Cần Đước được lọc ra và giữ lại kỹ lưỡng, ngăn nắp với khoảng 10 cuốn tập. Đó là công sức, tài sản vô giá của thầy Hoàng và các học sinh thời đó. Dựa trên những tư liệu ấy, thầy Hoàng lồng ghép vào bài giảng, bài ôn tập văn học dân gian hay đưa vào sinh hoạt giáo dục trải nghiệm văn học dân gian trên lớp từ đó đến nay.
Nhờ tập hợp được những câu hò của địa phương, nhiều thế hệ học sinh của thầy Hoàng cảm nhận được sự quen thuộc, gần gũi của văn học dân gian. Và đặc biệt là những giá trị của quê hương tiếp tục được gìn giữ và trao truyền./.
Ngọc Thạch