Sau thời gian điền dã, sưu tầm, nhạc sĩ dành thời gian sàng lọc và sắp xếp lại các câu hò mình ghi chép được
Cuối năm 2018, Nhà Xuất bản Văn hóa - Văn nghệ xuất bản quyển sách Những câu hò trên quê hương Long An của nhạc sĩ Trịnh Hùng (nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam). Đó không chỉ là một quyển sách mà còn là tâm huyết, tình cảm và nỗ lực của một người “nặng nợ” với văn nghệ dân gian.
Nhạc sĩ Trịnh Hùng từng tâm sự, Những câu hò trên quê hương Long An là tác phẩm mà ông ấp ủ từ rất lâu và bỏ không ít thời gian, tâm sức để sưu tầm. Nhưng vì một số lý do, sau khi tác phẩm hoàn thành một thời gian dài mới có thể chính thức in thành sách. Ngày nào Những câu hò trên quê hương Long An chưa được in là ngày đó, người nhạc sĩ ấy còn canh cánh bên lòng. Bởi, chính ông cũng không hiểu vì sao mình lại phải nhọc công như vậy. Suốt nhiều năm liền, nhạc sĩ Trịnh Hùng đi khắp các làng quê, tìm các dì, các mẹ để hỏi và ghi chép lại những câu hò. Sau đó, với số tài liệu thu thập được, nhạc sĩ phải sắp xếp lại theo chủ đề, lọc bỏ những câu giống nhau, sẵn sàng cho việc in thành sách.
Bản thảo hoàn tất, mỗi ngày, ông đều mang ra đọc đi đọc lại, vừa để chắc chắn “đứa con tinh thần” của mình thật hoàn hảo trước khi gửi nhà xuất bản, vừa để tự mình “nhâm nhi”, cảm nhận những âm điệu ngọt ngào, lời hát thiết tha trong từng câu hò tưởng chừng chỉ còn trong ký ức. Nhạc sĩ Trịnh Hùng chia sẻ: “Thông qua các điệu hò trong công trình này, tôi mong sẽ góp phần giúp chúng ta yêu thương nhau và yêu mảnh đất mà chúng ta đang sống nhiều hơn, để luôn nhớ về nguồn cội, sống có trách nhiệm hơn với ông cha ta một thời đi mở cõi”.
Quyển sách Những câu hò trên quê hương Long An với biết bao tình cảm của người nhạc sĩ đã cất công điền dã, sưu tầm. Trong ấy cũng thấp thoáng bóng hình, tình cảm và sinh hoạt của cha ông ta thời trước. Những điệu hò Huê tình, hò Đồng Tháp, hò Quốc sự, hò Mái dài,... với nhiều chủ đề khác nhau lần lượt góp mặt trong tác phẩm.
“Hò ơ ơ hò...
Có thương thì nói rằng thương
Không thương thì nói một đường cho xong
Chớ đừng dở đục dở trong
Lềnh lềnh nước hến mà đau lòng người”.
Nhạc sĩ cất tiếng hò bằng tất cả sự say mê và chiêm nghiệm, rồi ông mỉm cười: “Sao mà ý nhị, thâm thúy quá!”. Lời gửi gắm, dặn dò hay lời hờn dỗi mà sao nghe cũng nặng một chữ “thương”! Chính vì những chữ “thương”, những ý nhị, thâm thúy đó mà ở độ tuổi xế chiều, nhạc sĩ Trịnh Hùng vẫn say mê tìm kiếm và sưu tập. Bởi ông lo sợ, nếu ông không làm điều đó, “chẳng chóng thì chầy”, những điệu hò sẽ thực sự rơi vào quên lãng. Các nghệ nhân hò năm xưa không còn mấy người, một số cụ đã mang theo những điệu hò về với tổ tiên. Và quyển sách Những câu hò trên quê hương Long An như một “dấu gạch nối” giữa hai thế hệ, để con cháu đời sau biết về loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo ở vùng đất phương Nam vốn hào sảng, dễ gần.
Quyển Những câu hò trên quê hương Long An vừa được xuất bản cuối năm nay
Và đó cũng là cách nhạc sĩ Trịnh Hùng trả nợ với quê hương, món nợ ân tình mà ông thấy mình đã vương mang từ khi còn là chàng trai trẻ. Nhà văn Hoài Vũ kể: “Nghề nghiệp đã đưa nhạc sĩ Trịnh Hùng đến những ca khúc dân ca gần gũi với đời sống thường nhật nhưng đầy sức biểu cảm. Anh trở thành người mê đắm với những làn điệu dân ca quê hương Nam bộ. Sự mê đắm ấy thôi thúc anh thực hiện công việc sưu tầm, ghi chép những câu ca, giọng hò mà trong đó có những làn điệu chưa được nhiều người biết đến”.
Qua không ít thăng trầm, cuối cùng thì sự say mê của người nhạc sĩ cũng đem về trái ngọt. Quyển sách Những câu hò trên quê hương Long An đến tay độc giả gần xa với bản in và trình bày đẹp, chất giấy dày dặn cùng những lời giới thiệu công phu. Và chúng tôi tin rằng, với những ai mến yêu văn nghệ dân gian thì khi cầm quyển sách nhỏ ấy trên tay sẽ cảm nhận được đó thực sự là một “kho báu nhỏ” chẳng dễ gì tìm được!
Phương Phương