Tiếng Việt | English

25/07/2021 - 07:50

Nguy cơ xuất hiện siêu biến chủng nguy hiểm hơn cả Delta tại tâm dịch châu Á

Nhiều chuyên gia cảnh báo, tình hình tại Indonesia đang tạo ra những điều kiện chín muồi cho sự xuất hiện một biến thể Covid-19 mới đáng lo ngại hơn cả Delta.

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trên khắp thế giới đang cảnh báo tốc độ và quy mô của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 mới nhất ở Indonesia  - tâm dịch của châu Á, có khả năng tạo ra một siêu biến chủng mới thậm chí còn dễ lây nhiễm và nguy hiểm hơn biến chủng Delta.


Số ca mắc và tử vong vì Covid-19 tăng chóng mặt tại Indonesia. Ảnh: ITN

Số ca tử vong phá kỷ lục 4 lần/tuần

Indonesia đã vượt Ấn Độ và Brazil, trở thành quốc gia có số ca mắc theo ngày cao nhất thế giới. Làn sóng Covid-19 thứ 3 đã gây ra ảnh hưởng vô cùng tàn khốc tại Indonesia với những câu chuyện đau thương, chết chóc bao trùm khắp các mạng xã hội, nhiều gia đình tuyệt vọng khi không thể tìm được giường bệnh và bình oxy cho người thân bị mắc bệnh.

Số ca tử vong do Covid-19 tại Indonesia đã phá kỷ lục 4 lần trong tuần này, với mức cao nhất ghi nhận vào hôm 23/7 là 1.566 ca. Theo thống kê của Worldometers, tính đến thời điểm hiện tại, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận hơn 3 triệu ca mắc và hơn 80.500 ca tử vong. Số liệu của Our World in Data cho thấy, tỷ lệ tử vong của Indonesia hiện cao gấp 3 lần so với mức trung bình trên toàn cầu. Ước tính, gần 2.500 người đã chết trong khu vực cách ly hoặc ngoài các bệnh viện kể từ tháng 6/2021.

Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ Indonesia nghiên cứu về các biến chủng của SARS-CoV-2 tại Đại học Griffith của Australia cho biết: “Các biến thể mới luôn xuất hiện ở những khu vực hay quốc gia không thể kiểm soát được dịch”. 

“Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu 5% số xét nghiệm cho kết quả dương tính, nghĩa là dịch đã vượt tầm kiểm soát. Tại Indonesia, con số này cao hơn 10% trong khoảng 16 tháng ở giai đoạn đầu của dịch và hiện giờ là trên 30%. Do vậy, rất có khả năng xuất hiện một biến chủng mới hoặc siêu biến chủng ở Indonesia", ông Budiman lưu ý.

Ông Amin Soebandrio, giám đốc của Viện Eijkman, một tổ chức chính phủ nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm cảnh báo, mặc dù chưa có biến thể mới nào xuất hiện tại Indonesia nhưng nước này vẫn cần phải thận trọng: “Với số ca mắc ngày càng tăng, chúng tôi không thể nói rằng điều đó sẽ không xảy ra. Quan trọng là phải quan sát kỹ lưỡng để phát hiện những biến thể mới ngay khi chúng vừa xuất hiện”.


Các nhân viên nghĩa trang đang chôn cất thi thể bệnh nhân Covid-19 tại Indonesia. Ảnh: AFP.

Nguy cơ xuất hiện biến chủng cực nguy hiểm

Virus luôn không ngừng thay đối thông qua các đột biến trong chuỗi gen di truyền của chúng để tạo ra biến thể mới. Tiến sĩ Ravina Kullar, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nhà dịch tễ học kiêm giảng viên tại Trường Y David Geffen nhận định: "Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2  đang được phát hiện trên thế giới mỗi tuần nhưng hầu hết đều “đến và đi”. Một số vẫn tồn tại nhưng không phổ biến, một số gia tăng trong cộng đồng trong khoảng một thời gian sau đó biến mất. Thay đổi và tiến hóa là bản chất tự nhiên của virus chứa gen di truyền RNA”.

Chỉ khi biến thể mới tăng khả năng lây nhiễm, tăng nguy cơ nhập viện hay tử vong ở người và làm giảm hiệu quả của vaccine cũng như các phương pháp điều trị, thì lúc đó WHO mới xếp chúng vào nhóm "đáng lo ngại".

Trên thế giới, có 4 biến thể đáng lo ngại gồm: biến thể Alpha, lần đầu tiên được xác định ở Vương quốc Anh; biến thể Beta, xuất phát từ Nam Phi; biến thể Delta, lần đầu tiên được xác định tại Ấn Độ và biến thể Gamma, có nguồn gốc từ Brazil.

Theo ông Amin Soebandrio, trong 4 biến thể trên thì có tới 3 loại, trừ Gamma, được phát hiện ở Indonesia. Indonesia hiện giờ đã phát triển được khả năng chẩn đoán nhanh để phát hiện các chủng mới trong một thời gian ngắn. Kể từ đầu năm đến nay, nước này đã giải trình tự hơn 3.000 chuỗi gen của virus, tăng gấp 10 lần so với số lượng 200 đến 300 chuỗi trong cả năm 2020. Kết quả cho thấy, biến thể Alpha đang lan rộng còn Delta đã trở thành biến thể vượt trội, chiếm phần lớn số ca bệnh.

Ông Shahid Jameel - Chủ tịch nhóm cố vấn tại Hiệp hội Di truyền SARS-CoV-2 Ấn Độ (INSACOG) cho hay: “Biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao gấp 4 đến 5 lần chủng virus ban đầu”. Chuyên gia này đánh giá, tình hình ở Indonesia hiện nay "rất giống" làn sóng thứ hai ở Ấn Độ do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo Bộ Y tế Indonesia, chỉ 8% dân số được tiêm phòng đầy đủ.

Hai nhóm nghiên cứu virus corona hàng đầu thế giới tại Mỹ cảnh báo rằng, tình hình tại Indonesia đang tạo ra những điều kiện chín muồi cho sự xuất hiện một biến thể Covid-19 mới đáng lo ngại.

Bài học kinh nghiệm từ Ấn Độ

Giáo sư Ali Mokdad tại Viện Đo lường và Đánh giá Y tế ở Seattle lưu ý: “Càng nhiều ca mắc trong cộng đồng thì càng có nguy cơ cao xuất hiện biến thể mới”. Chuyên gia này đã bày tỏ lo ngại về việc tổ chức lễ hội Eid al-Adha, một trong những lễ hội Hồi giáo quan trọng nhất của Indonesia, diễn ra từ 20 đến 23/7 cùng các hoạt động bên lề.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã khuyến cáo người dân nên tổ chức lễ Eid al-Adha tại nhà và tuân thủ các quy định phòng Covid-19 nghiêm ngặt. Chính phủ cũng triển khai hàng nghìn nhân viên an ninh trên khắp đất nước để thực thi lệnh cấm đi lại. Tuy nhiên, ở Jakarta và những nơi khác, nhiều người vẫn tụ tập cầu nguyện bên ngoài các nhà thờ Hồi giáo đã đóng cửa. Cảnh sát và quân đội tại cảng Gilimanuk ở phía tây Bali cho biết, hàng nghìn công nhân nhập cư vẫn chen nhau trên những chuyến phà đông đúc để trở về quê nhà ở Java – tâm dịch của Indonesia.

Robert Bollinger, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Đại học Y Johns Hopkins cảnh báo: “Virus SARS-CoV-2 có khả năng đột biến thành một biến thể mới mỗi khi nó lây nhiễm cho một người mới. Vì thế, nguy cơ xuất hiện biến thể mới rất cao trong cộng đồng và ở những quốc gia có số ca mắc mới cao nhất, trong đó có Indonesia”. Nhưng việc dự đoán biến chủng nguy hiểm xuất hiện khi nào và ở đâu nằm ngoài khả năng hiện nay của các nhà khoa học.

“Khi bạn để một loại virus như SARS-CoV-2 có cơ hội lây lan, khả năng xuất hiện biến thể mới sẽ tăng lên. Indonesia nên rút kinh nghiệm từ bài học của Ấn Độ. Điều quan trọng nhất là phải gia tăng khả năng cung ứng oxy và công suất của các bệnh viện. Có lẽ điều tồi tệ nhất có lẽ vẫn chưa xảy ra”.

Đối mặt với thực tế khắc nghiệt do dịch bệnh gây ra, Indonesia tích cực thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng để giảm tác động của đại dịch song khó khăn về hậu cần, hạn chế nguồn cung và tâm lý hoài nghi hiệu quả của vaccine đã cản trở các mục tiêu đề ra. Nước này vẫn chưa giữ vững được cam kết thực hiện 400.000 xét nghiệm mỗi ngày cũng như việc tăng cường truy vết các trường hợp tiếp xúc với ca mắc Covid-19, trong khi tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở mức trung bình 28,7% trong tuần qua./.

Hồng Anh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết