Nhiều doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ cũ nên năng suất lao động không cao. (Ảnh minh họa. Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)
Mỗi năm Việt Nam phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Theo các chuyên gia, việc thiếu đầu tư về khoa học công nghệ cũng như tỷ lệ nội địa hóa thấp là nguyên nhân chính đẩy nhập siêu lên cao.
Nhiều đầu vào sản xuất phải nhập khẩu
Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu các linh kiện, phụ tùng những năm qua rất lớn, riêng năm 2015 đạt khoảng 54 tỷ USD, trong đó tiêng linh kiện máy vi tính, sản phẩm điện tử khoảng 21 tỷ USD, linh kiện điện thoại đạt 10 tỷ USD.
Tại hội nghị "Tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ ngành công thương giai đoạn 2011-2015," do Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/12, tại Hà Nội, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng đã chỉ ra một thực tế dẫn đến sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ.
Theo đó, năng lực và công nghệ sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, hầu hết công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh thấp, trong khi nguyên vật liệu phụ thuộc chủ yếu vào nhà cung cấp nước ngoài.
"Đến nay, các doanh nghiệp nội địa mới chỉ cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ," ông Tuấn nói.
Tính đến đầu năm 2016, cả nước mới chỉ có gần 1.4000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và so với tổng số 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, tức là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 0,03%.
Quan trong hơn, sự yếu kém về nội lực nên hầu hết các nguyên vật liệu và linh kiện đầu vào phục vụ cho công nghiệp chế biến, chế tạo đều phải nhập khẩu, do đó sản phẩm cuối cùng không tạo ra giá trị gia tăng cao.
Dẫn chứng rõ nhất là ngành dệt may, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 27,3 tỷ USD, đóng góp khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Dù vậy, lượng nguyên phụ liệu phải nhập đã đạt con số 13,4 tỷ USD, dẫn đến giá trị gia tăng thấp.
"Dệt may Việt Nam vẫn tồn tại hạn chế "cốt tử" là tỷ lệ sản xuất nguyên phụ liệu trong nước chưa cao, mới chỉ đạt 40%, số còn lại phải nhập khẩu," báo cáo của Bộ Công Thương cho biết.
Công trình nghiên cứu xong "đút ngăn kéo"
Có thể thấy, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đưa ra hàng loạt giải pháp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp để chủ động đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam gần như đang ở bước đi đầu tiên so với các nước có nền công nghiệp phát triển trên thế giới.
Ở rất nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ sức tự thiết kế, chế tạo ra một số sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế, thậm chí là chưa đủ sức chế tạo linh kiện, phụ tùng cho các tập đoàn đa quốc gia, sửa chữa các trang thiết bị phức tạp...
Nguyên nhân theo vị chuyên gia này là do lợi ích của nhà nghiên cứu, nhà sản xuất và chủ đầu tư thường xung đột nên việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất, đặc biệt là trong các dự án thuộc chương trình kinh tế lớn rất hạn chế.
"Vẫn có một thực tế là nhiều công trình nghiên cứu xong nhưng phải "đút ngăn kéo", không được triển khai áp dụng," Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí cho hay.
Vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ - CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp để chủ động đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ.
Nhưng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần phải có sự quy hoạch các chính sách cụ thể về hỗ trợ về công nghệ phát triển các sản phẩm nguyên liệu đầu vào.
Đặc biệt, cần tạo sự thông thoáng để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dễ dàng tiếp cận vốn đầu tư và mở rộng nghiên cứu, sản xuất, cũng như có cơ chế khuyến khích đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam để nâng cao năng suất lao động và năng lực công nghệ quốc gia.
Nhìn nhận ở tầm vĩ mô, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, ứng dụng khoa học công nghệ chính là nền tảng và là động lực phát triển của các ngành kinh tế.
Bộ trưởng đề nghị ngành công thương cần đánh giá và rà soát lại các chủ trương mà Nhà nước đã ban hành trong việc ứng dụng khoa học công nghệ. Theo đó, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý của ngành cần tập trung phân tích những tồn tại vướng mắc để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.
"Là ngành mũi nhọn của nền kinh tế và là nơi ứng dụng rất nhiều khoa học công nghệ, thời gia qua ngành công thương đã đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế. Tuy vậy cần dự báo những xu thế thay đổi của khoa học công nghệ thế giới để có chính sách phù hợp với điều kiện của đất nước, cũng như giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế," Bộ trưởng đề nghị./.
Đỗ Huy/Vietnam+