Công tác dân vận của xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa được thực hiện sát với tình hình thực tiễn địa phương và gắn với chăm lo đời sống người dân
Phát huy dân chủ
Hiện nay, KT-XH xã Nhị Thành có bước phát triển ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống người dân dần cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm theo từng năm, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, người dân đoàn kết, tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kết quả ấy là nhờ xã thực hiện tốt công tác QCDC ở cơ sở và phong trào thi đua DVK.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng khối Vận xã Nhị Thành - Phạm Công Mười cho biết: “Cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể xã xác định việc thực hiện QCDC ở cơ sở là nhiệm vụ quan trọng và được thực hiện gắn với nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Hàng năm, kế hoạch phát triển KT-XH; việc thực hiện chương trình đột phá về xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới nâng cao; công trình xây dựng cơ bản; chương trình vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững;... đều được thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đó, phát huy tối đa quyền làm chủ của Nhân dân, tạo được sự đồng thuận cao và củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền”.
Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, giao thông trên địa bàn xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa được nâng cấp,
mở rộng
Từ đầu năm 2024 đến nay, xã triển khai 3 công trình xây dựng cơ bản bằng hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trong đó có 1 công trình đã hoàn thành. Tổng kinh phí thực hiện các công trình dự toán hơn 1,7 tỉ đồng, trong đó, người dân đóng góp hơn 355 triệu đồng. Các công trình đều được thực hiện đúng quy trình lấy ý kiến và đưa ra bàn bạc nhằm tạo sự đồng thuận của người dân trước khi thực hiện. Việc thành lập Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và niêm yết công khai thu, chi tài chính được chú trọng, giúp người dân dễ giám sát.
Công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Bí thư Đảng ủy xã với Nhân dân được chú trọng thực hiện. Từ đó, kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và giải quyết những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở.
Nổi bật trong thực hiện QCDC là xã gắn với công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, xã triển khai mô hình Hai không, hai biết (không để hồ sơ trễ hẹn, không bổ sung hồ sơ quá 2 lần và biết xin lỗi, biết nở nụ cười với Nhân dân). Từ đó, quy trình giải quyết các thủ tục được rút gọn, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch.
Triển khai sâu, rộng
Mô hình Dân vận khéo Mỗi tháng 1 tuyến đường xanh, sạch, đẹp, an toàn được duy trì thực hiện hiệu quả
Đi đôi với thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, cấp ủy Đảng, chính quyền xã lãnh, chỉ đạo MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai sâu, rộng phong trào thi đua DVK trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phong trào thu hút ngày càng đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên và người dân đồng thuận tham gia.
Ông Phạm Công Mười cho biết thêm: “Xã quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận sát tình hình thực tiễn của địa phương; đồng thời, chỉ đạo triển khai các mô hình DVK có nội dung, tiêu chí cụ thể, tác động tích cực đến đời sống Nhân dân và gắn với yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương. Từ đó, tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác dân vận trong tình hình mới”.
Đến nay, xã xây dựng nhiều mô hình DVK mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực. Cụ thể là các mô hình: Vì trái tim và nụ cười trẻ thơ; Camera giám sát an ninh, trật tự; Ánh sáng an ninh, trật tự; Người cán bộ Mặt trận gần dân, hiểu dân, sẵn sàng phục Nhân dân; Mỗi tháng 1 tuyến đường xanh, sạch, đẹp, an toàn; Góp vốn xoay vòng phát triển kinh tế gia đình; Nhà trọ xanh, sạch, đẹp, an toàn; Phân loại rác tại nhà; Câu lạc bộ bảo vệ môi trường; Zalo kết nối cộng đồng;...
Đặc biệt, mô hình Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng được triển khai từ tháng 4/2022, mang lại hiệu quả đáng kể. Thực hiện mô hình, ngoài công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng, UBND xã còn thành lập tổ công tác thường xuyên gặp gỡ, cảm hóa, giáo dục, nắm tâm tư, nguyện vọng của người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Ngoài ra, UBND xã, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên phối hợp ngành có liên quan tổ chức tư vấn, trợ giúp pháp lý, hướng dẫn các quy định, điều kiện để được xóa án tích; giáo dục về ý nghĩa của lao động, cuộc sống. Đến nay, các trường hợp này đều cam kết với chính quyền địa phương chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tích cực cải tạo, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Từ những kết quả đã đạt cho thấy, phong trào thi đua DVK ở xã Nhị Thành từng bước đi vào chiều sâu. Nhờ thực hiện tốt phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân” của Bác, QCDC ở cơ sở được phát huy. Mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân trên địa bàn càng được củng cố, tăng cường./.
Ngọc Mận