Tiếng Việt | English

20/10/2022 - 15:33

Nhiều chính sách hỗ trợ trẻ mầm non  

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị trực tuyến Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 20/10. Điểm cầu Long An, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Quang Thái chủ trì.

Điểm cầu Long An, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Quang Thái chủ trì

Thực hiện Nghị định số 105, các địa phương tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, mở rộng diện tích đất cho giáo dục, thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDMN, phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.

Tính đến hết năm học 2021 - 2022, toàn quốc có 15.401 trường mầm non, 15.385 cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập. Nhìn chung, cơ sở vật chất tại các cơ sở GDMN được cải thiện, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học hằng năm tiếp tục được tăng cường đầu tư theo hướng kiên cố, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ đến trường, đặc biệt trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Các điểm cầu hội nghị trực tuyến Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non

Về thực hiện các chính sách đối với trẻ mầm non, tính đến hết năm học 2021 - 2022, cả nước có hơn 995.800 lượt trẻ được hỗ trợ ăn trưa với tổng kinh phí hơn 1.170 tỉ đồng. Số trẻ được hỗ trợ đa số là tại các cơ sở GDMN công lập thuộc địa bàn thôn, xã đặc biệt khó khăn và trẻ là con hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, cả nước có 40 tỉnh hỗ trợ trẻ học tại các cơ sở GDMN ngoài công lập với hơn 86.000 lượt, tổng kinh phí hơn 600 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các địa phường còn thực hiện chính sách đối với giáo viên mầm non. Tính đến hết năm học 2021 - 2022, cả nước có 28.837 giáo viên được hưởng chính sách đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số, tổng kinh phí gần 561 tỉ đồng,…

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định 105 cũng còn một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non tại nhiều địa phương chưa theo kịp nhu cầu phát triển KT - XH và nhu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân; việc chi trả kinh phí hỗ trợ trẻ và giáo viên mầm non năm học 2021 - 2022 còn chưa bảo đảm thời gian quy định; mức hỗ trợ chính sách đối với giáo viên mầm non vẫn còn thấp,...

Hướng tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo (3 - 4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2023 - 2030 và Đề án “Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn giai đoạn 2023 - 2030”; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GDMN,… Các địa phương chưa ban hành Nghị quyết HĐND theo thẩm quyền thì ngành Giáo dục tích cực phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu thực hiện đúng, đủ quy định tại Nghị định số 105,…/.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết