Tiếng Việt | English

28/11/2022 - 10:56

Nhớ trận Cù Tròn!

Về xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, hỏi Khu di tích lịch sử Cù Tròn, ai cũng biết. Khu di tích là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, người dân địa phương và là "địa chỉ đỏ" quen thuộc để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Hàng năm, cứ vào ngày 23/10 Âm lịch, người dân ấp Tân Long, xã Thanh Phú Long cùng nhau làm lễ kỷ niệm chiến thắng Cù Tròn. Đây cũng được xem là ngày giỗ các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận đánh. Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành - Phan Thị Mộng Thường cho biết: “Ngày chiến thắng trận Cù Tròn là 27/11/1964 nhưng do người dân địa phương quen tính theo Âm lịch nên tổ chức ngày kỷ niệm vào 23/10 Âm lịch. Người dân ấp Tân Long nói riêng và xã Thanh Phú Long nói chung luôn ghi nhớ công ơn của thế hệ cha anh đã hy sinh để có được thanh bình như ngày nay”.

Khu di tích lịch sử Cù Tròn vừa được UBND huyện Châu Thành đầu tư trùng tu, tôn tạo

Trận Cù Tròn là trận chống càn nổi tiếng của quân và dân ta tại Xóm Tròn trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Chỉ với 18 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đội 1, C313 địa phương quân Châu Thành đã đẩy lùi 6 đợt tiến công ác liệt của địch, tiêu diệt 120 tên, bắn hỏng 1 xe M113 và nhiều thiết bị khí tài của địch. Phía ta hy sinh 1 đồng chí.

Khu vực Cù Tròn có diện tích hẹp. Xưa kia là vùng đất được che khuất bởi các vườn dừa, rặng cây, dân cư thưa thớt, xung quanh là biền lầy, sông, rạch, chỉ có duy nhất hướng thông ra đồng lúa.

Cuối tháng 11/1964, Trung đội 1 thuộc C313 huyện Châu Thành đang hoạt động ở khu vực Bình Tâm, An Vĩnh Ngãi thì được lệnh về ấp Thanh Bình 1 (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành) dự đợt học tập chỉnh huấn. Khi đơn vị di chuyển đến Xóm Rẫy (thuộc xã Thanh Phú Long ngày nay), địch tổ chức trận càn lớn nhằm tiêu diệt lực lượng ta. Chúng huy động cả bộ binh, tàu chiến, xe tăng, có máy bay trực thăng đổ quân. Quân số địch gồm 2 tiểu đoàn của Sư đoàn 7, 1 Chi đoàn thiết giáp M113 với trên 20 chiếc, 30 xuồng máy, trong đó có 4 tàu đổ bộ, 10 máy bay trực thăng đổ quân.

Lực lượng ta từ Xóm Rẫy nhanh chóng di chuyển xuống Xóm Tròn chuẩn bị chiến đấu. Sáng ngày 27/11, địch tổ chức tấn công, ta chiến đấu kiên cường, đẩy lùi các đợt tiến quân của địch. Đến trưa, do biết rõ về quân số của ta, chúng đưa M113 và bộ binh chiếm lĩnh trận địa. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Đến xế chiều, do thiệt hại nặng, địch ngừng tấn công để củng cố lực lượng. Lực lượng ta rút khỏi trận địa về ấp Thanh Bình 1 (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành).

Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, chính quyền và nhân dân xã Thanh Phú Long chung tay xây dựng quê hương. Thanh Phú Long hiện là xã nông thôn mới nâng cao

Chiến công đó được người dân Thanh Phú Long ghi nhớ đến tận ngày nay. Tinh thần đoàn kết, anh dũng được phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương. Thanh Phú Long giờ đây là xã nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bêtông hóa hoàn chỉnh, xe ôtô vào đến tận cửa nhà dân. 100% người dân có điện sử dụng, người dân dùng nước qua lắng lọc đạt 97%. Các trường học trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia theo quy định, người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,6%.

Bà Huỳnh Thị Bông (ấp Thanh Tân, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành) cho biết: “Xã bây giờ thay đổi nhiều rồi, đời sống người dân cũng khá giả hơn. Con đường trước cửa nhà tôi trước đây trải đá đỏ, giờ được láng nhựa. Khu chợ nhỏ cũng đã xây mới khang trang, tiểu thương, người dân đều vui mừng. Chính quyền chăm lo cho dân nên cứ hễ phát động phong trào, chúng tôi đều ủng hộ”. Bà Bông còn kể thêm, từ ngày tuyến đường trước nhà được trải nhựa, việc buôn bán của gia đình cũng thuận lợi hơn.

Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, Thanh Phú Long ngày nay thay đổi nhiều, đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Mộc Châu

Chia sẻ bài viết