Tiếng Việt | English

25/10/2017 - 09:34

Những bệnh sau mưa, lũ và biện pháp phòng tránh

Phòng, trị bệnh trong mùa nước nổi được nhiều người quan tâm, nhất là người dân vùng lũ. Lũ về mang theo vô số vi sinh vật (cả loại gây bệnh và không gây bệnh) từ đất, bụi, rác, chất thải,... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

Bệnh đường tiêu hóa

Bệnh đường tiêu hóa thường gặp: Tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A, bại liệt,... thường do ăn, uống phải những thực phẩm, nước uống bị nhiễm khuẩn. Bệnh truyền từ người này sang người khác và có thể lây thành dịch, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của cộng đồng, nhất là trẻ em.

Ngăn chặn các bệnh về đường ruột sau mưa, lũ, lụt, trước hết cần lưu ý việc vệ sinh môi trường sống và nguồn nước sinh hoạt. Các vùng chưa có nước máy thì cần rửa, vệ sinh sạch sẽ giếng khơi, sát trùng bằng cloramin B theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Cố gắng quản lý tốt chất thải, nhất là phân, nước tiểu, chất thải công nghiệp, chất thải bệnh viện, không cho mầm bệnh lây lan ra môi trường xung quanh. Những ao tù, nước đọng cần được khơi thông. Phát động mọi người dân tự giác vệ sinh trong từng gia đình, từng ngõ xóm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất mầm bệnh phát triển.

Mọi người cần ăn chín, uống chín (nước đun sôi, để nguội). Tuyệt đối không ăn rau sống, uống nước lã, không đi vệ sinh bừa bãi, không chế biến thực phẩm từ các loại động vật chết vì lũ. Không nên tắm ở ao, hồ, sông vừa bị lũ. Không ngâm mình dưới nước thời gian lâu. Nếu trời mưa, tốt nhất là hứng nước mưa vào các dụng cụ chứa đựng sạch để nấu nước uống và nấu thức ăn. Trong trường hợp phải dùng nước sông, ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn thì dùng phèn chua hòa vào nước (với tỷ lệ 1gr phèn chua/20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua, có thể dùng túi vải để lọc nước. Sau đó, nước cần được khử trùng bằng hóa chất cloramin B hoặc clorua vôi.

Tại hộ gia đình, cloramin B dạng viên 0,25 gam (hoặc 1gr) rất tiện lợi cho việc khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, xô, chậu; một viên 0,25g dùng cho 25 lít nước (tỷ lệ 10%). Sau khử trùng, nước phải có mùi clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nước sau khử trùng 30 phút là sử dụng được. Tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo. Nước xử lý bằng clo vẫn phải đun sôi mới uống được.

Rotavirut - Mối nguy hiểm cho trẻ em

Sau mưa lũ, nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy do rotavirut ở trẻ em là rất lớn. Khi bị lây nhiễm vi-rút khoảng 12 giờ đến 4 ngày, trẻ bắt đầu ói và tiêu chảy. Ói xuất hiện trước tiêu chảy 6-12 giờ và có thể kéo dài khoảng 2-3 ngày. Trẻ ói rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy. Phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần. Trong giai đoạn này, trẻ bị mất nước, nếu bị kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong.

Ở thể nhẹ, không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3-8 ngày. Việc điều trị bệnh chủ yếu là đề phòng biến chứng mất nước, ưu tiên hàng đầu là dung dịch muối đường để bổ sung nước và cả chất điện giải (còn gọi là muối khoáng như Na, kali, clo,...) bị mất qua phân và chất nôn ói, dung dịch uống thường sử dụng là dung dịch oresol. Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài, gây ứ đọng, chướng ruột.

Cần cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, chia nhỏ làm nhiều bữa, tránh kiêng khem quá mức. Nếu trẻ còn bú mẹ, cho trẻ bú nhiều và lâu hơn. Nếu trẻ không bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ uống một hoặc nhiều loại dung dịch như oresol, thức ăn lỏng (nước súp, nước cơm, nước cháo) hoặc nước chín. Nếu bú bình thì vệ sinh bình sạch sẽ, không đổi loại sữa.

Cần đưa trẻ đến khám ngay tại cơ sở y tế khi có một trong những biểu hiện sau: Đi ngoài rất nhiều lần phân lỏng (đi liên tục), ói tái diễn, trẻ rất khát, ăn uống kém hoặc bỏ bú, tình trạng không được cải thiện sau 2 ngày điều trị, sốt cao hơn, có máu trong phân.

Bệnh sốt xuất huyết

Ngập lụt kéo dài là điều kiện tốt cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong, nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về KT-XH.

Từ đầu năm đến nay, Long An ghi nhận 2.621 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 26% so với cùng kỳ, không có trường hợp tử vong. Huyện Đức Hòa có số mắc cao nhất (709 ca), kế đến là Bến Lức (400 ca), Cần Đước (369 ca). Bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và có thể có các dấu hiệu: Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da xung huyết; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Bệnh nhân chuyển nặng khi có thêm dấu hiệu: Vật vã, lừ đừ, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan; ói nhiều; tiểu ít; chảy máu chân răng, chảy máu mũi. Cần đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết Dengue để được khám, tư vấn; không nên tự ý điều trị tại nhà; thông báo ngay cho trạm y tế hoặc trung tâm y tế khi phát hiện có người nghi mắc bệnh hoặc có người đang mắc bệnh.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất vẫn là diệt muỗi, lăng quăng và phòng, chống muỗi đốt; tích cực phối hợp chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Lăng quăng trong các chậu trồng hoa kiểng có nước

Bệnh đau mắt đỏ

Trong điều kiện không có nước sạch sử dụng thì đau mắt đỏ (viêm kết mạc) cũng là bệnh thường gặp, rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch. Bệnh lây qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp (do dùng chung vật dụng cá nhân). Bệnh nhân đau mắt đỏ thấy ngứa, cộm, chói, đau nhức, sợ ánh sáng, chảy nước mắt và có nhiều ghèn. Sau đó, mắt đỏ, mi mắt có thể sưng, kết mạc phù nề. Trường hợp nặng có thể gây tổn thương giác mạc làm giác mạc bị mờ đục, thị lực giảm. Bệnh nhân có thể sốt nhẹ, có sưng hạch góc hàm hoặc hạch sau tai, họng đỏ, amidan sưng to.

Tuy bệnh không nguy hiểm (nếu điều trị đúng cách và sớm thì sẽ khỏi trong thời gian 4-6 ngày), nhưng đây là căn bệnh lây lan nhanh. Đáng chú ý là nếu không điều trị sớm, đúng cách có thể dẫn đến viêm giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực.

Để phòng bệnh, mọi người cần thực hiện rửa mặt bằng nước sạch, dùng khăn lau mặt riêng. Nếu có tiếp xúc với người bệnh và đồ dùng của họ, phải rửa tay sạch. Vệ sinh nhà ở, diệt ruồi vì đây là vật trung gian truyền bệnh từ người bệnh sang người lành. Bạn nên giữ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng.

Nấm kẽ chân

Nấm kẽ chân và lòng bàn chân, chàm, mề đay chân,... là các bệnh lý bàn chân thường gặp vào mùa lũ, lụt. Biểu hiện chính là da bị đỏ thành từng mảng, bề mặt da mủn trắng, khi tróc để lại vết trợt màu đỏ, đôi khi rịn máu. Thỉnh thoảng có những vết nứt da ở bề mặt vùng bị tổn thương. Nấm lòng bàn chân do loại nấm sợi tơ gây ra. Diễn tiến bệnh kéo dài, có thể lan lên rìa bàn chân và mặt mu bàn chân. Đôi khi xuất hiện các mụn nước nhỏ ở bên rìa vùng bị tổn thương. Trường hợp bội nhiễm sẽ kèm theo mụn mủ; vùng da bị bệnh trở nên sưng tấy, đôi khi nổi hạch háng và kèm sốt.

Chàm dạng tổ đỉa xuất hiện ở người có cơ địa dị ứng. Việc tiếp xúc với nước mưa hoặc dầm chân trong nước lâu ngày là điều kiện thuận lợi để phát bệnh. Triệu chứng chính là những mụn nước sâu trong da, kèm ngứa nhiều ở bề mặt bàn chân, đôi khi có hiện tượng bong da tróc vảy. Nếu bị bội nhiễm, các mụn nước hóa mủ, trở nên đục trắng hoặc vàng, có thể kèm theo sốt hoặc nổi hạch bẹn bên chân bị tổn thương.
Để tránh chân bị ngâm trong nước bẩn lâu, bạn nên đi ủng mỗi khi phải băng qua vùng nước ngập. Sau đó, nên lau thật khô chân với khăn khô hay khăn giấy hoặc bôi thuốc chống nấm.

Bệnh tay - chân - miệng

Tay - chân - miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi và có khả năng gây thành dịch lớn. Từ đầu năm đến ngày 15/10/2017, Long An ghi nhận 3.573 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng, trong đó có 1.699 trường hợp nhập viện điều trị, không có trường hợp tử vong. Tổng số ca điều trị nội trú tăng 26,9% so cùng kỳ năm 2016. Đức Hòa là huyện có số mắc bệnh cao nhất tỉnh (822 ca), kế đến là Cần Giuộc (450 ca) và Cần Đước (368 ca).

Bệnh lây cao nhất trong tuần đầu và lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, dịch phỏng nước bị vỡ, phân của trẻ bị nhiễm bệnh. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, tiếp xúc với sàn nhà, đồ chơi, bàn ghế,... bị nhiễm vi-rút. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng, mọi người cần thực hiện:

Giáo viên hướng dẫn trẻ thực hành rửa tay theo 6 bướcRửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi cho trẻ nhỏ ăn; sau khi sử dụng nhà vệ sinh, tiếp xúc với trẻ khác, thay tã cho trẻ, đặc biệt là khi có tiếp xúc với các bọng nước, tránh làm vỡ các nốt phỏng của trẻ. Tránh ôm, hôn, dùng chung đồ dùng,... với trẻ em bị bệnh tay - chân - miệng.

Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng. Luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ. Thu gom, xử lý phân của trẻ bằng cloramin B, vôi bột,...

Tuyệt đối không mớm cơm, thức ăn cho trẻ; không cho trẻ mút tay, ngậm mút đồ chơi, dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống: Ly, chén, muỗng, đồ chơi chưa được khử khuẩn.

Khi thấy trẻ bị sốt cao 38-39oC, đau họng, đau miệng, loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông,... cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Viêm nhiễm đường hô hấp

Do điều kiện sống trong mùa lũ không bảo đảm nên các bệnh đường hô hấp dễ xuất hiện, nhất là người già, trẻ em và người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp. Bệnh thường gặp nhất là viêm họng, cúm, cảm lạnh. Nếu không được điều trị dứt điểm và có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt có thể biến chứng sang viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Mùa nước nổi thường mang theo một số mầm bệnh, do đó, người dân vùng lũ cần nâng cao ý thức phòng, trị bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình./.

Mùa nước nổi thường mang theo một số mầm bệnh, do đó, người dân vùng lũ cần nâng cao ý thức phòng, trị bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết