Tiếng Việt | English

09/03/2017 - 10:11

Trước nguy cơ dịch muỗi hành - Bài cuối: Quản lý muỗi hành, không để bùng phát thành dịch

Trước tình hình muỗi hành diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây lúa, các ngành chức năng tập trung tìm giải pháp quản lý muỗi hành, không để thành dịch trong những vụ mùa tiếp theo.


Cán bộ khuyến nông và người dân kiểm tra thực tế các mẫu phẩm trong quá trình gây hại của muỗi hành trên cây lúa

Tổ chức tọa đàm

Ngay sau khi muỗi hành bùng phát mạnh mẽ tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Long An phối hợp 2 huyện Vĩnh Hưng và Tân Hưng tổ chức tọa đàm với các chuyên gia đầu ngành và hơn 300 cán bộ, nông dân về cách phòng tránh đối với đối tượng muỗi hành.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huỳnh - nguyên giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, muỗi hành thường tập trung gây hại vào vụ lúa Hè Thu nhưng năm nay bùng phát mạnh vào vụ lúa Đông Xuân. Ngoài yếu tố thời tiết thì một phần do thời gian giãn cách giữa 2 vụ lúa quá ngắn làm cho muỗi hành có cơ hội gia tăng mật độ. Khi phát hiện lúa nhiễm muỗi hành, người dân cần tiếp tục chăm sóc bằng cách bón phân cân đối lượng NPK cho những chồi còn lại phát triển tốt, tạo được nhiều hạt chắc trên bông. Đồng thời, thống kê cụ thể diện tích bị nhiễm, mức độ nhiễm, theo dõi đến thu hoạch tính năng suất để đánh giá mức độ thiệt hại chính xác làm cơ sở quản lý muỗi hành trong những mùa vụ tiếp theo.

Còn về biện pháp quản lý lâu dài, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam - Tiến sĩ Lê Quốc Cường cho biết: “Các địa phương cần tập trung củng cố hệ thống bẫy đèn, phát hiện kịp thời cao điểm hình thành trùng muỗi hành để chủ động trong công tác xuống giống; tăng cường giám sát diễn biến của muỗi hành, đặc biệt ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh tại các diện tích mới xuống giống và sắp xuống giống trong vụ Hè Thu. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp các địa phương cần chú ý đến thời gian giãn vụ, cày ải, phơi đất ngay sau khi thu hoạch lúa tối thiểu 15 ngày và không nên xử lý hạt giống hay phun thuốc trừ sâu sớm trong giai đoạn đầu của cây lúa làm chết thiên địch, tạo cơ hội cho các loại sâu hại cũng như muỗi hành có cơ hội bùng phát. Đồng thời, ngành nông nghiệp và người dân cũng chủ động theo dõi, kiểm tra đồng ruộng, phòng trừ các đối tượng dịch hại khác ngoài muỗi hành”.


Sâu năn (hay còn gọi là muỗi hành) lúc trưởng thành. Nguồn: snnptnt.bentre.gov.vn

Cần các giải pháp hỗ trợ nông dân

Ông Nguyễn Văn Đôn, ở ấp Hưng Thuận, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, một trong số hộ dân chịu ảnh hưởng nặng do muỗi hành cho biết: “11ha lúa 50 ngày tuổi của gia đình tôi bị nhiễm muỗi hành với ảnh hưởng khoảng 50%, chi phí đầu tư 1ha lúa đến thời điểm hiện tại khoảng 15 triệu đồng. Tính ra, vụ này, gia đình tôi mất trắng hơn 150 triệu đồng”. Còn ông Nguyễn Hữu Khanh, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng mong rằng, các cấp, ngành cần quan tâm hỗ trợ nông dân trước ảnh hưởng nặng nề do muỗi hành gây hại để nông dân có vốn đầu tư vụ lúa tiếp theo.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, hiện nay, sở chưa đề xuất UBND tỉnh nên chưa có chính sách hỗ trợ nông dân chịu ảnh hưởng do muỗi hành gây hại. Trước diễn biến phức tạp của muỗi hành, sở chỉ đạo mở các lớp tập huấn, trang bị kiến thức cho nông dân trong việc đối phó với dịch muỗi hành. Đồng thời, sẽ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tăng cường kiểm tra, nắm tình hình để có những khuyến cáo, đưa ra các giải pháp kịp thời, không để bùng phát thành dịch trong các vụ mùa tiếp theo.

Riêng đối với vụ lúa Hè Thu sắp tới, sở có công văn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương kéo chậm lại lịch thời vụ, trong tháng 3 không được sạ lúa Hè Thu để phòng ngừa sâu, bệnh và cũng để cho đất có thời gian nghỉ, hạn chế các mầm bệnh gây hại trên lúa./.

Kiên Định - Văn Đát

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích