Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang dự lễ khánh thành tuyến đường về biên giới Giồng Két (huyện Đức Huệ)
Diện mạo mới
Trời ngả về chiều tối nhưng ông Trần Hữu Tài, ngụ ấp Bình Lợi, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa, vẫn không có gì phải vội vã, nôn nóng, mà thong dong dạo bước trên chiếc cầu giao thông nông thôn vừa được khánh thành không lâu.
Địa phương nơi ông Tài sinh sống là vùng quê với truyền thống cách mạng vẻ vang, nơi chứng kiến nhiều chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Ngày đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, nhân dân địa phương cùng chính quyền ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, kiến thiết quê hương. Từ một miền quê nghèo khó, địa phương đã phát triển, vươn lên, diện mạo thay đổi tích cực. Người dân dần ổn định cuộc sống, kinh tế phát triển. Tuy bước đầu có những đổi thay tích cực nhưng nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn so với những địa phương khác. Chính quyền, người dân đều mong muốn có được những chiếc cầu bêtông vững chắc, đủ rộng bắc qua các con kênh, rạch,... trong vùng, thay thế cho những chiếc cầu tạm, xuống cấp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, vận chuyển, trao đổi hàng hóa. Dù thấu hiểu những mong muốn của người dân nhưng địa phương khó có thể đáp ứng đầy đủ được vì nguồn lực có hạn, kinh phí eo hẹp.
Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang dự lễ khánh thành cầu giao thông trên địa bàn huyện Đức Hòa
May mắn, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang đã đứng ra “làm thay” công việc của địa phương. Ông đã lặn lội đi khảo sát thực tế và vận động các doanh nghiệp tài trợ kinh phí để bắc những cây cầu “nghĩa tình”, giúp người dân, các em học sinh thuận lợi đi lại, giao thương hàng hóa, góp phần thay đổi diện mạo, tạo đà để địa phương phát triển.
Ngày khánh thành các cây cầu, người dân trong ấp - nơi ông Tài sinh sống đều có mặt đông đủ, háo hức đi trên những cây cầu bêtông vững chắc, thỏa ước nguyện bao nhiêu năm. Ông Tài vui mừng nói: “Hôm khánh thành cầu, tôi có mặt từ rất sớm để dự lễ. Mọi người rất phấn khởi và cảm ơn tình cảm của nguyên Chủ tịch nước dành cho quê hương. Bao nhiêu năm mong mỏi cuối cùng đã thành hiện thực, các cây cầu trong ấp cũng như trên địa bàn xã được bêtông vững chắc, đủ rộng để các xe tải cỡ vừa đi qua. Cây cầu đã mang đến cơ hội phát triển, tạo diện mạo mới cho địa phương cũng như cuộc sống của người dân. Các cháu học sinh dễ dàng đến trường, hàng hóa của chúng tôi dễ trao đổi, mua bán và cũng không phải chịu cảnh bị ép giá như trước. Để đáp lại tình cảm quý báu của nguyên Chủ tịch nước, chúng tôi cố gắng bảo quản để sử dụng cây cầu được lâu dài, theo đúng ý nghĩa, mục đích ban đầu”.
Theo Bí thư Huyện ủy Đức Hòa - Phan Nhân Duy, huyện nhà nhận được tình cảm vô cùng quý báu của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang. Các chương trình vận động xây tặng Trường THPT Hậu Nghĩa, sửa chữa Trường THCS Hậu Nghĩa, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Hạnh, đóng góp Quỹ học bổng Võ Văn Tần, tặng bò giống, quà tết,…có ý nghĩa thiết thực, lớn lao đối với quê hương Đức Hòa.
Đặc biệt, nguyên Chủ tịch nước còn dành sự quan tâm lớn cho các địa phương vùng ven sông Vàm Cỏ Đông của huyện bằng việc vận động kinh phí để lắp cống, xây cầu giao thông nông thôn vững chắc để người dân, học sinh thuận tiện trong đi lại. Những chiếc cầu từng bước xóa bỏ, thay thế cầu tạm, tạo sự kết nối các trục đường liên xã từ Hựu Thạnh đến An Ninh Tây, tạo bộ mặt mới cho toàn vùng. Bên cạnh đó, hình thành hành lang gắn kết với các trục đường chính của huyện, rút ngắn khoảng cách giữa trung tâm huyện với các địa phương này, phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, làm tiền đề để thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.
Thay đổi sau hơn 45 năm...
Đức Huệ là huyện vùng sâu, biên giới của tỉnh nên điều kiện kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, huyện có sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, đất đai rộng, dân cư phân bố không đồng đều, đường, cầu giao thông nông thôn chưa thông suốt, ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của người dân.
Trong đó, đường về biên giới Giồng Két (đường cặp kênh Rạch Gốc) chạy dài từ trung tâm huyện về Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây còn khó khăn trong việc di chuyển. Toàn tuyến chỉ có chiều dài 13,2km nhưng suốt 45 năm qua, việc đi lại, trao dổi hàng hóa của người dân trong vùng gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, một số đoạn đường, người dân phải dùng xuồng di chuyển bởi hệ thống giao thông chưa hoàn thiện. Người dân mong muốn có được một tuyến đường hoàn chỉnh với những chiếc cầu bêtông vững chắc để đi lại.
Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo tỉnh, huyện và các đơn vị chụp ảnh lưu niệm tại cầu Kênh Mỹ Bình vừa hoàn thành trên tuyến đường về biên giới Giồng Két
Một lần nữa, chương trình vận động xây dựng cầu giao thông nông thôn của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang đã thỏa mãn những mong ước nhiều năm qua của người dân dọc tuyến đường về biên giới Giồng Két này.
Giữa năm 2019, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cùng chính quyền địa phương có chuyến khảo sát tuyến đường trên. Trước những khó khăn trong việc đi lại của nhân dân cũng như các em học sinh, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang đã kêu gọi, vận động mạnh thường quân, nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí xây dựng 10 cây cầu giao thông nông thôn với quy mô tải trọng 8 tấn (khổ cầu 5m, phần xe chạy 4,5m) và 10 cống ngang đường, 2.000 tấn xi măng xây dựng đường bêtông. Tổng kinh phí của các đơn vị tài trợ khoảng 16 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, huyện Đức Huệ triển khai đầu tư đổ bêtông toàn tuyến với chiều dài 13,2km (mặt đường rộng 5m, dày 16cm) với tổng giá trị 22,6 tỉ đồng để phát huy tối đa hiệu quả của chương trình.
Bà Phạm Thị Rạng, ngụ ấp Vinh, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, xúc động: “Cả cuộc đời tôi gắn bó với vùng đất này, năm nay chuẩn bị bước sang tuổi 80. 45 năm qua, từ sau ngày giải phóng, người dân nơi đây luôn mong muốn có được tuyến đường hoàn chỉnh với những chiếc cầu vững chắc để thuận lợi trong việc đi lại. Ước mong ấy cuối cùng cũng đã thành hiện thực. Chúng tôi vô cùng biết ơn nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang và mạnh thường quân đã hỗ trợ, giúp đỡ người dân”.
Chủ tịch UBND huyện Đức Huệ - Nguyễn Thanh Nguyên cho biết: Tuyến đường về biên giới Giồng Két có điểm đầu giao với Đường tỉnh 839 (cầu Rạch Gốc), điểm cuối là Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây, kết nối đường tuần tra biên giới. Đây là tuyến đường kết nối từ trung tâm huyện đi biên giới Campuchia, qua địa phận thị trấn Đông Thành và các xã: Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Bình. Công trình đường về biên giới Giồng Két hoàn thành là ước mơ từ rất lâu của người dân nơi đây, góp phần quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc phục vụ nhu cầu đi lại, học tập của học sinh ở biên giới đến trung tâm huyện, thay đổi diện mạo của vùng quê khó khăn. Huyện ghi nhận và tri ân sâu sắc những tình cảm của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang và mạnh thường quân đã hỗ trợ để huyện hoàn thành tuyến đường quan trọng này, tạo điều kiện phát triển kinh tế, góp phần xây dựng huyện Đức Huệ ngày càng no ấm.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Hoài Trung thông tin: Chương trình Cầu nông thôn của nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động doanh nghiệp thực hiện trên địa bàn tỉnh có vai trò, ý nghĩa vô cùng to lớn. Những cây cầu bêtông đã thay thế cho các cầu khỉ, giúp việc đi lại của người dân được dễ dàng, việc vận chuyển nông sản được thuận lợi, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, góp phần thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn./.
Các công trình giao thông nông thôn do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động các nhà hảo tâm tài trợ gồm 204 cầu, 27 cống và 1 tuyến đường với tổng số tiền trên 187,948 tỉ đồng (riêng năm 2020, nguyên Chủ tịch nước vận động 54,8 tỉ đồng xây dựng 54 cây cầu và 15 cống) phân bổ trên địa bàn 10 địa phương, trong đó có 6 huyện, thị xã biên giới. |
Thanh Mỹ