Tiếng Việt | English

17/11/2021 - 10:40

Những giáo viên đam mê nghệ thuật

Họ đều là giáo viên (GV) và đam mê nghệ thuật. Ngoài công việc giảng dạy, họ còn tham gia sáng tác một cách đều đặn. Các thầy hài hòa giữa đam mê và công việc để mang đến cho học sinh những điều hay và mới trong từng bài giảng.

Người thầy có tâm hồn nhạc sĩ

Thầy Nguyễn Đình Thông (cựu GV Trường THCS Vĩnh Công, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) là một trong những GV dạy âm nhạc đầu tiên tại huyện Châu Thành. Từ những năm 1990, khi chủ trương đưa bộ môn Âm nhạc vào trường THCS, Trường THCS Vĩnh Công, nơi thầy Thông công tác, là một trong những trường đầu tiên triển khai, thực hiện. Lúc đó, giáo trình âm nhạc chưa phổ biến như hiện nay, việc giảng dạy cũng vất vả hơn nhiều nhưng thầy luôn cố gắng.

Trong quá trình đứng lớp, thầy thường chú ý đến những học sinh có năng khiếu và yêu thích ca hát để bồi dưỡng. Thầy hỗ trợ các em tham gia các hội thi văn nghệ, phong trào của trường, huyện hoặc giúp các em tập luyện để theo đuổi đam mê. Nhiều đồng nghiệp dạy nhạc của thầy hiện nay từng là học trò của thầy. Nói về điều đó, thầy Thông cười: “Thấy học sinh cũ theo nghề, tôi vui lắm! Năm nay tôi về hưu, GV thay tôi cũng là học trò của tôi ngày trước”.

Khi công việc trường lớp, gia đình đã xong, buổi tối, thầy Nguyễn Đình Thông thường ôm đàn, ngồi bên máy tính, vừa ngân nga giai điệu, vừa ngẫm nghĩ lời bài

Thương học sinh, yêu trường, lớp lại có khả năng sáng tác nên thầy Thông thường sáng tác nhiều ca khúc lấy cảm hứng từ chính nơi mình đang công tác,... Thầy thường tham gia các hội thi sáng tác, phổ biến trên tạp chí của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh.

đợt trao giải cuộc thi Sáng tác, Quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thầy đều có ca khúc đoạt giải. Đó vừa là niềm vui, vừa là động lực để thầy tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Khi công việc trường lớp, gia đình đã xong, buổi tối, thầy thường ôm đàn, ngồi bên máy tính vừa ngân nga giai điệu, vừa ngẫm nghĩ lời bài hát. Một số sáng tác được cất giữ bằng bản giấy, một số khác thầy tự thu âm và quảng bá trên trang cá nhân. Với thầy Thông, được sống với niềm đam mê âm nhạc thực sự là một niềm hạnh phúc.

Truyền cảm hứng văn chương cho học sinh

Thầy Phạm Hoàng Nguyên

Thầy Phạm Hoàng Nguyên (GV Trường Tiểu học Long Định, xã Long Định, huyện Cần Đước) có niềm say mê đặc biệt với văn chương. Từ ngày trẻ, thầy đã gắn bó, là cộng tác viên thường xuyên của các tờ Áo Trắng, Hoa Học Trò. Sau này, các sáng tác của thầy được đăng tải trên nhiều báo, tạp chí: Báo Long An, Báo Nhân Dân, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Tạp chí Văn nghệ tỉnh, Tạp chí Thất Sơn (An Giang), Báo Nhi Đồng,...

Hầu hết sáng tác của thầy đều dành cho thiếu nhi và được bắt nguồn từ ký ức bản thân, sự trong trẻo, hồn nhiên của các học sinh nơi thầy công tác. Thầy xem sáng tác như một niềm vui. Thỉnh thoảng, trong các giờ giải lao hoặc tiết học ngoài giờ, thầy đọc cho học sinh nghe các sáng tác của mình. Những ánh mắt trong trẻo, háo hức của các em chính là niềm vui của người thầy, người sáng tác như thầy Nguyên.

Vì yêu văn chương nên thầy chưa bao giờ ngừng tìm tòi, học hỏi, tìm đọc sách, tài liệu, thông tin trên Internet, vừa để làm phong phú vốn từ cho mình, vừa tìm kiếm thông tin, kiến thức mới bổ sung cho bài giảng. Trong các tiết dạy tiếng Việt trên lớp, thầy Nguyên thường bổ sung thêm cho các em những kiến thức xã hội có liên quan mà sách giáo khoa không nhắc đến. Điều đó vừa khiến các em hứng thú, vừa giúp các em ghi nhớ bài dễ dàng hơn.

Thầy Nguyên kể, tình yêu văn chương của thầy có lẽ được thừa hưởng từ gia đình. Thầy vẫn nhớ những bài thơ, tập truyện cha thường hay đọc ngày trước. Trước đây, cụ ông có những quyển sổ chép tay các bài thơ, thầy và anh em trong gia đình hay chuyền tay nhau để đọc. Văn chương thấm vào tâm hồn từ khi nào thầy cũng không biết. Chính vì yêu văn chương nên thầy Nguyên rất trăn trở với việc dạy học sinh cách gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt ngay từ trên ghế nhà trường bởi thầy quan niệm, trước khi muốn viết hay thì người viết cần phải viết đúng. Kỹ năng viết tốt sẽ mang lại cho học sinh nhiều lợi thế.

Những người thầy vừa yêu nghệ thuật, vừa yêu trẻ như thầy Nguyên, thầy Thông luôn biết cách để nghệ thuật và cuộc sống hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau. Để mãi về sau, các lớp học sinh sẽ nhắc nhở về người thầy của mình là người rất tận tình giảng dạy, tài năng và yêu thương học sinh./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết


Kết quả xsmb 90 ngày mới nhất
Liên kết hữu ích