Tiếng Việt | English

03/02/2022 - 21:55

Những gương mặt tuổi Dần 'cháy' hết mình vì công việc, đam mê

Mặc dù khác nhau về tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp nhưng cô Trần Thị Lệ Quyên và anh Đặng Tấn Ân đều có điểm chung là hết lòng vì công việc, góp sức xây dựng quê hương và cùng tuổi Dần. Là giáo viên (GV), cô Quyên có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục. Còn với anh Ân, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ quan, anh còn mạnh dạn khởi nghiệp và đạt được những thành công nhất định.

25 năm gắn bó trong ngành Giáo dục, cô Trần Thị Lệ Quyên luôn được học sinh yêu thương, quý mến (Ảnh tư liệu)

25 năm gắn bó trong ngành Giáo dục, cô Trần Thị Lệ Quyên luôn được học sinh yêu thương, quý mến (Ảnh tư liệu)

25 năm vì sự nghiệp “trồng người”

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, cô Trần Thị Lệ Quyên (SN 1974) “nuôi” ước mơ trở thành GV. Bởi trong suy nghĩ của cô lúc đó, nếu thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Long An thì gánh nặng về học phí và sinh hoạt sẽ được vơi đi phần nào. 

“Tôi quyết tâm theo học Trường Cao đẳng Sư phạm Long An để tiết kiệm chi phí. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp, tôi về công tác tại huyện Tân Trụ đến nay. Tôi nhận nhiệm vụ đầu tiên tại Trường Tiểu học Tân Phước Tây (xã Tân Phước Tây). Năm 2011, tôi chuyển về Trường Tiểu học Huỳnh Văn Đảnh (thị trấn Tân Trụ)” - cô Quyên tâm sự. 

Được biết, cô Quyên từng giảng dạy học sinh (HS) ở tất cả các khối lớp của bậc tiểu học. Theo cô Quyên, để theo đuổi công việc này, đòi hỏi GV phải thật kiên nhẫn, chịu khó, luôn yêu thương và gần gũi HS. Nhất là HS lớp 1, bởi các em còn nhỏ nên việc tiếp cận với chữ và các con số còn nhiều bỡ ngỡ. Trong quá trình công tác, mỗi khi gặp trường hợp HS bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô Quyên đến từng nhà vận động phụ huynh cho các em đi học. Nhờ tấm lòng của cô, nhiều HS được viết tiếp ước mơ đến trường.

Song, cô luôn trăn trở phải làm gì để giúp HS tiến bộ hơn trong học tập. Nhận thấy nỗi sợ của phần lớn HS khi học Ngữ văn, cô Quyên nghĩ ra nhiều sáng kiến trong bộ môn này như giải pháp giúp các em học tốt văn miêu tả, qua đó nhằm giúp các em tiến bộ lên từng ngày. Ngoài ra, cô cũng có nhiều sáng kiến hữu ích khác phát huy hiệu quả trong giảng dạy. Cô Quyên từng 1 lần đoạt giải cấp tỉnh, 6 lần đoạt giải cấp huyện về sáng kiến kinh nghiệm. 

Cô Quyên cũng thường xuyên hướng dẫn, bồi dưỡng HS trong các kỳ thi năng khiếu và giải Toán qua mạng. Tính đến nay, có 19 HS đã đoạt giải trong các kỳ thi. Không chỉ là nhà giáo tận tụy với nghề, hết lòng vì HS, cô Quyên còn nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp. Thời gian qua, cô đã giúp đỡ, bồi dưỡng 3 GV dạy giỏi. 

Với lòng yêu nghề và sự cống hiến, cô Quyên đã nhiều lần được biểu dương, khen thưởng. Cụ thể, cô 11 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua; 4 lần đạt GV dạy giỏi; 2 lần nhận bằng khen cấp tỉnh. Đặc biệt, cô từng nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2013-2014 đến năm học 2017-2018, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2021, cô được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Giỏi việc cơ quan, mạnh dạn khởi nghiệp

Năm 2014, anh Đặng Tấn Ân (SN 1986) nhận công tác tại UBND xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, với vai trò là cán bộ Kinh tế - Kế hoạch. Hiện nay, ngoài đảm nhận vị trí cán bộ Kinh tế - Kế hoạch, anh còn kiêm thêm nhiệm vụ phát triển hạ tầng cơ sở và lĩnh vực nông nghiệp; cán bộ Thú y - Khuyến nông xã. 

Anh Ân luôn chủ động phối hợp UBMTTQ Việt Nam xã và các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó, người dân đã tháo dỡ hàng rào, rau màu, bàn giao mặt bằng để hiến đất làm đường, mở rộng giao thông nông thôn; xóa các đường dây điện không bảo đảm an toàn. Đến nay, đã vận động người dân thực hiện 15 công trình với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tổng kinh phí gần 4,5 tỉ đồng, trong đó, người dân đóng góp gần 2 tỉ đồng. Ngoài ra, anh Ân còn tích cực hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Thời gian qua, tình hình chăn nuôi tại địa phương cơ bản ổn định, người dân an tâm sản xuất.

Năm 2020, anh Đặng Tấn Ân thu lãi trên 100 triệu đồng từ “nghề tay trái”

Năm 2020, anh Đặng Tấn Ân thu lãi trên 100 triệu đồng từ “nghề tay trái”

Trong quá trình công tác, anh nhiều lần nhận giấy khen của UBND huyện Cần Giuộc vì có thành tích hoàn thành tốt nhiệm vụ; có thành tích tốt trong đợt thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 155 năm Ngày thành lập huyện Cần Giuộc; trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Năm 2020, anh Ân nhận giấy khen của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ quan, anh còn mạnh dạn khởi nghiệp trong ngành hoa, cây cảnh. Chia sẻ về “mối duyên” bất ngờ này, anh Ân cho hay: “Khi đảm nhận công việc liên quan đến mảng xây dựng NTM tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các tiêu chí. Tôi nghĩ, trước khi thuyết phục người dân, bản thân phải gương mẫu. Tôi bắt đầu tìm tòi, học hỏi cách trồng hoa, cây cảnh để làm đẹp cho ngôi nhà. Tôi học từ những người có kinh nghiệm trong ngành và từ Internet, càng tìm hiểu, tôi càng yêu thích”.

Hiện nay, anh Ân là thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Sinh vật cảnh xã Phước Hậu. Được biết, CLB có 45 thành viên, thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh, CLB đều đặn sinh hoạt 1 lần/tháng. Từ khi tham gia vào CLB, anh Ân được học hỏi nhiều điều hữu ích. Những năm gần đây, từ đam mê, anh mạnh dạn chuyển sang kinh doanh hoa, cây cảnh. Ngoài ra, anh còn nhận chăm sóc và tạo dáng cây cho khách theo yêu cầu. Năm 2020, anh thu lãi trên 100 triệu đồng từ “nghề tay trái”. 

“Khi đã hoàn thành công việc tại cơ quan, tôi dành thời gian cho gia đình nhỏ và đam mê. Thời gian qua, tôi chủ yếu tìm và “săn” cây thô về tạo dáng. Đến nay, tôi có khoảng 120 gốc hoa, cây cảnh bao gồm mai vàng, mai chiếu thủy, me, hoa mẫu đơn,… và 500 giò lan, đa số là lan Ngọc Điểm. Giá hoa, cây cảnh tùy thuộc vào chủng loại, kiểu dáng, tuổi đời của chúng, có gốc giá lên đến vài trăm triệu đồng nhưng tôi chưa có ý định bán” - anh Ân cho biết thêm./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết