Tiếng Việt | English

03/03/2016 - 09:50

Những người bảo vệ bình yên biên giới

Ở vùng biên giới xa xôi, những người chiến sĩ Biên phòng Long An luôn mang trong lòng nỗi nhớ gia đình, quê hương. Nhưng nghĩ đến trách nhiệm thiêng liêng của một chiến sĩ vùng biên, các anh gác lại nỗi niềm riêng, luôn làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc, với nhân dân. Nơi biên giới ấy, ngày đêm, các anh vẫn chắc tay súng bảo vệ đường biên, cột mốc để Tổ quốc bình yên, người dân vui sống thanh bình, no ấm.


Bộ đội Biên phòng tham gia giúp dân làm đường giao thông

Đồn là nhà, biên giới là quê hương

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, anh Đàm Quang Ngoạt khăn gói lên đường nhận nhiệm vụ công tác tại Biên phòng Long An khi vừa hoàn thành xong khóa học biên phòng vào năm 1999. Chàng trai xứ Bắc đặt chân đến mảnh đất Đồng Tháp Mười với nhiều bỡ ngỡ. Năm đó, cũng đúng dịp mùa nước nổi, bao khó khăn trong sinh hoạt và trên chặng đường làm nhiệm vụ khiến anh lo lắng. Anh bắt đầu làm quen với cảnh đi công tác bằng xuồng, gắn bó với người dân chân chất, mộc mạc để làm tròn nhiệm vụ của một người chiến sĩ trẻ nơi biên giới. Cuộc sống khởi đầu với nhiều khó khăn, thiếu thốn vẫn không làm chùn bước người lính trẻ.

Anh Ngoạt tâm sự: “Ngay từ đầu, tôi đã xác định gắn cuộc đời mình với những vùng đất biên cương, cho nên dù gặp những khó khăn nhưng bản thân tôi cũng như mỗi chiến sĩ Biên phòng đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, vững tay súng bảo vệ từng tấc đất, giữ bình yên cho nhân dân”.

Chính khó khăn đã trui rèn bản lĩnh, phẩm chất của những người lính Biên phòng. Gần 20 năm bám vùng đất biên cương, gần gũi với người dân biên giới, người lính trẻ Đàm Quang Ngoạt ngày nào nay đã là Trung tá, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường. Với anh, đồn bây giờ là nhà và biên giới Long An đã trở thành quê hương thứ hai.

Trong gần 20 năm khoác trên mình màu áo xanh, những kỷ niệm về tình quân - dân vẫn còn in đậm trong tâm trí anh. Anh Ngoạt nhớ lại: ‘Có lẽ, cả cuộc đời tôi chẳng thể nào quên những tháng ngày của năm 2000 khi bộ đội và nhân dân cùng sống chung với lũ. Nước lũ mênh mông chẳng khác gì biển, từ công tác đến sinh hoạt hàng ngày gần như chỉ ở trên xuồng. Hơn 2 tháng chẳng đụng đến dép, đi làm ngồi trên xuồng, thậm chí đi ngủ cũng cột xuồng bên cạnh. Thời gian đó cũng là thời gian Bộ đội Biên phòng sống cùng dân. Khi tất cả cánh đồng lúa trắng xóa màu nước lũ, bộ đội với dân cùng nhau ngụp lặn để thu hoạch lúa. Những bữa cơm rau, cá trên xuồng đã gắn kết tình quân- dân thêm sâu đậm. Từ đó, bà con càng thêm yêu quý người lính biên phòng”.


Quân y BĐBP Long An khám bệnh, cấp thuốc cho nhân dân biên giới. Ảnh: Minh Luận

Dân là người thân

Ngoài công tác bảo vệ bình yên lãnh thổ Quốc gia; phòng, chống buôn lậu;…, những người lính Biên phòng còn tổ chức nhiều hoạt động cho anh em đơn vị cũng như chăm lo cho người nghèo tại địa phương đơn vị đứng chân. Kỷ niệm kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2016), 27 năm ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 - 3-3-2016), Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức hái hoa dân chủ, gói bánh tét cho anh em chiến sĩ, kết hợp cùng UB MTTQ Việt Nam tỉnh tặng 80 phần quà cho hộ nghèo tại xã Bình Hiệp và xã Bình Tân, mỗi phần trị giá 500 ngàn đồng. Ánh mắt vui mừng của hộ nghèo khi nhận quà cũng là niềm vui của người chiến sĩ Biên phòng khi làm được việc có ích giúp “người thân” trong đại gia đình nơi biên giới của mình.

Còn Thiếu tá Hà Quốc Thanh, quê ở Quảng Bình – trinh sát viên Đồn Biên phòng Sông Trăng có 21 năm gắn bó trong lực lượng Biên phòng. Tháng 5-2014, anh được tăng cường vào công tác trong lực lượng Biên phòng Long An. Đến nơi công tác mới, anh quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ nhưng trong lòng vẫn đau đáu nỗi niềm về vợ, con. Vợ anh – một giáo viên đang công tác ở Quảng Bình, ngoài những giờ đứng lớp, khi trở về nhà, chị thay anh chăm sóc, dạy dỗ 2 con.

Anh Thanh cho biết: “Từ ngày còn công tác ở lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Bình, việc giáo dục con cái chủ yếu cũng do vợ đảm trách; những lúc về nhà, tôi chỉ chuyện trò, chơi đùa và nhắc nhở con những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Còn từ ngày vào Long An, mọi chuyện giáo dục, chia sẻ với con chỉ còn mỗi vợ tôi lo lắng. Những đêm gió lạnh nơi biên giới, nghĩ đến mùa lạnh nơi quê nhà, tôi lại càng thương 3 mẹ con hơn. Lúc đó, chỉ biết sưởi ấm cho vợ, cho con bằng cách gọi điện thoại về hỏi thăm, an ủi. Dù ngày đêm nhớ vợ, thương con nhưng tôi luôn xác định phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ở quê nhà, vợ con tôi hiểu, thông cảm và thường xuyên gọi động viên tôi làm tròn nhiệm vụ người lính biên cương”.

Dù sống xa tổ ấm nhỏ thân thương nhưng ở nơi biên giới của mảnh đất Long An, anh Thanh đang sống trong một đại gia đình lớn hơn. Thành viên trong mái nhà chung ấy là đồng đội, là người dân biên giới. Vì vậy, niềm vui của anh và đồng đội chính là đang góp phần bảo vệ biên giới bình yên, nội biên vững mạnh. Niềm vui ấy còn là tình cảm gắn bó giữa chiến sĩ biên phòng với người dân ở địa phương.

“Những ngày cùng dân làm đường giao thông, bảo vệ cột mốc biên giới,...đều là những kỷ niệm không thể phai mờ. Đặc biệt những ngày lễ tết, người dân thường đến giao lưu với cán bộ, chiến sĩ ở đồn là động lực để tôi và các cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ đó, mảnh đất, con người biên giới càng trở nên thân thương, gần gũi”- Anh Thanh chia sẻ.

Còn Thượng tá Phạm Hữu Lôi - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa (quê huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An), dù nhà cách đơn vị không xa (ở thị xã Kiến Tường) nhưng đã nhiều năm nay, anh đều đón giao thừa cùng đồng đội và người dân biên giới. Anh tâm sự “Đêm giao thừa, nhà nhà sum họp bên nhau, nghĩ đến vợ con đón thời khắc thiêng liêng mà không đủ thành viên trong nhà, tôi cũng chạnh lòng. Nhưng vì nhiệm vụ nên vợ con tôi rất cảm thông. Nhìn người dân biên giới đón giao thừa, vui tết bình yên là niềm vui của tôi và đồng đội. Ở đồn, đêm giao thừa cũng ấm áp, vui vẻ với nhiều hoạt động văn nghệ, giao lưu với Đoàn xã và nhiều người dân ở gần khu vực đồn đóng quân cũng đến chung vui”.

35 năm làm nhiệm vụ ở dãi đất biên cương, trải qua nhiều vị trí, đơn vị khác nhau nên Thượng tá Phạm Hữu Lôi có rất nhiều kỷ niệm với công việc, với người dân biên giới. “Gần đây nhất là vào tháng 7-2015, một số thành phần xấu bên nước bạn Campuchia sang gây rối ở khu vực cột mốc 202 ở ấp Bình Bắc, nhiều người dân ở đây đã ra ngăn cản. Từ sáng sớm, cả ngàn người dân đến ấp Bình Bắc đứng dưới trời mưa theo dõi tình hình và động viên lực lượng đang làm nhiệm vụ. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng làm ấm lòng người chiến sĩ biên giới, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao”- Thượng tá Lôi chia sẻ.

Ở biên giới xa xôi, những người chiến sĩ biên phòng hãy làm tốt nhiệm vụ, hãy vững tin rằng, quê hương, gia đình luôn là hậu phương vững chắc để các anh làm tròn nhiệm vụ. Bên cạnh mái ấm ở chốn quê nhà, các anh còn có một đại gia đình thân thương. Mái nhà ấy chính là Đồn Biên phòng và quê hương thứ 2, là mảnh đất biên giới Long An mà các anh đang đêm ngày canh giữ./.

Lê Đức – Kiên Định

Chia sẻ bài viết