Tiếng Việt | English

07/04/2018 - 16:47

Những người phụ nữ tôi yêu

Dù lớn khôn, có gia đình riêng nhưng trong tôi luôn có bóng hình của bà và mẹ. Đó là những người phụ nữ đã dìu dắt, chở che, yêu thương, dạy bảo tôi nên người.

1. Khi bước vào tuổi mẫu giáo, tôi về ở với ông, bà nội cho vui cửa, vui nhà. Lúc đó, ông, bà tôi bước vào tuổi 65. Ngày ngày, bà lo cơm nước; tối đến thì ông dạy chữ, dạy số. Cứ thế, tuổi thơ của tôi trôi qua êm đềm bên ông, bà.

Quê tôi ở miền Trung, những đêm gió Lào thổi về nóng ran cả mặt, tối đến mà cái nóng vẫn oi bức, tôi liên tục trở người vì khó ngủ. Rồi, bà ru tôi chìm vào giấc ngủ say bằng những câu chuyện cổ tích. Ngày bé, tôi nào có biết, những câu chuyện bà kể lại là những bài học đạo đức đầu đời dành cho mình. Để rồi, giờ đây, khi bước chân vào đời, tôi vẫn nhớ như in những bài học năm nào bà thường dạy: “Làm người phải thật thà, tử tế; nhớ về nguồn cội..!”. Bà còn căn dặn: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Cứ thế, thời thơ ấu trôi qua với bao kỷ niệm chốn quê nhà, bên bà, bên ông thật ấm áp mà tôi không bao giờ quên. 

MH: Internet

Lớn lên, tôi xa quê đi lập nghiệp. Ngày tôi đi cũng là lúc bà bước qua tuổi 90. Giọng nói run run, bà ân cần dặn tôi phải sống tốt. Những năm tháng sống xa bà, tôi biết rằng, ngày qua ngày, tháng nối tháng, bà luôn mong chờ đứa cháu phương xa. Nhiều lần, cha tôi gọi điện thoại và nói: “Cứ thấy đứa nào về là bà lại nhớ, hỏi thăm thằng cháu bà nay mập, ốm ra sao...?”. Nhớ bà, nhưng vì công việc nên mỗi năm, tôi chỉ về sum họp với gia đình, thăm bà một lần vào dịp tết. Rồi, một hôm, tôi chợt giật mình, bà đã ngoài 95 tuổi!

Đến một hôm, tôi nghe tin bà mất. Biết rằng tuổi bà đã lớn nhưng tôi vẫn thấy tim mình nhói đau và không cầm được nước mắt. Gác công việc, tôi trở về quê ngay trong đêm để được nhìn bà lần cuối. Cha bảo: “Trước lúc ra đi, bà vẫn nhắc đến con”. Tôi nghẹn ngào, vậy là tôi mất một người bà kính mến! Giờ đây, bà đi thật xa nhưng kỷ niệm, hình ảnh và những lời căn dặn, dạy bảo của bà vẫn sống mãi trong tôi. Bà chính là động lực, tấm gương để tôi cố gắng từng ngày và sống xứng đáng là cháu của bà.

2. Cũng như bà, tôi có người mẹ luôn dành cho tôi và cả nhà tình thương đong đầy, sự hy sinh cao cả. Mẹ tôi là nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm ruộng sớm, đồng trưa. Gần 30 năm cha công tác xa nhà, một mình mẹ gánh gồng nuôi 4 anh em ăn học. Vất vả, gian nan, mẹ không hề than vãn. Mẹ chỉ mong chúng tôi được cơm no, áo ấm, học hành tử tế.

Nhiều đêm, mẹ thức trắng, gác tay lên trán khi nghe con báo: “Mẹ ơi, đến ngày khai giảng rồi; đến ngày đóng học phí...”. Cuộc sống gia đình khi ấy còn nhiều khó khăn nên để có tiền cho con ăn học, mẹ phải cố gắng làm lụng nhiều hơn. Những năm tháng cha đi làm xa, mẹ cũng chính là người dạy dỗ anh, em chúng tôi. Tôi vẫn nhớ rất rõ, khi tôi còn nhỏ hay hiếu động, đánh nhau với lũ bạn nhưng mẹ thường dành những lời dạy dỗ, khuyên ngăn nhẹ nhàng mà vô cùng ý nghĩa.

Bây giờ anh em chúng tôi khôn lớn, có việc làm ổn định, đứa có gia đình riêng đầm ấm. Nhưng, tôi biết rằng, trong sâu thẳm tấm lòng, mẹ vẫn luôn dõi theo những đứa con. Đứa ở gần hay ở xa, mẹ vẫn thường xuyên nhắc nhở, quan tâm, hỏi han, động viên. Vẫn như thói quen và bản tính hay lo lắng, cứ vài ngày không thấy chúng tôi gọi thì mẹ lại gọi hỏi thăm. Đôi khi, lời hỏi thăm, căn dặn chỉ là những câu ngắn ngủi: “Con khỏe không? Hôm nay có đi làm không? Đi lại cẩn thận nghe con!...”.

Chỉ vài câu trò chuyện qua điện thoại nhưng tôi hiểu rằng, mẹ nhớ và chỉ nghe giọng những đứa con là đủ ấm lòng! Rồi, mỗi lần có người về quê trở vào, mẹ lại gói ghém những món quà quê gửi vào cho tôi. Tôi hiểu, tình thương của mẹ là vô bờ bến. Với mẹ, chỉ cần các con hạnh phúc là mẹ hạnh phúc!

Lam Hồng

Chia sẻ bài viết