Tiếng Việt | English

02/08/2019 - 20:02

Nông dân trông lũ

Những năm trước, vào tháng này, nước lũ đã tràn về trắng đồng, mang theo nhiều sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nghèo vùng lũ. Thế nhưng năm nay, đến thời điểm hiện tại, nước lũ vẫn chưa về, nước còn nằm sâu dưới lòng kênh. Giờ đây, xuồng, lưới đã chuẩn bị sẵn sàng, còn người dân thì trông chờ con nước.

Dụng cụ đánh bắt cá đã được chuẩn bị sẵn sàng nhưng lũ chưa về

Nước lũ về không những mang lại phù sa cho ruộng đồng mà còn có cả nguồn lợi thủy sản đáng kể để người dân nơi đây đánh bắt, cải thiện bữa ăn, kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, vào thời điểm này, ở các vùng trũng, thấp của các huyện đầu nguồn của tỉnh Long An (Vĩnh Hưng, Tân Hưng), nước vẫn chưa ngập đến.

Nước còn nằm sâu dưới lòng kênh

Nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề cá mùa lũ cũng đã chuẩn bị dụng cụ để đánh bắt. Gắn bó với nghề đặt lọp vào mùa lũ hàng chục năm qua, ông Nguyễn Văn Trưởng, ngụ xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, cho biết: “Bình thường, cứ tầm giữa tháng 6 âm lịch hàng năm là lũ về, cá đầy đồng, người dân có thể đánh bắt. Hơn 300 cái lọp của gia đình đã sửa chữa lại chuẩn bị đánh bắt cá, giờ còn chất đống trên bờ, trong khi đó, những năm trước, vào thời thời điểm này, mỗi ngày tôi bắt cả chục ký cá, bán được vài trăm ngàn đồng”.

Ông Dương Văn Tèo phải mua cá biển làm mồi cho cá nuôi ăn với giá cao gấp 2 - 3 lần

Vợ chồng anh Huỳnh Văn Tỉnh ở ấp Cả Môn, xã Vĩnh Thạnh, bộc bạch: “Gia đình nghèo, không có đất sản xuất, mùa khô, vợ chồng tôi làm thuê, còn mấy tháng nước lũ thì bắt cá kiếm sống. Hễ mùa lũ đến là vợ chồng tôi sửa soạn những cái lọp cũ của năm trước để bắt cá, ngoài việc cải thiện bữa ăn, nếu được nhiều thì đem bán trang trải cuộc sống. Năm nay cũng vậy, dụng cụ bắt cá đã sẵn sàng, vậy mà đến giờ nước lũ vẫn chưa về”.

Đối với những hộ nuôi thủy sản cũng gặp không ít khó khăn. Ông Dương Văn Tèo, ấp Cả Môn, xã Vĩnh Thạnh, cho biết: “15.000 con cá lóc gần 2 tháng tuổi của gia đình cần lượng thức ăn khá lớn (mỗi ngày khoảng 1 tấn cá mồi), thế nhưng, hiện tại, lượng cá mồi cho cá nuôi ăn không nhiều nên phải mua thêm cá biển với giá cao gấp 2 - 3 lần, làm tăng giá thành trong quá trình chăn nuôi”.

Nước lũ chưa ngập đến những vùng trũng thấp ở các huyện đầu nguồn 

Không những thế, nông dân sản xuất lúa rất mong mùa lũ lớn hơn, mang lại lượng phù sa dồi dào bồi đắp cho đồng ruộng, sâu rầy được cuốn trôi. Ông Nguyễn Văn Toàn, nông dân xã Vĩnh trị, huyện Vĩnh Hưng lo lắng: "Chưa năm nào như năm nay, đến thời điểm này chưa thấy nước đâu cả, nếu lũ không về hoặc về nhỏ thì nỗi lo toan của người dân sản xuất lúa như đồng ruộng không được vệ sinh, lượng phù sa bồi lắng giảm nghiêm trọng, chi phí đầu tư cho bơm trục, thuốc diệt cỏ, sâu rầy, phân bón sẽ tăng, đương nhiên sẽ tăng giá thành hạt lúa"./.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết