Tiếng Việt | English

13/08/2015 - 17:10

Phá hoại gương cầu gây mất an toàn giao thông trên đường Hồ Chí Minh

Thiết bị gương cầu liên tục bị phá hoại khiến việc lưu thông của các phương tiện qua đèo trên đường Hồ Chí Minh tiềm ẩn nhiều rủi ro

Với chiều dài gần 30km, đèo Lò Xo là đoạn nguy hiểm nhất trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên. Để đảm bảo an toàn giao thông, khoảng 10 chiếc gương cầu lồi đã được lắp đặt tại những khúc cua gấp, khuất tầm nhìn giúp lái xe tăng khả năng quan sát. Lợi ích an toàn giao thông là thế nhưng thời gian gần đây, thiết bị này liên tục bị phá hoại khiến việc lưu thông của các phương tiện qua đèo tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhiều chiếc gương bị phá.

Đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh - đoạn từ cuối huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đến xã Đắc Man, huyện Đắc Glei, tỉnh Kon Tum có khoảng 10 chiếc gương cầu lồi được lắp đặt ở những khúc cua nguy hiểm, khuất tầm nhìn.

Thời gian gần đây hầu hết những gương cầu này không còn phát huy được tác dụng do bị hư hỏng nặng.

Theo Đại úy Võ Trí Tài, Phòng CSGT, Công an tỉnh Kon Tum, nguyên nhân là do có kẻ xấu phá hoại. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các lái xe khi điều khiển phương tiện lưu thông qua đèo: “Đặc thù của đèo Lò Xo là có độ dốc lớn và nhiều khúc cua nguy hiểm không quan sát được. Việc một số gương cầu lồi hiện nay đã bị đập phá và hư hỏng làm ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông của lái xe, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là điều không thể tránh khỏi”.

Việc những chiếc gương cầu lồi không còn phát huy được tác dụng khiến tầm nhìn hạn chế, các lái xe gặp khó khăn khi điều khiển phương tiện lưu thông qua đèo. Lái xe Trần Quốc Tuấn, nhà xe Tài Anh chở khách tuyến Vinh- TP HCM và lái xe tải Nguyễn Sĩ Hiền thường xuyên chở hàng lên chợ huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum cho biết: “Rất lo lắng vì cảm thấy không an toàn chút nào. Nếu có gương cầu lồi thì rất thuận tiện cho tài xế. Khi qua đường cong tốc độ chậm rồi nhưng nếu có cái gương mình quan sát rất dễ. Không có gương rất chi là nguy hiểm”

“Tôi đi hàng cá, một tháng 10 chuyến đi từ Đà Nẵng lên tới Đắc Hà. Đi tuyến đường này qua những cua gương cầu lồi không được đảm bảo, tài xế phải cẩn thận, đi tốc độ rất chậm để có gì dễ xử lý. Có cầu lồi nó đỡ hơn, tầm nhìn rộng hơn mình xử lý dễ dàng hơn. Cánh lái xe chúng tôi mong cơ quan chức năng cố gắng sửa chữa những gương cầu lồi để chúng tôi dễ lái và an toàn hơn”.

Nguyên nhân khiến hầu hết gương cầu lồi lắp đặt trên đèo Lò Xo bị hư hỏng là do tác động của con người, mà chủ yếu đối tượng ở độ tuổi thanh thiếu niên. Do thiếu ý thức, các em thường lấy gương cầu làm bia để ném gạch đá, thậm chí còn dùng mũi rựa bổ vào gương. Mặc dù gương không bị vỡ do được làm bằng chất liệu inox, song gây móp méo khiến gương mất tác dụng.

Theo ông Nguyễn Văn Diệu, Chủ tịch UBND xã Đắc Man, huyện Đắc Glei, tỉnh Kon Tum, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền nhằm ngăn chặn hành vi phá hoại song kết quả chưa như mong muốn: “Xã đã thường xuyên đi tuyên truyền nhân dân bảo quản, giữ gìn hệ thống xây dựng trên tuyến đường. Vừa rồi cũng kết hợp với tổ cảnh sát giao thông tỉnh, công an xã làm tương đối là tốt. Tuy nhiên, chuyện gương cầu bị hư trong thời gian tới xã tiếp tục rà soát các đối tượng làm hư hỏng hệ thống gương cầu để xem xét, răn đe, giáo dục”.

Lái xe mất tầm quan sát rông.

Để đảm bảo an toàn giao thông ở đèo Lò Xo trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, ngành giao thông vận tải hai địa phương cần thay thế ngay những gương cầu lồi bị hư hỏng. Đồng thời để ngăn chặn hành vi phá hoại thiết bị an toàn giao thông này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng với chính quyền địa phương, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân./.

Khoa Điềm/VOV- Tây Nguyên
 

Chia sẻ bài viết