Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức)
Du lịch văn hóa - lĩnh vực điểm nhấn
Công nghiệp văn hóa được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 08/9/2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Công văn số 413/BVHTTDL-BQTG, ngày 13/02/2017.
Theo đó, Tỉnh ủy và UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành liên quan cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong Chiến lược qua chương trình làm việc hàng năm.
UBND tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm là “xây dựng và phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa” với nhiều yêu cầu cụ thể.
Các cấp, các ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tạo môi trường, điều kiện đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các DN hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch để thu hút các nguồn lực xã hội phát triển, giới thiệu, quảng bá, trao đổi các sản phẩm văn hóa đặc trưng của tỉnh; khuyến khích các DN đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế, tiềm năng của tỉnh như nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ,...
Theo Giám đốc Sở VH,TT&DL - Nguyễn Thành Thanh, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch,... DN cũng xây dựng các sản phẩm văn hóa gắn liền với hình ảnh con người và quê hương Long An, góp phần giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của Long An với bạn bè trong nước và quốc tế.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Thanh, sau 8 năm triển khai Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành VH,TT&DL tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.
Các lễ hội lớn của tỉnh, các khu di tích lịch sử (DTLS) - văn hóa ngày càng thu hút nhân dân, khách du lịch trong và ngoài tỉnh tìm đến, góp phần quan trọng vào việc quảng bá đặc trưng văn hóa, đất và người Long An.
Hiệu quả gắn kết các hoạt động văn hóa với phát triển du lịch, tận dụng tiềm năng, lợi thế về du lịch để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa, du lịch ngày càng rõ nét. Công tác quảng bá du lịch của tỉnh được chú trọng qua các kênh thông tin, tuyên truyền và tham gia, tổ chức các sự kiện chính trị - văn hóa.
Lĩnh vực du lịch văn hóa là một trong những điểm nổi bật của tỉnh. Ngoài những hoạt động hội chợ, sự kiện du lịch nổi bật trong và ngoài tỉnh, tháng 9/2022, Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An với nhiều chương trình, sự kiện đặc sắc đã diễn ra thành công nhằm quảng bá hình ảnh con người và nét đẹp văn hóa của Long An.
Sự kiện thu hút gần 200.000 lượt khách du lịch trong nước, quốc tế và người dân trong tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Qua Tuần Văn hóa - Du lịch, du khách biết đến Long An nhiều hơn với hàng loạt sản phẩm, địa điểm du lịch như Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, DTLS Vàm Nhựt Tảo, Làng nổi Tân Lập, Điểm di tích Đồn Rạch Cát, Khu DTLS Cách mạng tỉnh, Mỹ Quỳnh safari, Happy Land, Khu du lịch Rio, Chavi Garden,...
Khu du lịch Chavi Garden (huyện Bến Lức)
Những điểm du lịch này đang từng bước góp phần phát triển công nghiệp văn hóa tại Long An. Hiện tỉnh cũng gấp rút thực hiện các bước chuẩn bị để tổ chức Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An năm 2024.
Rà soát nguồn lực, điều kiện để phát triển công nghiệp văn hóa
Tính đến nay, toàn tỉnh có 126 DTLS - văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia, 105 di tích cấp tỉnh và 3 công trình văn hóa có tính lịch sử.
Hàng năm, các điểm đến này thu hút hơn 100.000 lượt khách đến tham quan. Trong đó, có khoảng 85.000 lượt khách tham quan các DTLS và công trình văn hóa do Sở VH,TT&DL quản lý gồm: Khu DTLS Ngã tư Đức Hòa; các địa điểm thuộc Căn cứ Bình Thành (Khu DTLS Cách mạng tỉnh); Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ và Công viên Tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc.
Di tích Nhà và lò gạch Võ Công Tồn (huyện Bến Lức)
Theo ông Nguyễn Thành Thanh, để phát triển công nghiệp văn hóa, về mặt chiến lược - lâu dài, tỉnh xây dựng và thực hiện hiệu quả các Đề án "Phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045"; rà roát lại thực trạng các nguồn lực, điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục tham vấn ý kiến của các chuyên gia về định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về vai trò của nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế so sánh các nguồn lực của tỉnh để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, bởi đây là yếu tố cấu thành nguồn lực phi vật chất quan trọng của đất nước. Đó là các DTLS, bản sắc văn hóa của dân tộc, các phong tục, tập quán, lễ hội dân gian,...
Để thực hiện được điều này, tỉnh cần kiểm kê, khảo sát, đánh giá hệ thống di sản văn hóa; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ và giữ gìn các di sản; tôn tạo, trùng tu một cách khoa học những di sản văn hóa vật thể xuống cấp; đẩy mạnh công tác giáo dục về di sản cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Tỉnh đẩy mạnh học tập kinh nghiệm của một số tỉnh, TP.Hà Nội, TP.HCM trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, chú trọng trao đổi kinh nghiệm trong việc tạo lập nguồn lực tài chính, phát triển nguồn lực con người; bảo vệ nguồn lực phi vật chất; tiếp thu kinh nghiệm nguồn lực quản lý, khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thực thi chính sách phát huy nguồn lực trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa./.
Công nghiệp văn hóa bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. |
Mai Hương