Tiếng Việt | English

19/04/2024 - 16:50

Phát triển văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng

Lan tỏa giá trị và nét đẹp của văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao kiến thức, rèn luyện nhân cách con người, phát huy truyền thống hiếu học. Bằng nhiều hoạt động khác nhau, việc xây dựng văn hóa đọc được chú trọng.

Dưỡng nuôi lòng yêu sách

Trong giờ đọc sách tại thư viện, các bé lớp lá 4, Trường Mẫu giáo Long Định, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An chia thành nhiều nhóm nhỏ. Trong khi một số bé chăm chú lắp ghép tại góc kỹ thuật, vài bạn khác chọn sách trên kệ thì hầu hết các bé quây quanh cô giáo nghe cô đọc sách. Quyển truyện tranh với nhiều hình ảnh bắt mắt lại càng thêm sinh động qua giọng đọc diễn cảm của cô giáo. Các bé chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng lại tương tác, trả lời câu hỏi của cô giáo xoay quanh nội dung câu chuyện. Quyển truyện này vừa dứt là có bé đưa ngay quyển khác cho cô. Giờ học sôi nổi nhưng trật tự. Trong mắt các bé ánh lên niềm vui và háo hức khi được khám phá những điều mới mẻ từ trang sách.

Thư viện Trường Mẫu giáo Long Định vừa khánh thành, đưa vào sử dụng trong năm học 2023-2024. Thư viện có diện tích tương đương 1 phòng học, sàn lót xốp, sách chia theo độ tuổi, đề tài chất trên các kệ nhỏ dọc theo các bức tường. Bàn đọc sách, trò chơi phát triển kỹ năng, hệ thống máy tính quản lý việc cho mượn sách được trang bị đầy đủ.

Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Long Định - Trần Thị Minh Kha cho biết: “Thư viện trường có hơn 1.000 đầu sách bao gồm cả sách thiếu nhi và sách tham khảo dành cho giáo viên. Trẻ mầm non tuy chưa biết đọc nhưng các bé rất thích xem hình ảnh. Các bé tùy vào sở thích, có thể tự lựa chọn quyển sách mình thích, cô giáo sẽ đọc cho bé nghe và hướng dẫn bé các bài học trong sách. Điều đó giúp các bé phát triển lòng yêu sách, kỹ năng, tư duy”.

Mỗi tuần, 1 lớp có 1 hoạt động kéo dài 15-30 phút tại thư viện trường. Ngoài ra, mỗi lớp đều có góc thư viện riêng để học sinh và cô giáo cùng nhau đọc sách tại lớp.

Trường Mẫu giáo Long Định là một trong những trường mẫu giáo đầu tiên tại huyện Cần Đước có thư viện trường và thư viện đang phát huy hiệu quả tích cực. Trong xã hội ngày nay, trẻ em có nhiều cơ hội tiếp cận thiết bị điện tử hơn là sách. Việc hình thành thói quen đọc sách và tình yêu sách trong trẻ là hết sức quan trọng, điều đó giúp trẻ rất nhiều trong hành trình tìm kiếm tri thức và phát triển bản thân sau này.

Với Lê Ngọc Minh Anh, đọc sách mang lại cho em nhiều kiến thức và em đặc biệt yêu thích việc đọc sách giấy

Nói về lợi ích của việc đọc sách, em Lê Ngọc Minh Anh (học sinh lớp 10A5, Trường THPT Tân An, TP.Tân An) thổ lộ: “Em bắt đầu nhận thấy việc đọc sách mang lại nhiều niềm vui vào khoảng lớp 6. Khi đọc sách, em nhận thấy mình biết thêm nhiều điều thú vị.

Trong quá trình học, thấy mình còn yếu bộ môn nào, em sẽ tự tìm sách tham khảo về môn học ấy để đọc thêm. Ngoài ra, em cũng đọc truyện, sách về lịch sử vì em đặc biệt yêu thích tìm hiểu về lịch sử nước nhà. Em rất ít sử dụng điện thoại nên sách em đọc hầu hết là sách giấy. Em thích cảm nhận niềm vui khi lật từng trang sách, cảm giác thú vị hơn là lướt trên màn hình”.

Nhiều năm liền, Minh Anh giữ vững thành tích học sinh giỏi và em cũng là khách hàng quen thuộc của các nhà sách trên địa bàn TP.Tân An. Ngoài ra, em còn chọn mua sách từ các trang thương mại điện tử.

Minh Anh chia sẻ, ngoài đến trường, thỉnh thoảng đến nhà sách, em hầu như không đi đâu nên chưa biết về Bảo tàng - Thư viện tỉnh cho đến khi có cơ hội đến tham quan. Ngay trong lần đó, Minh Anh đăng ký làm thẻ thư viện để có thể lui tới mượn và đọc sách trong thời gian tới.

Bảo tàng -Thư viện tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm đưa sách đến gần bạn đọc (Trong ảnh: Học sinh tại TP.Tân An tham gia hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc tại Bảo tàng -Thư viện tỉnh)

Để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, Bảo tàng - Thư viện tỉnh từng bước nâng cao chất lượng phục vụ. Ngoài phục vụ bạn đọc đọc tại chỗ và mượn sách về, Bảo tàng - Thư viện còn xây dựng thư viện điện tử và phục vụ hoàn toàn miễn phí cho bạn đọc với hơn 200 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ngoài ra, trong suốt thời gian từ ngày 15/4 đến ngày 01/5/2024, Bảo tàng - Thư viện tỉnh tổ chức làm thẻ thư viện miễn phí cho bạn đọc. Ngoài ra, các hoạt động: Bổ sung, luân chuyển sách cho các thư viện huyện, giới thiệu sách hay,... đều được thực hiện thường xuyên nhằm giúp bạn đọc trong tỉnh tiếp cận nguồn sách tại thư viện dễ dàng hơn.

Sôi nổi hoạt động phong trào

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về phát triển văn hóa đọc cũng như tôn vinh phong trào đọc sách, nhiều hoạt động sáng tạo, ý nghĩa được tổ chức tại các địa phương.

Ngày đọc sách là hoạt động thường niên tại Trường Tiểu học Hướng Thọ Phú (TP.Tân An)

Tại Trường Tiểu học Hướng Thọ Phú (xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An), Ngày đọc sách thực sự trở thành ngày hội của học sinh và phụ huynh toàn trường. Ở đó, học sinh không chỉ được tiếp cận nhiều sách hay trong không gian trưng bày, trang trí sinh động, rực rỡ mà còn cùng phụ huynh tham gia nhiều trò chơi thú vị nhằm rèn luyện kỹ năng đọc, thuyết trình, khả năng sáng tạo,...

Chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày nhưng Ngày đọc sách tại trường mang lại hiệu quả tích cực, không chỉ giúp học sinh làm quen, hứng thú với sách mà còn khuyến khích phụ huynh đọc sách cùng con tại nhà (đọc sách giấy, sách điện tử,...) cũng như hướng dẫn cho con biết cách sử dụng máy tính, các thiết bị điện tử để truy cập Internet và tìm đọc những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Thọ Phú - Nguyễn Thị Đông Thùy thông tin: “Lồng ghép trong buổi đọc sách, nhà trường còn phát động nhiều hoạt động khác trong suốt năm học nhằm xây dựng thói quen đọc sách ở trẻ. Sau khi nói chuyện về Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhà trường còn khuyến khích cha mẹ học sinh đồng hành, ủng hộ các phong trào xây dựng tủ sách lớp học; xây dựng các góc đọc, thư viện cùng học. Ngoài ra, trường cũng phát động phong trào quyên góp sách cho các em học sinh khó khăn và tổ chức câu lạc bộ đọc sách”.

Ngày đọc sách là hoạt động mang tính thường niên tại Trường Tiểu học Hướng Thọ Phú nhằm đẩy mạnh phong trào đọc sách trong nhà trường. Dù là hoạt động khá quen thuộc, tuy nhiên, mỗi năm, chương trình của Ngày đọc sách đều có những nét mới nhất định nhằm thu hút học sinh và phụ huynh đến tham gia.

Tại huyện Đức Hòa, việc phát triển phong trào đọc sách được đẩy mạnh thông qua hội thi Tái hiện tình huống văn học qua các thời kỳ lịch sử. Cuộc thi nhằm khơi dậy niềm say mê, hứng thú của học sinh trong việc rèn luyện kỹ năng đọc và cảm thụ tác phẩm văn học cũng như thể hiện năng khiếu múa, hát, biểu diễn,...

Thông tin từ Thư viện huyện Đức Hòa (Trung tâm Văn hóa Thông tin và Truyền thanh huyện Đức Hòa), các tiết mục dự thi phải bảo đảm các tiêu chí: Giới thiệu về 1 tác phẩm, phần biểu diễn bám sát nội dung chủ đề,...

Thông qua hội thi, nhiều tác phẩm văn học, nhân vật lịch sử được giới thiệu, giúp lan tỏa các giá trị tốt đẹp và góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn.

Tham gia tiết mục biểu diễn của Trường Tiểu học Lộc Giang A với vai trò người dẫn chuyện, em Võ Thị Ngọc Hà (lớp 5/4) cùng các bạn diễn của mình khiến cả hội trường phải bùi ngùi xúc động. Hình ảnh, câu chuyện về chị Đặng Thùy Trâm và quyển nhật ký “có lửa” được kể một cách sinh động, giàu cảm xúc, hài hòa giữa nội dung, âm thanh, hình ảnh.

Tiết mục giới thiệu sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm của học sinh Trường Tiểu học Lộc Giang A (huyện Đức Hòa)

Ngọc Hà chia sẻ, trước đây, em chưa từng biết đến liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và quyển sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Khi tham gia hội thi, được giáo viên hướng dẫn, tạo điều kiện cho em tiếp cận, tìm hiểu về sách, em mới biết rõ và vô cùng khâm phục chị. “Khi dẫn chuyện cho tiết mục của trường, em cảm thấy rất xúc động vì giống như được tận mắt nhìn thấy sự anh dũng của các cô, chú ngày trước. Cũng nhờ tham gia hội thi, em biết thêm một quyển sách hay. Sau này, em sẽ dành thời gian đọc kỹ tác phẩm hơn” - Ngọc Hà chia sẻ thêm.

Thông qua nhiều hoạt động phong phú của các tổ chức, đơn vị, sách ngày càng trở nên gần gũi với mọi người hơn, đặc biệt là giới trẻ. Vai trò của sách và văn hóa đọc từng bước đượcphát huy./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết