Thiếu nhà sản xuất phim chuyên nghiệp và kỹ năng làm phim
Thời kỳ của những năm tháng phim truyền hình Việt Nam được sản xuất theo hướng “đếm tập ăn tiền” với những bộ phim dài lê thê về số tập và ngắn ngủi về nội dung khiến nhiều khán giả cảm thấy "ngán ngẩm" dường như vẫn còn đọng lại khá nhiều trên màn ảnh nhỏ. Với cách làm phim "cổ", kiểu như vừa chiếu vừa quay, "chạy" theo tập hoặc hai ngày làm xong một tập phim truyền hình, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Hãng phim truyền hình Việt Nam đã có lúc phải thẳng thắn thừa nhận rằng "đó là sự thiếu chuyên nghiệp trong tất cả các khâu".
Bộ phim "Mưa bóng mây" do Hãng phim truyền hình Việt Nam sản xuất.
Có thể thấy, trung bình mỗi năm có hàng ngàn tập phim do Việt Nam sản xuất và phát sóng trên Đài Truyền hình. Sự tăng trưởng về số lượng được xem là thành quả đáng ghi nhận nhằm tăng tỷ lệ phim Việt trong khung giờ phát sóng theo định hướng của nhà nước. Mặc dù đã có những bước tiến bộ đáng ghi nhận, tuy nhiên, chất lượng phim truyền hình Việt Nam sản xuất trong những năm gần đây lại không đồng nhất với số lượng mà các hãng phim đầu tư sản xuất.
Dù được “ưu ái” với tỷ lệ 30% phim Việt trình chiếu và quy định giờ Vàng phát sóng, số lượng phim truyền hình Việt đã và đang ra sức “tung hoành” trên màn ảnh nhưng do chất lượng chưa thực sự tương xứng với số lượng nên vẫn còn nhiều khán giả “quay lưng” với phim truyền hình trong nước. Cũng không thể phủ nhận một chân lý rằng, những bộ phim nếu được sản xuất kỹ lưỡng, chú trọng từ trang phục, đến hình ảnh, âm thanh, thậm chí dàn diễn viên được lựa chọn cẩn thận, chắc chắn … thì phim truyền hình Việt vẫn chạm được đến thị hiếu của khán giả, chứ không hề “vô phương cứu chữa” như những gì mọi người từng nghĩ.
Đề cập đến vấn đề này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng cho rằng, ngay từ khi bắt tay vào sản xuất, các nhà làm phim Việt Nam đã lộ rõ những điểm yếu, đó chính là việc thiếu kỹ năng làm phim và thiếu các nhà sản xuất phim truyền hình chuyên nghiệp. Khi đã có trong tay một nguồn kinh phí lớn đồng nghĩa với việc để làm phim, cần một đội ngũ có khả năng sản xuất ra bộ phim đảm bảo chất lượng tương xứng với số kinh phí bỏ ra. Bởi đội ngũ làm phim chuyên nghiệp sẽ là những người biết cách tìm kiếm nguồn đầu tư, nắm rõ thị hiếu của khán giả. Hơn nữa, chính nhà sản xuất sẽ là những người vừa biết bảo vệ quan điểm sáng tác của đạo diễn, vừa biết điều phối cắt hoặc thêm cảnh phim sao cho hợp lý, hấp dẫn nhất có thể.
Hợp tác để… học hỏi và “tự thân vận động”
Thiếu nhà sản xuất phim chuyên nghiệp và kỹ năng làm phim tối thiểu, phim truyền hình Việt Nam khó có thể “tự thân vận động” để đạt được chất lượng tốt. Do đó, việc hợp tác với những quốc gia mạnh về sản xuất phim truyền hình là một trong những giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt, là cơ hội đưa phim truyền hình Việt Nam ra nước ngoài. Còn thành công hay không, chúng ta khó lòng có thể biết được chỉ sau vài bộ phim được phát sóng? Và khi nước ngoài “buông tay”, phim Việt Nam tiếp tục “đứng vững” hay trở lại với trạng thái ban đầu, “chìm nghỉm” và “dậm chân tại chỗ”?
Phim "Tuổi thanh xuân" hợp tác với Hàn Quốc
Cụ thể như, “Người cộng sự”, dự án hợp tác giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) với Đài Truyền hình TBS của Nhật Bản nói về sự giúp đỡ của bác sỹ Asaba Sakitaro với chí sĩ Phan Bội Châu của Việt Nam đã vượt qua nhiều trở ngại về khoảng cách thời gian, không gian để mang lại thành quả ban đầu cho phim nước nhà, đánh dấu sự hợp tác thành công giữa hai nước.
Hay như dự án phim hợp tác với kênh CJ E&M (Hàn Quốc) sản xuất bộ phim truyền hình mang tựa đề “Tuổi thanh xuân”, mặc dù được trình chiếu ở xứ sở kim chi và phát sóng trên kênh Channel M, kênh truyền hình trả tiền hiện đang phủ sóng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Myanmar, Australia, Hồng Kông và Đài Loan nhưng “Tuổi thanh xuân” có thực sự thành công? Có thể thấy, đây là lần đầu tiên một bộ phim truyền hình dài tập của Việt Nam được giới thiệu rộng rãi đến bạn bè quốc tế và đó cũng là cơ hội tốt để khán giả truyền hình thế giới có thêm những hiểu biết về Việt Nam thông qua những câu chuyện về cuộc sống giới trẻ, gia đình và cả qua những hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam được lồng ghép khá nhiều trong phim.
Và mới đây nhất là bộ phim “Khúc hát mặt trời” hợp tác với Nhật Bản đã mang lại làn gió mới đến với phim truyền hình Việt Nam không chỉ bởi những cảnh quay đẹp mắt ở xứ sở hoa anh đào mà bởi nội tâm nhân vật chạm sâu tới trái tim khán giả. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã từng thừa nhận, “Khúc hát mặt trời” là một dự án quan trọng nằm trong lộ trình sản xuất những bộ phim chất lượng có thể đưa ra khu vực và quốc tế được Hãng phim truyền hình Việt Nam ấp ủ trong thời gian qua. Đồng thời, ekip làm phim cũng đã tiếp thu được kinh nghiệm và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật, âm thanh hậu kỳ, tiền kỳ, chọn bối cảnh từ phía đoàn làm phim Nhật Bản.
Phim "Khúc hát mặt trời" hợp tác cùng Đài truyền hình Nhật Bản
Có thể nói, hợp tác làm phim giữa Việt Nam và các nước trên thế giới được xem là xu thế và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Mặc dù không thể phủ nhận những phim hợp tác phần nào mang tới “hơi thở” cũng như những thành quả đạt được cho phim truyền hình Việt nhưng liệu phim Việt có “dựa dẫm” được mãi để thành công? Hay việc hợp tác chỉ là động lực, là quá trình cọ xát để chúng ta học hỏi cách làm phim chuyên nghiệp của nước bạn, để rồi từ đó, tự đúc rút kinh nghiệm và dần nâng cao tay nghề thay vì ngồi chờ để ỷ lại.
Ngoài ra, nhìn vào thực tế sẽ thấy, không phải cứ muốn là được bởi Việt Nam vẫn là thị trường điện ảnh còn quá nhỏ nên việc hợp tác sản xuất phim còn “khập khiễng”. Ví dụ như, Trung Quốc và Hàn Quốc hay như thị trường phim Hollywood, Châu Âu có thể kết hợp với nhau lâu dài vì đó đều là những thị trường phim lớn. Nghệ sỹ của các quốc gia đó được hàng triệu khán giả trên toàn thế giới biết đến, trong khi nghệ sỹ Việt lại chẳng mấy ai được “nổi tiếng” đến mức thế giới cũng phải nhắc tên. Hơn nữa, thị hiếu khán giả xem phim thường gắn liền với những nghệ sỹ, diễn viên có tên tuổi, càng “nổi” càng tốt và điều này phim Việt khó có thể thực hiện được.
Ngược lại, một nhà sản xuất Việt Nam muốn mời một diễn viên nổi tiếng của quốc tế đóng phim của mình thì lập tức, vấn đề chi phí sẽ rất nan giải và bản thân ngôi sao lớn cũng sẽ rất e ngại khi hợp tác với thị trường phim nhỏ. Chỉ khi nào phim Việt có chỗ đứng đủ vững thì may ra mới có khả năng làm được việc đó. Còn hiện nay, hầu hết các phim hợp tác chỉ dừng lại ở những dự án nhỏ lẻ để học hỏi và đúc rút kinh nghiệm mà thôi./.
Hương Giang/VOV.VN