Các thành viên đảng Dân chủ tại Thượng viện đã cam kết hành động nhanh chóng để ngăn chặn làn sóng thù ghét đối với người Mỹ gốc Á. Tuy vậy, nỗ lực của họ có nguy cơ rơi vào tình trạng bế tắc giống như những gì mà Quốc hội Mỹ từng chứng kiến sau các thảm kịch xảy ra tại Mỹ trong quá khứ.
Người biểu tình tại Los Angeles giơ biểu ngữ "Hãy dừng bạo lực" ngày 27/3. Ảnh: AFP.
Mâu thuẫn giữa phe Dân chủ và Cộng hòa
Trong bối cảnh nước Mỹ đang bàng hoàng vì vụ xả súng tại Atlanta khiến 8 người thiệt mạng trong đó có 6 phụ nữ gốc Á, Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy việc thông qua hai dự luật nhằm ngăn chặn tội phạm thù ghét. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer tuần trước cho biết, một trong 2 dự luật này sẽ là ưu tiên hàng đầu vào tháng 4 tới. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, không một thành viên Cộng hòa nào bày tỏ sự ủng hộ.
Không giống như các vấn đề về nhập cư hay quyền bầu cử, hành vi thù ghét là vấn đề không bị tác động nhiều bởi lập trường chính trị. Sự gia tăng tình trạng bạo lực bắt nguồn từ tâm lý kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc Á trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 ngày càng thu hút sự chú ý của dư luận và đã trở thành một vấn đề chung của cả quốc gia.
Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đang phải đối mặt với một thách thức lớn, cho thấy họ thiếu khả năng ứng phó với bạo lực súng đạn vốn đã nổi lên trong suốt thời gian dài. Mặc dù các nhà lập pháp của cả 2 đảng cực lực lên án hành vi sai trái sau các vụ xả súng hàng loạt và nhiều thảm kịch khác, nhưng việc ban hành một đạo luật nhằm đối phó tình trạng này lại vô cùng nan giải.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren nhấn mạnh: “Việc ban hành một đạo luật như vậy là một trong những điều mà người dân Mỹ mong muốn chúng ta sẽ làm. Nhưng Quốc hội vẫn tiếp tục thất bại bởi sự chia rẽ”.
Khi Thượng viện trở lại làm việc sau kỳ nghỉ kéo dài 2 tuần, cơ quan này dự kiến sẽ bỏ phiếu về dự luật do Thượng nghị sỹ Dân chủ Mazie Hirono đề xuất, nhằm lựa chọn một quan chức trong Bộ Tư pháp hỗ trợ việc xử lý các tội phạm thù hận liên quan đến Covid-19. Dự luật cũng sẽ thúc đẩy hướng dẫn của các bang và chính quyền địa phương trong việc đối phó với loại hình tội phạm này, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên bang ban hành quy định chung nhằm tránh việc sử dụng những từ ngữ mang tính phân biệt đối xử khi mô tả dịch bệnh Covid-19. Các thành viên trong đảng Cộng hòa đã bày tỏ sự hoài nghi về sự cần thiết của dự luật bổ sung này và cho biết họ vẫn chưa xem xét dự luật của phe Dân chủ.
Thượng nghị sỹ Cộng hòa Lindsey Graham cho biết: “Chúng ta đã sẵn có một dự luật ngăn chặn tội phạm thù hận, nhằm vào những đối tượng làm tổn thương người khác chỉ bởi sự khác biệt về chủng tộc của họ”.
Một dự luật thứ hai do Thượng nghị sỹ Dân chủ Richard Blumenthal dẫn đầu, dự kiến cũng được đưa ra xem xét tại Thượng viện, sẽ thiết lập các khoản hỗ trợ để giúp chính quyền các bang đối phó với tội phạm thù hận. Dự luật này đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào năm 2020 nhưng vẫn “nằm im bất động” tại Điện Capitol vì thiếu sự ủng hộ của đảng Cộng hòa. Tuần trước, Hạ nghị sỹ Young Kim – một trong số 2 thành viên Cộng hòa gốc Á tại Quốc hội đã vạch ra kế hoạch thúc đẩy một nghị quyết lưỡng đảng không mang tính ràng buộc nhằm lên án tội phạm thù hận.
Đã đến lúc quốc hội phải hành động
Những người ủng hộ chống lại hành vi phân biệt đối xử cho rằng, Quốc hội Mỹ cần phải nhanh chóng thông qua các dự luật nói trên trong bối cảnh làn sóng bạo lực mới chống người gốc Á tại Mỹ đã gia tăng mạnh mẽ. Tổ chức Stop AAPI Hate (Chống phân biệt chủng tộc với người gốc Á) cho biết, đã có gần 3.800 trường hợp kỳ thị người gốc Á trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến cuối tháng 2/2021. Một số thành viên đảng Dân chủ cho rằng, sự gia tăng các hành vi thù hận này một phần bắt nguồn từ việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc” để nói về virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell đã lên án tình trạng bạo lực đối với người gốc Á trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành. Ông Mitch McConnell – có vợ cũng là một người Mỹ gốc Á, mô tả vụ xả súng ở Atlanta là “vô cùng khủng khiếp” và cho rằng vấn đề phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc Á “chắc chắn đã trở thành mối lo ngại hàng đầu đối với nhiều người khi chúng ta chứng kiến các vụ xả súng”. Tuy nhiên, ông cho rằng, kế hoạch của Hạ viện, phản ứng với các vụ xả súng bằng cách mở rộng việc kiểm tra lý lịch đối với những người mua súng là điều “khó hiểu”.
Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Dân chủ Richard Blumenthal, người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực cải cách luật liên quan đến súng đạn cho biết, các vụ xả súng ở Atlanta là bằng chứng cho thấy tội phạm thù hận và bạo lực súng đạn liên quan chặt chẽ với nhau.
“Cả hai vấn đề này có mối liên hệ với nhau. Nếu không có vũ khí, nghi phạm xả súng ở Atlanta sẽ chỉ là một kẻ phân biệt chủng tộc và một người theo chủ nghĩa sai lầm. Khi được trang bị súng, anh ta trở thành một kẻ giết người hàng loạt ”, ông Richard Blumenthal nói.
Ngay cả trong thời điểm cấp bách như hiện nay, Thượng viện Mỹ vẫn không có khả năng hành động như một một cơ quan phản ứng nhanh. Còn nhớ, sau vụ xả súng tại Ohio và Texas năm 2019, các nhà lập pháp Mỹ một lần nữa cố gắng khởi động các cuộc đàm phán cải cách luật sở hữu súng đạn nhưng không thành công. Và sau vụ xả súng hàng loạt mới nhất hồi đầu tháng 3, Quốc hội vẫn bế tắc khi tìm kiếm một thỏa thuận chung.
Thượng nghị sỹ Dân chủ Tina Smith cho biết: “Điều đó liên quan rất nhiều đến các quy tắc của Thượng viện. Các cuộc thảo luận mất nhiều thời gian hơn và không đi đến đâu. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể phản ứng ngay lập tức tại thời điểm các vụ việc đang diễn ra và gửi đi những thông điệp rõ ràng về các vấn đề liên quan đến tội phạm thù hận”.
Nếu Quốc hội không thông qua dự luật của nghị sỹ Hirono, chính quyền Tổng thống Biden có thể đơn phương ban hành các điều khoản của mình. Nhưng họ vẫn muốn các nhà lập pháp biến lời nói thành hành động khi hành vi phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Á ngày càng gia tăng.
“Đối với nhánh lập pháp, việc thực thi hành động là điều thực sự quan trọng. Đó là những gì chúng ta phải làm để ngăn chặn tình trạng phân biệt chủng tộc”, thượng nghị sỹ Hirono khẳng định.
Sự chậm trễ của Quốc hội đã khiến những người ủng hộ chống lại hành vi phân biệt đối xử cảm thấy phiền lòng. Ông Gregg Orton, giám đốc Hội đồng người Mỹ gốc châu Á Thái Bình Dương, cho rằng việc Quốc hội không hành động ngay lập tức để ngăn chặn làn sóng bạo lực đối với người Mỹ gốc Á cho thấy “cộng đồng của chúng ta không được giới cầm quyền coi trọng”. John Yang, tổng giám đốc của tổ chức Ủng hộ Công lý của người Mỹ gốc Á đã cho đó là “một cú giáng vào cộng đồng gốc Á”./.
Theo VOV.VN