Bài 4: Từ đất Tổ Vua Hùng đến Cột cờ Lũng Cú - Hà Giang
Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ là thủy tổ của dân tộc Việt, sống với nhau và sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người con. Sau đó, 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên núi và chia nhau cai quản các vùng. Tôi đã xuống biển, lên núi theo dấu chân thủy tổ để cảm nhận thêm về cội nguồn ngàn năm.
Xuống biển, lên núi...
Từ khi chưa đến Hải Phòng, tôi đã yêu thành phố cảng biển này nhờ bài hát Thành phố hoa phượng đỏ. Ngày tôi đến, các tuyến đường thành phố vẫn vẹn nguyên với cây phượng truyền thống. Tôi tìm đến những “Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên” (lời bài hát Thành phố hoa phượng đỏ).
Phà Bến Bính bây giờ được thay thế bằng chiếc cầu Bến Bính cao rộng. Xi Măng (Nhà máy Xi măng Hải Phòng) từ lâu đã được dời ra huyện Thủy Nguyên. Chiếc Cầu Rào thô sơ ngày trước giờ đã là cây cầu xoắn ốc hiện đại, trở thành biểu tượng của TP.Hải Phòng.
Còn cái tên Cầu Đất lại không gắn với chiếc cầu nào cả mà là tên một phường của quận Ngô Quyền, là một trong những khu vực sầm uất nhất TP.Hải Phòng hiện nay, giống như phường Lạc Viên kề bên. Và tôi đã đi Đồ Sơn, không phải để biết “hơn hay kém” mà để viếng Khu di tích nơi khởi đầu đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại, con đường góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dù vậy thì tôi vẫn phải công nhận Đồ Sơn ngày nay quá đẹp, quá hiện đại. Hẳn trong số 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, có người được giao cai quản vùng đất này, các thế hệ nối tiếp khai phá và dựng xây nó ngày càng giàu đẹp như ngày nay.

Viếng Đền Hùng trong ngày Giỗ Tổ
Sau khi dùng bữa sáng món nem cua bể trứ danh của Hải Phòng, chúng tôi rời phố biển, đi về phía núi. Đã có chủ đích, chúng tôi sắp xếp hành trình để đến TP.Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) đúng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 (Âm lịch).
Đường từ Hải Phòng đến Phú Thọ giờ toàn cao tốc, ôtô chỉ mất gần 3 giờ cho đoạn đường hơn 200km. Chúng tôi đến Đền Hùng lúc quá trưa, các nghi lễ chính thức của ngày Giỗ Quốc Tổ đã kết thúc nhưng khách đến viếng vẫn còn nườm nượp.
Người bảo vệ khu di tích cho biết, khách về Giỗ Tổ đông suốt cả tuần qua, cao điểm là 2 ngày mùng 8 và mùng 9, do trùng với những ngày nghỉ cuối tuần.
Còn theo số liệu của ngành chức năng tỉnh Phú Thọ, trong 10 ngày dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, địa phương đón khoảng 5,5 triệu lượt khách trong và ngoài nước. Con số biết nói: Người dân Việt rất trân trọng và tự hào về cội nguồn của mình; nay cuộc sống đã khá lên, mỗi năm, hàng triệu người sẵn sàng bỏ ra số tiền không nhỏ để về viếng đất Tổ.

Điểm khởi đầu Đường Hồ Chí Minh trên biển, Đồ Sơn - Hải Phòng
Đứng trên sườn núi Nghĩa Lĩnh, phóng tầm mắt nhìn ra phía trước có sông tụ hội, hai bên có núi chầu hầu, tôi tự hỏi ở nơi nào Mẹ Âu Cơ đã đẻ ra bọc trăm trứng, rồi nở ra trăm người con. Thật dễ hiểu khi tiền nhân đã chọn vùng đất nơi bãi sông tiện lợi cho sinh hoạt cộng đồng, đất đai màu mỡ thích hợp cho việc cày cấy, trồng trọt, đất gò đồi cao thuận lợi việc lập ấp, mở làng,... để xây dụng cơ đồ, bắt đầu thời kỳ 18 đời Hùng Vương rạng danh, để lại cho con cháu di sản văn hóa vô giá cùng non sông gấm vóc.
Lễ hội Đền Hùng hàng năm bao gồm những hoạt động văn hóa - văn nghệ mang tính chất nghi thức truyền thống, trong đó có lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Tôi hình dung đám rước kiệu từ dưới chân núi lần lượt qua các đền để đến Đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Dưới tán cây rừng cổ thụ và âm vang của trống đồng, đám rước như một con rồng uốn lượn trên những bậc đá huyền thoại để tới đỉnh núi, gợi nhớ về dòng giống “Con Rồng cháu Tiên” của dân tộc Việt.
Nơi địa đầu Tổ quốc
Rời Đền Hùng, chúng tôi đi tiếp gần 100km để đến và nghỉ lại TP.Yên Bái. Buổi tối, ngồi nhâm nhi ly rượu miền núi với bà chủ khu nhà trọ mang tên Thu Thảo, bà cho biết từng là diễn viên múa của Đoàn Văn công tỉnh, được cử tham gia phục vụ Đoàn quân giải phóng miền Nam năm 1975 lúc bà mới 20 tuổi. Khi đoàn đang phục vụ ở Bình Định thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, diễn viên múa Thu Thảo cùng đoàn văn nghệ sĩ trở về quê hương.
Sáng hôm sau, bà hướng dẫn chúng tôi đến viếng Khu di tích mộ Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, bên cạnh đại lộ mang tên Nguyễn Thái Học, thuộc phường Nguyễn Thái Học, TP.Yên Bái.
Đứng trước khu mộ các chiến sĩ, tôi như thấy hiện ra trước mắt hình ảnh Nguyễn Thái Học cùng 12 chiến sĩ của Việt Nam Quốc dân Đảng bị thực dân Pháp đưa lên máy chém ngày 17/6/1930 sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại và như còn nghe tiếng Nguyễn Thái Học hô vang: "Việt Nam vạn tuế!".
Rời TP.Yên Bái, trên đường đi Hà Giang, chúng tôi ghé lại viếng Di tích lịch sử Cây đa Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang). Cây đa Tân Trào được xem là "chứng nhân" lịch sử của dân tộc. Chính dưới bóng cây đa cổ thụ này, vào ngày 16/8/1945, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã làm lễ xuất quân.
Trước sự chứng kiến của đông đảo đại biểu toàn quốc và người dân địa phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1, thúc giục quân đội tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Cây đa Tân Trào còn là biểu tượng của Thủ đô kháng chiến, Thủ đô Khu giải phóng, là niềm tự hào của người dân Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung.
Ăn vội bữa trưa ở TP.Hà Giang, chúng tôi lên đường vượt hơn 160km, chủ yếu đường đèo dốc, đi Cột cờ Quốc gia Lũng Cú nơi địa đầu Tổ quốc. Đã nghe nói nhiều về “con đường đau khổ” này nhưng đến khi chính tay ôm vô lăng vượt qua hàng trăm “cua cùi chỏ” trên đèo Mã Pí Lèng trong làn mưa phùn, một bên là vách núi đá tai mèo dựng đứng, một bên là vực sâu hàng trăm mét, tôi phải tự động viên mình “Cố lên, như vậy cho đáng một lần trong đời!”. Hai người bạn đồng hành nhắm mắt không dám nhìn xuống vực sâu mà vẫn chóng mặt. Dừng lại check-in ở “Cổng trời Quản Bạ”, chúng tôi nghe nói chỉ cần bước qua đó là lên đến trời!

“Cổng trời” Quản Bạ
Sau hơn 5 giờ “vật lộn” với 160km đường đèo, chúng tôi đến Cột cờ Quốc gia Lũng Cú khi mặt trời đã khuất sau núi. Bộ phận phục vụ (kể cả bán vé) đã ra về, không còn ai, kể cả người bảo vệ. Rất may là Khu di tích vẫn mở cửa, đèn năng lượng tự sáng khi đến giờ.
Cột cờ được xây dựng trên đỉnh Núi Rồng cao 1.470m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, điểm cực Bắc nước ta. Cột cờ có từ thời Lý Thường Kiệt, qua nhiều lần trùng tu hiện cao hơn 33m, lá cờ rộng 54m2, là biểu tượng của chủ quyền quốc gia. Xe dừng lại lưng chừng núi, từ đó có bậc thang đá đưa lên cột cờ, tôi đếm được tổng cộng hơn 700 bậc thang để lên đến chân Cột cờ.
Sau khi check-in, chúng tôi tiếp tục leo hơn 200 bậc thang xoắn ốc trong lòng Cột cờ để lên đỉnh Cột cờ. Đứng trên đỉnh cao, nghe lá cờ bay phần phật, nhìn một dải biên cương yên bình trong ráng chiều, núi non xanh thẳm trùng điệp, tôi thầm cảm ơn bao thế hệ tiền nhân đã hy sinh để xây dựng cơ đồ để lại cho chúng ta hôm nay.

Cột cờ Quốc gia Lũng Cú - Hà Giang
Không thể trở về Hà Giang (vì trời tối, đường đèo), chúng tôi nghỉ lại qua đêm trong một nhà trọ bình dân dưới chân núi. Tìm hiểu trên mạng, thấy nơi đây có món "thắng cố" nổi tiếng, chúng tôi gọi cho bữa tối. Đây là món đặc sản Đồng Văn gắn liền với nếp sống bình dị của đồng bào dân tộc H’Mông.
Ngày trước, món này được chế biến từ thịt ngựa và nội tạng. Sau này, để thực khách phương xa dễ thưởng thức hơn, người bán còn kết hợp thêm cả thịt trâu, bò. Người đồng bào vùng cao lấy phần xương, thịt vụn cùng các bộ phận nội tạng như tim, gan, phèo, phổi đem sơ chế sạch sẽ, ướp các loại gia vị và thảo quả theo công thức riêng... Đúng là món ăn nghe “ghê ghê” nhưng nếu ăn được thì không thể buông đũa, nhất là khi bên cạnh có chai rượu táo mèo do đồng bào tự pha chế.
Trên đỉnh Núi Rồng xa xa, Cột cờ Lũng Cú vẫn sừng sững trong đêm, lá cờ đỏ thắm được đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng nổi bật trên nền trời đêm. Giấc ngủ đêm Đồng Văn thật ngon và sâu sau một ngày “trèo đèo, leo núi”, cùng chút men rượu táo mèo và hương vị món “thắng cố” còn vấn vương./.
(còn tiếp)
Nguyễn Phấn Đấu
Bài 5: Lào Cai - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La