Tiếng Việt | English

21/05/2020 - 09:19

Siết chặt quản lý đất đai, trật tự xây dựng

Những năm trước, nhiều địa phương trong tỉnh Long An xảy ra vi phạm về đất đai, xây dựng. Có nơi, cán bộ bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, sau khi siết chặt công tác quản lý trên lĩnh vực đất đai và đẩy mạnh tuyên truyền, công khai các dự án, nêu cao vai trò của người đứng đầu ở cơ sở, tình hình vi phạm đã giảm nhiều so với trước.

Giảm dần vi phạm đất đai, xây dựng

Năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 6.772 trường hợp vi phạm san lấp trái phép. Không chỉ vậy, hầu hết những trường hợp này cũng vi phạm cả lĩnh vực xây dựng. Qua tiến hành rà soát, trong đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất là 4.729 trường hợp, không phù hợp 2.043 trường hợp. Trong số 6.772 trường hợp vi phạm, có 1.000 tổ chức, còn lại là hộ gia đình và cá nhân xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất.

Tình hình san lấp, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp dẫn đến nhiều hệ lụy: Hình thành những khu dân cư tập trung tự phát trên đất nông nghiệp, phá vỡ quy hoạch, không bảo đảm các điều kiện hạ tầng thiết yếu như điện, nước, đường giao thông, phòng cháy, chữa cháy,...

Thời gian qua, ngành chức năng tăng cường kiểm tra lĩnh vực đất đai, xây dựng

Trước thực trạng này, năm 2017, UBND tỉnh có chỉ thị chỉ đạo tăng cường xử lý, chấn chỉnh san lấp, xây dựng trái phép. Gần đây, ghi nhận tại một số địa phương trước đây là điểm nóng về vi phạm đất đai, xây dựng như Cần Giuộc, Đức Hòa, Cần Đước thì hiện nay cơ bản được khắc phục, từng bước đi vào nề nếp, những sai phạm giảm dần.

Từ năm 2019 đến nay, trên lĩnh vực đất đai, UBND huyện Cần Đước còn 6 trường hợp có hành vi vi phạm chuyển mục đích từ đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp quy định tại điểm a, Điều 6 Nghị định 102/2014/NĐ-CP, ngày 10-11-2014. Trong khi đó, trên lĩnh vực xây dựng, có gần 30 trường hợp vi phạm về kết cấu hạ tầng, hoạt động xây dựng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm đất đai và xây dựng trên 620 triệu đồng.

Trên địa bàn huyện Đức Hòa, từ năm 2019 đến nay, phát hiện 243 trường hợp vi phạm về lĩnh vực đất đai và 37 trường hợp vi phạm về lĩnh vực xây dựng. Qua đó, UBND huyện và UBND tỉnh đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 3 tỉ đồng (trong đó vi phạm đất đai hơn 2 tỉ đồng, xây dựng hơn 950 triệu đồng).

“Cũng như nhiều địa phương khác, những năm trước, tình hình phân lô bán nền, xây dựng trái phép xảy ra khá phức tạp. Tuy nhiên, từ sự quyết liệt trong kiểm tra, xử lý vi phạm, thời gian qua, vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng đã giảm nhiều so với trước” - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện - Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Ở huyện Cần Giuộc, từ năm 2019 đến nay, trên lĩnh vực đất đai, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành 64 quyết định xử phạt. Trên lĩnh vực xây dựng, Chủ tịch UBND huyện ban hành 28 quyết định xử phạt. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 59 quyết định xử phạt về hành vi xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt. Ngoài ra, theo thẩm quyền ở cấp xã đã ban hành 41 quyết định xử phạt liên quan đến vi phạm trên lĩnh vực xây dựng.

Nhiều giải pháp, kiến nghị để giảm vi phạm

Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: “UBND huyện đã sắp xếp, điều chuyển, bố trí đầy đủ đội ngũ cán bộ, công chức cho các cơ quan chuyên ngành về thanh tra, xây dựng, tài nguyên môi trường bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ được giao. Nhằm ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm xảy ra nhiều ở những điểm nóng, địa bàn giáp TP.HCM, huyện thành lập tổ huy động lực lượng công chức một số phòng, ban huyện am hiểu pháp luật để tiến hành xử lý”.

Để hạn chế vi phạm trên lĩnh vực đất đai, việc công khai dự án được các địa phương quan tâm thực hiện

UBND huyện cũng ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phòng, ban liên quan và xã, thị trấn triển khai, thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, xây dựng. Bên cạnh đó, UBND các xã, thị trấn công bố đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin của người dân về sai phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng. Ngoài ra, huyện còn tiếp nhận được những đơn, thư phản ánh, kiến nghị của người dân.

Tại Đức Hòa, bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác quản lý, xử lý vi phạm lĩnh vực đất đai, xây dựng còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế được chỉ ra. Công tác phối, kết hợp và nắm bắt tình hình chưa kịp thời giữa bộ phận chuyên môn cấp xã
với ban quản lý ấp, khu phố dẫn đến chậm phát hiện các trường hợp vi phạm san lấp, xây dựng, sử dụng đất không đúng mục đích. Công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm ở một số địa phương chưa đồng bộ, kịp thời. Việc chuyển mục đích sử dụng đất cho người dân để thực hiện việc xin phép xây dựng nhà ở còn mất nhiều thời gian. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực xây dựng, đất đai còn ít và chuyên môn còn những hạn chế.

Từ những vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Nguyễn Minh Trung cho biết: “Huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền sâu, rộng đến người dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng; thường xuyên chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về lĩnh vực đất đai, xây dựng”.

Song song đó, huyện chỉ đạo UBND xã, thị trấn phải quản lý sâu sát, kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền những vấn đề về trật tự xây dựng trên địa bàn; chủ động phối hợp cơ quan chức năng thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các dự án, quy hoạch. Đồng thời, gắn trách nhiệm ban quản lý ấp, khu phố thường xuyên nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo UBND cấp xã các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đất đai và xây dựng nhằm hạn chế việc khắc phục hậu quả về sau. Huyện Đức Hòa cũng kiến nghị tỉnh thường xuyên mở lớp tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện được giao nhiệm vụ tham mưu thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và xây dựng.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Huỳnh Văn Quang Hùng, tại địa phương, công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm nhưng nhìn chung chưa có mô hình, giải pháp hiệu quả nhằm kịp thời thông tin sâu, rộng đến nhân dân các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, nhất là các văn bản mới ban hành và có hiệu lực pháp luật. Nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ, công chức ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu nên công tác kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm trên lĩnh vực đất đai và xây dựng đôi lúc chưa kịp thời. Công tác phối hợp giữa các ngành và địa phương trong quản lý chưa đồng bộ, có nơi chưa kiên quyết trong kiểm tra, xử lý nên vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng còn xảy ra.

Trước những vấn đề từ thực tế công tác quản lý nhà nước và tình trạng vi phạm trên lĩnh vực đất đai và xây dựng, UBND huyện Cần Đước đề xuất, kiến nghị tỉnh sớm ban hành quy định chung về quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình được miễn giấy phép xây dựng ở nông thôn trên địa bàn. Trong đó, có quy định việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư nông thôn để làm cơ sở huyện chỉ đạo các ngành triển khai, quản lý theo thẩm quyền; có văn bản quy định về quản lý xây dựng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các khu dân cư tự cải tạo (các khu dân cư đã hình thành trong thời gian qua nhưng chưa đạt yêu cầu) để UBND huyện làm cơ sở pháp lý quản lý tốt hơn nhằm chỉnh trang các khu dân cư chưa đạt yêu cầu, bảo đảm mỹ quan, điều kiện an sinh xã hội về sau.

Huyện cũng kiến nghị tỉnh kiên quyết thu hồi các dự án đầu tư đã đủ điều kiện nhưng chậm triển khai, không xem xét, gia hạn, giãn tiến độ đầu tư nhiều lần./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết