Giáo viên soạn giáo án điện tử và ứng dụng trang thiết bị hiện đại trong quá trình giảng dạy
Chủ động phòng, chống dịch
Bên cạnh thực hiện các giải pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong học đường, ngành GD&ĐT tỉnh cũng có những phương án dự phòng nhằm ứng phó nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Trong đó, ngành chủ động phương án nhằm bảo đảm duy trì việc học của HS nếu có tình huống bất ngờ xảy ra với phương châm “Dừng đến trường nhưng không dừng việc học”.
Năm học 2020-2021, ngành GD&ĐT tỉnh chủ động hơn trong việc chỉ đạo các trường soạn bài giảng E-learning bổ sung vào hệ thống dữ liệu học của ngành, phục vụ nhu cầu học trực tuyến của HS khi cần thiết; đồng thời, tạo nguồn tham khảo cho HS, GV trong quá trình dạy và học. Đặc biệt, đối với cấp THCS và THPT, ngành phân công cụ thể cho các trường soạn bài giảng E-learning theo kế hoạch đề ra. Theo đó, mỗi trường chịu trách nhiệm soạn 1 vài bài học/môn nhằm bảo đảm tất cả các bài, các môn đều được soạn bài giảng E-learning.
Các bài giảng sau khi soạn xong được công khai thẩm định chéo giữa các trường trước khi đăng lên kho học liệu. Theo đó, đơn vị được phân công thẩm định bài giảng phải xác định rõ những ưu điểm, hạn chế, những yêu cầu điều chỉnh (nếu có) chuyển cho đơn vị được phân công biên soạn để trao đổi, thống nhất việc bổ sung cho bài giảng. Đây cũng là bước quan trọng tạo ra bài giảng hoàn chỉnh nhất có thể trước khi đến với HS.
Tổ trưởng hội đồng bộ môn Vật lý Sở GD&ĐT - Lê Tài Anh Nhân cho biết: “Năm học trước, GV có tham gia soạn bài giảng E-learning nên năm học này có kinh nghiệm và làm chỉn chu hơn. GV tham gia soạn bài giảng làm nghiêm túc, trách nhiệm với nội dung bài giảng bám sát theo yêu cầu đặt ra. Nhìn chung, các bài giảng đều chất lượng, phát huy được trí tuệ tập thể, đáp ứng tốt nhu cầu học trực tuyến nếu có”.
Tạo nguồn tham khảo cho học sinh, giáo viên
Hiện các bài giảng E-learning đã hoàn thành và tải lên hệ thống dữ liệu dùng chung (khohoclieu.longan.edu.vn) của ngành. Đó là sự nỗ lực, cố gắng, cộng đồng trách nhiệm của các đơn vị trường học, đặc biệt là GV trực tiếp tham gia soạn bài giảng nhằm tạo nguồn tài liệu bài bản, uy tín phục vụ nhu cầu dạy và học của ngành.
Theo các hội đồng bộ môn, bài giảng E-learning năm nay chỉn chu, chất lượng hơn năm học trước. Nhiều thầy, cô có sự đầu tư tâm huyết trong quá trình soạn bài giảng. Nhiều bài giảng E-learning năm nay với những đặc điểm nổi bật: Nội dung cơ bản, trọng tâm, ngắn gọn, dễ hiểu; bài giảng được lồng ghép các hoạt động hoặc kết hợp hình ảnh, âm thanh, clip minh họa; cách trình bày sáng tạo nhằm thu hút sự quan tâm của HS.
Cô Võ Thị Thu Hằng - GV môn Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Thông (huyện Châu Thành), thổ lộ: “Có kinh nghiệm soạn bài giảng E-learning từ năm học trước, chỉ soạn một vài bài và có thời gian chuẩn bị nên năm học này, GV không bị bỡ ngỡ; đồng thời, đặt nhiều tâm tư vào bài giảng của mình. Bởi, bài giảng không chỉ là nguồn tài liệu lâu dài cho GV, HS mà còn thể hiện năng lực của GV mỗi trường. Đối với soạn bài giảng E-learning môn Lịch sử, chúng tôi vẫn chú trọng bám sát nội dung chính, cơ bản nhất để HS có thể hiểu rõ bài nếu học trực tuyến. Ngoài ra, trong nội dung bài giảng, chúng tôi lồng ghép trò chơi khởi động, phim tài liệu, hình ảnh để tiết học không khô khan; đồng thời, kích thích sự ham thích học tập của HS. Giọng đọc bài giảng cũng được lựa chọn kỹ để tạo sự lôi cuốn cho người nghe”.
Nhờ sự đầu tư trong soạn bài giảng E-learning của mỗi đơn vị, ngành tập hợp lại những bài giảng chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu học và tham khảo của HS. Thầy Trần Công Thành - GV môn Toán, Trường THCS Thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa), chia sẻ: “Bài giảng E-learning là giải pháp hiệu quả, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các trường có thể chuyển sang việc học trực tuyến ngay khi có yêu cầu mà không bị lúng túng, bỡ ngỡ như năm học trước. Ngoài ra, đây cũng là nguồn tài liệu uy tín, hỗ trợ tốt cho GV, HS khi đang dạy và học tại trường. HS vắng tại lớp hoặc chưa hiểu bài có thể xem lại bài giảng”.
Thông qua việc soạn bài giảng E-learning, GV được học hỏi, trau dồi kinh nghiệm lẫn nhau; HS được tiếp cận nhiều phương pháp dạy hay, hiệu quả./.
Ngọc Sương