Tiếng Việt | English

08/06/2017 - 09:16

Sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc - rước họa vào thân

Mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hạn sử dụng, không dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt,... đang được bày bán khá phổ biến trên thị trường.

Nhu cầu làm đẹp của phụ nữ ngày càng cao và sử dụng mỹ phẩm là giải pháp được nhiều chị em lựa chọn. Nhu cầu sử dụng mỹ phẩm ngày càng tăng thì các loại mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất hiện ngày càng nhiều.


Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra lô mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Bán hàng trên facebook

Bất kỳ ai có sử dụng mạng xã hội, nhất là facebook đều không lạ với các kiểu quảng cáo mỹ phẩm từ các trang bán hàng.

“Mình có người nhà đang sinh sống tại nước ngoài, có điều kiện mua các loại mỹ phẩm có chất lượng. Do là hàng xách tay nên giá bán cũng mềm hơn các nơi khác. Các bạn có nhu cầu cứ liên hệ trực tiếp, mình sẽ chuyển hàng tới tận tay mà không mất thêm khoản phí nào khác, bảo đảm sau khi dùng thử, bạn sẽ hài lòng với làn da trắng sứ”...

Các kiểu quảng cáo này nhắm đến đối tượng là những chị em có nhu cầu làm đẹp, muốn sử dụng các loại mỹ phẩm có thương hiệu lớn tại nước ngoài nhưng giá bán bình dân. Hầu hết sản phẩm được bán trên mạng đều được quảng cáo là xách tay từ Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Trên thực tế, không quá khó để mở một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm online, người bán chỉ cần tạo một tài khoản facebook là thoải mái quảng cáo cho sản phẩm mình bán, không cần thuê mặt bằng kinh doanh.

Để tạo lòng tin với khách hàng, không ít chủ gian hàng còn khẳng định bản thân đang sử dụng sản phẩm. Đặc biệt, nhiều trang facebook còn “đánh lừa” khách hàng bằng cách tải các bình luận tỏ ý hài lòng của khá nhiều khách hàng sử dụng mỹ phẩm do họ bán ra và đăng tải nhiều hình ảnh chứng minh làn da trắng mịn nhờ mỹ phẩm.

Không như lời quảng cáo

Chị Trần Lê Hạnh, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức chia sẻ: “Do thời gian gần đây, việc buôn bán bận rộn nên tôi hay thức khuya, dậy sớm. Vì thế, mặt tôi nổi nhiều mụn, đi kèm là da sạm. Tin lời quảng cáo từ các trang facebook, tôi mua mỹ phẩm dưỡng trắng da, trị mụn. Phương thức mua hàng rất đơn giản, chỉ cần cung cấp địa chỉ, số điện thoại cho chủ trang facebook, sau 3-5 ngày, hàng sẽ được chuyển đến tận tay và trả tiền cho người giao hàng”.

Thế nhưng, theo chị Hạnh, kết quả không như ý muốn, sau 1 tuần đầu tiên sử dụng kem dưỡng thì da có cải thiện nhưng đến tuần thứ 3 trở đi, da mặt chị trở nên sần sùi hơn và cảm giác nóng rát khó chịu.

Khi phản hồi với người bán, chị Hạnh nhận được câu trả lời: “Chị thông cảm, có thể do cơ địa của mỗi người, có người dùng không sao nhưng có người lại bị phản ứng ngược, chị có thể đổi loại khác mà em đang bán, dùng xem thế nào”.

Tương tự chị Hạnh, khá nhiều chị em khác sau khi dùng mỹ phẩm làm đẹp mua từ các trang mạng xã hội, sau thời gian ngắn sử dụng, da ở vùng mặt, cổ, gáy xuất hiện những đốm đỏ, ngày càng lan rộng và nóng rát, khi điều trị tại các phòng khám da liễu mới tá hỏa - mỹ phẩm mình đang sử dụng là hàng không rõ nguồn gốc, có chứa nhiều hoạt chất kích ứng, không phù hợp với da nhạy cảm.

Những lô mỹ phẩm không rõ nguồn gốc như thế này liệu có an toàn với người sử dụng?

Ngoài kem dưỡng trắng da, son môi cũng được rao bán khá nhiều trên mạng xã hội và các cửa hàng.

Hầu hết các lời quảng cáo làm chị em khá tin tưởng: “Son mình tự làm từ A đến Z, không qua trung gian nha. Xin khẳng định các tiêu chí sau: Siêu lì, màu siêu đẹp, không chì, lâu trôi, mềm môi và không ưng có thể trả lại thoải mái. Nguyên liệu mình chọn hoàn toàn từ tự nhiên (sáp, dầu thực vật, bơ, vitamin,...) nên không những không gây thâm môi mà còn làm hồng môi sau một thời gian sử dụng”.

Ngoài giảm giá, những trang này còn tung chiêu khuyến mãi mua 1 tặng 1. Chương trình khuyến mãi áp dụng cho cả khách mua lẻ và sỉ.

Chị Trần Minh Trang, ngụ phường 3, TP.Tân An cho biết: “Tin lời quảng cáo, tôi đặt mua một cây son môi. Tuy nhiên, trước khi thoa môi, tôi thử quẹt son lên tay xem có phản ứng gì không. Sau khi quẹt một lớp son dày, khi son khô thì kéo thành một lớp bột mỏng trên da và có thể gỡ ra bằng tay, nhưng sau đó vùng da này bị ngứa”.

Liên quan đến mỹ phẩm tự chế, có khá nhiều lời cảnh báo từ các chuyên gia da liễu, đa phần mỹ phẩm tự chế kém an toàn là do những người thiếu kiến thức về các thành phần mỹ phẩm, hóa chất làm ra.

Đặc biệt, son tự làm có thể bị biến chất, gây hại lâu dài cho người sử dụng. Chưa kể, các sản phẩm tự chế nguồn gốc từ thiên nhiên thường có thời gian bảo quản ngắn, dễ bị hư hỏng, lên men, nấm mốc dẫn đến dị ứng, nhiễm độc hoặc các thương tổn khác nặng hơn.

Không rõ nguồn gốc

Nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức nhiều đợt kiểm tra hàng hóa.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 3 phát hiện, tạm giữ 115kg mỹ phẩm pha trộn với dạng bột lỏng màu trắng do một cơ sở trên địa bàn TP.Tân An sản xuất. Trong quá trình kiểm tra, chủ hàng hóa không xuất trình được hóa đơn chứng từ số hàng hóa nêu trên, hàng hóa không có nhãn mác, xuất xứ và chưa công bố chất lượng hàng hóa.

Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 - Nguyễn Hùng Tuyên cho biết: Hầu hết mỹ phẩm bị đội tạm giữ trong thời gian qua đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sau khi pha trộn được đựng trong túi nylon cỡ lớn từ 15-20kg hoặc chia nhỏ trong hộp nhựa. Hầu hết đều được gia công thủ công với nhiều thành phần nguyên liệu không rõ ràng về xuất xứ, nhưng qua những lời quảng cáo “có cánh” bỗng chốc trở thành mỹ phẩm chất lượng, được chào bán công khai trên các trang mạng xã hội.

Trước “ma trận” mỹ phẩm trôi nổi, chị em nên chọn kênh bán hàng, điểm bán uy tín như hệ thống cửa hàng, nhà phân phối chính thức khi mua mỹ phẩm. Không nên sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tự pha chế bán trôi nổi để rước họa vào thân./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích