Tiếng Việt | English

29/03/2018 - 14:27

Tản mạn về ngày Cá tháng tư

Sắp đến ngày 01/4. Đây được xem là ngày Cá tháng tư (ngày nối dối). Chúng ta có thể nói dối trong ngày này mà không sợ người khác phiền lòng để làm cho cuộc sống thêm tươi vui, thi vị. Nhưng nói dối thực sự là tốt hay xấu? Và các bạn nhỏ đã bao giờ nói dối chưa? Chúng ta sẽ tìm được câu trả lời của các bạn nhỏ về những thắc mắc thú vị ấy ngay sau đây.

Nói dối ngày Cá tháng tư

Các bạn có biết ngày 01/4 là ngày gì không? Đó chính là ngày chúng ta có thể vui đùa bằng những câu nói dối. Chắc ai trong mỗi chúng ta cũng đều có ít nhất vài lần nói dối với người khác. Có bạn nói dối thường xuyên, có bạn chỉ vài lần mới nói những điều không đúng sự thật. Vậy theo bạn, nói dối tốt hay xấu? Chẳng hạn như bạn bị điểm thấp nhưng vì không muốn bị ba mẹ phạt nên nói dối bài kiểm tra của mình đạt điểm cao, hoặc cô chưa chấm bài xong. Đó là những lời nói dối tiêu cực và ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ trong gia đình mà chúng ta nên tránh. Tôi là đứa rất hay bị bạn bè chọc ghẹo vào ngày Cá tháng tư nhưng không vì thế mà tôi ghét ngày này. Nhất định năm nay, tôi sẽ chủ động “lừa” mọi người xung quanh. Nhưng các bạn hãy nhớ, chúng ta chỉ đùa vài chuyện nhỏ cho vui, đừng đùa những chuyện gì mang tính nghiêm trọng thì sẽ có tác dụng ngược đấy!

Nhi Nhi

Nói dối nhiều không tốt

Ngày Cá tháng tư, ngày bạn có thể nói dối mà không sợ người khác buồn lòng. Thật thú vị phải không? Nhưng bạn chỉ có thể đùa trong ngày này thôi nhé! Nói dối là điều không tốt đâu. Đa phần những lời nói dối đều mang lại hậu quả. Khi để người khác phát hiện bạn đang nói dối thì uy tín của bạn sẽ bị giảm đi, thậm chí không còn. Vì thế, tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên nói dối. Những lời nói chân thành bao giờ cũng làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn, dù đó là chuyện không vui đi chăng nữa.

Minh Thy

Nói dối, lợi hay hại?

Lần nói dối mà tôi nhớ nhất là dối mẹ đi học nhóm để ra tiệm Internet chơi game thỏa thích. Đến tối, tôi về nhà, vội đi ngủ luôn mà quên ngày mai có bài kiểm tra 15 phút. Lần đó, tôi bị điểm kém. Khi mẹ hỏi, tôi lại nói do bài khó quá! Thế là thêm một lần nói dối. Giờ nghĩ lại, tôi hối hận vô cùng. Nhưng nhiều khi, lời nói dối sẽ mang lại lòng tin cho người khác, nhất là với những người mắc bệnh hiểm nghèo. Nếu nói sự thật về tình trạng bệnh, đôi khi người bệnh suy sụp tinh thần dẫn đến sức khỏe suy kiệt. Lời nói dối “chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống điều độ sẽ nhanh khỏe thôi” của bác sĩ lúc này giúp bệnh nhân lạc quan hơn. Nói dối không hẳn là xấu nhưng nói dối thế nào để giúp người khác chứ đừng để lại hậu quả. Nói dối có lợi hay hại? Điều đó tùy vào mục đích của người nói.

Qua Nhất Chế Anh

Tản mạn ngày Cá tháng tư

Nói dối là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Chắc hẳn ai cũng từng nói dối và nói dối không chỉ một lần. Có một ngày, mọi người có thể thoải mái nói dối mà không sợ ai giận, đó là ngày 01/4. Nói dối không hẳn là có hại, trong một số hoàn cảnh, như trường hợp người con đang thi, cha bị bệnh nặng thì người mẹ có thể nói với con cha không sao đâu để người con có thể an tâm thi tốt. Nói dối không hại nếu ta không vì lợi ích bản thân. Nhiều người vì lợi ích trước mắt mà lợi dụng lòng tin của người khác thì không nên chút nào. Nói dối trong trường hợp này sẽ gây ra những hậu quả đáng ngại, trước hết là bản thân mình bị mất lòng tin của mọi người. Khi bị mất lòng tin, sẽ không ai giúp đỡ hay quan tâm đến ta nữa. Và trong lúc khó khăn nhất, ta sẽ bị xã hội xa lánh, đó là một điều tồi tệ. Cho nên,chúng ta chỉ nên đùa trong ngày Cá tháng tư để cuộc đời thêm thú vị.

Cẩm Hương

Nghĩ gì về nói dối?

Mỗi người trong chúng ta chắn hẳn đều từng nói dối. Thật ra, từ bẩm sinh, con người đã nói dối. Điều này được thể hiện qua một nghiên cứu của nhóm những nhà khoa học Mỹ chuyên nghiên cứu về hành vi con người. Nghiên cứu chỉ ra rằng, con người nói dối mà không cần ai dạy. Trong nghiên cứu, đối tượng được nghiên cứu chủ yếu chính là những đứa trẻ sơ sinh. Đa phần trẻ sơ sinh đều hay khóc, nhưng những em bé ấy không khóc vì đói hay mệt mà chỉ đơn giản là vì muốn mọi người chú ý đến mình hơn. Nghiên cứu trên chỉ ra rằng, nói dối đối với con người là bẩm sinh. Nói dối có lợi hay hại tùy theo cách suy nghĩ, mục đích cũng như hoàn cảnh mà việc nói dối xảy ra. Cho nên, trong cuộc sống, chúng ta chỉ nên nói dối khi nó mang lại lợi ích cho mọi người và không gây hậu quả gì./.

Dương Thiên Hương

Bài vở cộng tác cho Chuyên mục HHT xin gửi về: vomanhhao@gmail.com 

 

Chia sẻ bài viết