Tiếng Việt | English

25/01/2023 - 09:00

Tân Thạnh hướng đến nâng tầm sản phẩm đặc trưng

Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện nông nghiệp, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đang từng bước khẳng định thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường. Đây cũng là cách huyện nâng tầm sản phẩm địa phương, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Ảnh: Chí Tâm

Sầu riêng chính thức vươn ra “biển lớn”

Những ngày cuối năm, chúng tôi về huyện Tân Thạnh tìm hiểu về chuyện cây sầu riêng bén rễ trên vùng đất phèn và đang vươn mình ra “biển lớn”. Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông cho biết: “Hiện huyện có trên 203ha sầu riêng, trong đó 17ha đang cho trái. Bình quân, 1ha sầu riêng cho lợi nhuận khoảng 1 tỉ đồng/năm. Huyện không phải là địa phương đầu tiên của tỉnh trồng sầu riêng nhưng chúng tôi quyết tâm xây dựng thương hiệu sầu riêng cho người dân quê mình, nhất là tạo đầu ra ổn định, không bị thương lái ép giá.

Cụ thể, huyện vừa phối hợp các ngành chức năng làm hồ sơ, thủ tục hướng dẫn hộ ông Nguyễn Văn Cường và ông Trần Văn Khoa (xã Tân Lập) xây dựng mã số vùng trồng. Đến nay, 2 hộ này được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số vùng trồng VN-LAOR-0177 và VN-LAOR-0018, với tổng diện tích 26,5ha”.

Tân Thạnh trưng bày sản phẩm tại Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022 (Ảnh: Chí tâm)

Được cấp mã số vùng trồng từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc là niềm vui, cơ hội mới cho người dân trồng sầu riêng xã Tân Lập nói riêng, huyện Tân Thạnh nói chung, từng bước khẳng định được thương hiệu, uy tín và đầu ra cho sản phẩm. Bởi, mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; truy xuất nguồn gốc nông sản. Đồng thời, bảo đảm quá trình đưa nông sản vào lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng sản phẩm được sản xuất tại nơi khác trà trộn với sản phẩm vùng trồng được cấp mã số.

Ông Trần Văn Khoa (ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập) nói: “Có mã số vùng trồng nông dân mừng lắm! Sản phẩm làm ra không còn bị thương lái ép giá, hàng hóa cũng bán có giá hơn, không còn cảnh thừa hàng, dội chợ như những năm trước”. Đem cây sầu riêng về trồng trên vùng đất phèn không phải là chuyện dễ. Tuy nhiên, bằng đôi bàn tay khéo léo, bản tính cần cù, ham học hỏi, nông dân Tân Thạnh từng bước chinh phục loại cây khó tính này. Được cấp 2 mã số vùng trồng cho sầu riêng xuất khẩu bằng đường chính ngạch sang Trung Quốc càng khẳng định thương hiệu, chất lượng trái sầu riêng Tân Thạnh đang vươn mình ra “biển lớn”.

Hướng đến sản xuất sạch, thân thiện môi trường

Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Tân Thạnh không ngừng tạo điều kiện cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương phát triển về số lượng lẫn chất lượng và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay, huyện có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP gồm: Nấm đông trùng hạ thảo Thanh Nhàn và nấm linh chi Thanh Nhàn của Cơ sở sản xuất nấm bào ngư Thanh Nhàn (xã Tân Lập); gạo sạch Tân Thạnh của Hợp tác xã (HTX) Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Tân Thịnh (xã Nhơn Hòa Lập). Ngoài ra, huyện đang làm hồ sơ, thủ tục cho các sản phẩm đạt chuẩn OCOP như gạo tím Omega 3.6.9 của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Kiến Bình (xã Kiến Bình); bột sen Hải Nhơn của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hải Nhơn (xã Nhơn Hòa); nấm bào ngư Thanh Nhàn và nấm mộc nhĩ Thanh Nhàn của Cơ sở sản xuất nấm bào ngư Thanh Nhàn.

Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh - Bùi Quốc Bảo (bìa phải), dự tổng kết phong trào Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, động viên nông dân nâng tầm sản phẩm địa phương ( Ảnh: Chí Tâm)

Để đạt các kết quả trên là cả một hành trình nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân Tân Thạnh. Giám đốc HTX Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ Tân Thịnh - Bùi Văn Song chia sẻ: “Trồng lúa thì ở đâu cũng trồng được nhưng quan trọng chúng ta phải có điểm khác biệt với các địa phương trồng lúa khác. Do đó, HTX vận động thành viên trồng lúa theo hướng hữu cơ, kết hợp nuôi cá để cho ra sản phẩm chất lượng, với quyết tâm khi nói đến Tân Thạnh mọi người sẽ biết đến gạo sạch Tân Thạnh. Đương nhiên, sản xuất lúa theo phương thức hữu cơ, sản lượng sẽ không bằng sản xuất lúa theo hướng hóa học nhưng đổi lại chất lượng rất tốt, được người tiêu dùng đón nhận. Điều này được khẳng định khi sản phẩm gạo Tân Thạnh vừa được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là niềm vinh dự, tự hào cho HTX nói riêng, địa phương nói chung”.

Các sản phẩm đạt chuẩn OCOP và các sản phẩm tiềm năng (Ảnh: Chí Tâm)

Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh - Bùi Quốc Bảo cho hay: “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, thân thiện với môi trường; đồng thời, sản xuất theo nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị nông sản là mục tiêu mà huyện đang hướng đến. Thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp các cấp, các ngành đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các cơ sở, cá nhân đủ điều kiện; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giúp người dân hiểu được ý nghĩa của mã số vùng trồng và chương trình OCOP đối với địa phương và chủ thể khi tham gia; tăng cường công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đạt chuẩn OCOP; cố gắng giữ vững mã số vùng trồng;...”.

Phát huy những kết quả nổi bật trong năm 2022 cũng như niềm tin, kỳ vọng trong những năm tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Thạnh bước vào mùa xuân mới với khí thế mới, quyết tâm đạt nhiều thành tựu trong năm Quý Mão 2023./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết