Tiếng Việt | English

23/02/2017 - 05:17

Tân Trụ: Duy trì, phát huy hiệu quả các nghề truyền thống

Nhiều năm qua, một bộ phận không nhỏ người dân huyện Tân Trụ, tỉnh Long An luôn gắn bó với một số nghề truyền thống, trong đó phải kể đến nghề dệt chiếu ở An Nhựt Tân, nghề trống ở Bình Lãng, nghề mộc ở Lạc Tấn và điêu khắc gỗ ở thị trấn Tân Trụ. Nghề truyền thống được duy trì và phát triển không chỉ giải quyết việc làm cho người dân những lúc nông nhàn mà còn góp phần cải thiện đời sống nhiều gia đình trong huyện.

Làm trống ở Bình An, xã Bình Lãng - nghề truyền thống lâu đời

Trao đổi cùng chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện - Trần Văn Đốc cho biết: “5 năm qua, Tân Trụ xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, mục tiêu của huyện là tăng cường củng cố, tạo mọi điều kiện để phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tôn vinh những nghệ nhân, thợ giỏi trong các ngành nghề truyền thống, duy trì hoạt động hiệu quả của các nghề truyền thống nhằm thu hút và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Lãnh đạo huyện cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chức năng hướng dẫn, theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất, hộ sản xuất ngành nghề truyền thống trên địa bàn để kịp thời phát hiện, đề xuất hỗ trợ kinh phí khuyến công cho những tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư máy móc phát triển sản xuất nhằm duy trì hiệu quả hoạt động của các nghề truyền thống ở địa phương”.

Chia sẻ về việc bảo tồn và phát huy hiệu quả của các ngành nghề truyền thống, ông Nguyễn Văn Mến (Năm Mến) - nghệ nhân gắn bó lâu đời với nghề bịt trống ở ấp Bình An, xã Bình Lãng cho rằng: “Ở Bình Lãng nói riêng và các xã khác trên địa bàn huyện nói chung có một số ngành nghề truyền thống được hình thành lâu đời, trải qua thời gian, bằng đôi tay khéo léo, tài hoa và khối óc sáng tạo của mình, các nghệ nhân làm ra những sản phẩm tinh xảo, mang đậm nét đời sống văn hóa địa phương, những sản phẩm truyền thống này có nét độc đáo riêng, vừa lưu giữ nét văn hóa địa phương, vừa giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, nhiều nghề truyền thống đang đứng trước không ít khó khăn, do đó, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ những người gắn bó, lưu giữ các nghề truyền thống”.

Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Mến - người giữ gìn nghề làm trống truyền thống 5 đời của gia đình (Trong ảnh: Ông Năm Mến đang nẹp thùng trống). Ảnh baolongan.vn

Chị Lê Thị Điều, sinh năm 1967, ngụ ấp 1+3, xã An Nhựt Tân cho biết: “Mặc dù gặp không ít khó khăn trong cơ chế thị trường nhưng với ý chí và tâm huyết, nhiều năm qua, tôi gắn bó với nghề dệt chiếu, từ dệt thủ công, sau đó được hỗ trợ vay vốn mua máy dệt. Nghề được truyền từ đời cha mẹ đến nay. Hàng ngày, tôi tạo ra những sản phẩm chất lượng, có uy tín trên thị trường. Chiếu làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Ngoài ra, các sản phẩm chiếu truyền thống của tôi và các hộ khác trong xã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Với nghề dệt chiếu, mỗi người có thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/tháng”.

Nghề dệt chiếu truyền thống ở xã An Nhựt Tân, huyện Tân TrụÔng Trần Văn Bắc, ngụ ấp Bình Hòa, thị trấn Tân Trụ thông tin thêm: “Hiện tại, các nghề truyền thống ở Tân Trụ đã và đang góp phần giải quyết việc làm cho một số lượng lớn lao động ở địa phương, đồng thời tạo việc làm cho một bộ phận người dân lúc nông nhàn. Ngoài ra, bằng nhiều nguồn vốn và các chương trình, dự án, huyện cũng ưu tiên tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất được đào tạo nâng cao tay nghề, vay các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động ở địa phương và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.

Để các nghề truyền thống trên địa bàn huyện duy trì, phát triển bền vững, huyện tiếp tục có những cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển các nghề truyền thống. Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ, triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường. Hỗ trợ vốn vay theo cơ chế ưu đãi lãi suất cho hoạt động ngành nghề nông thôn thông qua các tổ chức tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển các làng nghề, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết