Tiếng Việt | English

30/06/2015 - 09:42

Tiếng trống Bình An

Tháng 6, trở lại ấp Bình An, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ (Long An), chúng tôi đến thăm ông Năm Mến (Nguyễn Văn Mến) - một nghệ nhân dân gian để tìm hiểu sâu hơn về nghề làm trống...

Nghệ nhân Năm Mến với sản phẩm của mình

Nghề của 5 thế hệ

Vào thăm cơ sở làm trống Bình An, cũng là nhà ông Năm Mến, dụng cụ, nguyên liệu dùng làm trống gần như kín lối đi, chỉ còn khoảng rộng chừng 1m để làm lối ra vào. Tiếp chúng tôi với một nụ cười thân thiện, ông Năm bắt đầu kể về nghề làm trống của gia đình mình. Ngày xưa, cụ tổ của dòng họ là Nguyễn Văn Ty, sinh sống bằng nghề buôn bán trên ghe, lênh đênh hết nơi này đến nơi khác. Từ những chuyến đi đó, cụ đã học được nghề làm trống từ những nghệ nhân ở vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Trải qua 170 năm thăng trầm, nghề trống của gia đình đã được truyền qua 5 đời và sản xuất đến mười mấy loại như: Trống đại, trống lân, trống trường, trống chùa,... Toàn ấp hiện có khoảng 20 gia đình theo nghề này và đa phần đều là họ hàng.

Ông Năm cho biết mình bắt đầu làm trống từ năm 18 tuổi, đến nay đã có kinh nghiệm 50 năm làm nghề. Các con trai của ông đều nối nghiệp của gia đình để gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của dòng họ. Với kinh nghiệm và uy tín lâu năm trong nghề, mỗi năm, cơ sở làm trống của ông nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các tỉnh miền Tây, TP.HCM, Bình Dương,... Đặc biệt, hiện nay trống Bình An còn được xuất khẩu ra các nước khác trên thế giới như: Malaysia, Canada, Mỹ, Singapore, Indonesia, Australia,...

Con trai ông Năm đang gọt giũa thân trống

Sản phẩm Tiêu biểu cấp quốc gia

Ông cho biết, để làm được một chiếc trống phải mất trên 20 công đoạn và chỉ làm thủ công. Trong các công đoạn làm trống, khó khăn nhất là khâu gạn da để bịt trống. Nguyên liệu chính để làm trống là gỗ, da trâu. Riêng trống đại được làm từ gỗ nguyên khúc (cây khoảng 400 tuổi), đồng thời phải chọn những cây đẹp, đa số là gỗ cây mít, sao,... sau đó đem về phơi khô khoảng 4-5 tháng. Dưới bàn tay khéo léo, người thợ tỉ mỉ gọt giũa để có được thân trống hoàn thiện.

Khi xong phần thân, khâu bịt trống mất hơn nửa tháng. Bịt trống rất công phu, từ khâu chọn da, xử lý cho đến lúc hoàn thành. Đặc biệt, phải chọn da trâu tươi, già (để bảo đảm độ dai, chắc), sau đó lóc mỡ, xỏ lỗ rồi dùng khuôn căng cho thẳng, đem phơi trong 3 ngày nắng tốt (vì nếu có 1 hoặc nửa ngày không được nắng thì da sẽ bị hư). Tiếp theo, mở khuôn và phơi khoảng 20 ngày nữa, sau đó đem vào ngâm trong nước khoảng một đêm, rồi canh cắt, gạn da cho mỏng để bịt trống. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao nếu không trống làm ra sẽ kêu không thanh, nhanh lủng. Cuối cùng, người thợ sẽ thổi PU, vẽ âm dương để trang trí. Thông thường, trống đại có chiều dài 2,5m, đường kính 1,2m. Tuy nhiên, khách cũng có thể đặt hàng theo kích thước đã chọn.

“Bên cạnh việc chọn những nguyên liệu chất lượng, người thợ làm trống phải có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm, đặc biệt là phải có tâm với nghề, có như vậy thì sản phẩm làm ra mới đạt yêu cầu. Hơn nữa, muốn sống được với nghề, người thợ phải biết giữ uy tín. Còn nếu mình làm ẩu, nhanh, chạy theo số lượng cơ sở sẽ khó tồn tại.” Ông Năm cho biết thêm.

Trống Bình An không chỉ là sản phẩm truyền thống của người dân nơi đây mà còn là niềm tự hào của Long An. Tin rằng, với đội ngũ những nghệ nhân luôn tâm huyết với nghề như hiện nay và một thế hệ trẻ luôn biết kế thừa, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, tiếng trống Bình An sẽ tiếp tục vang xa, vọng mãi đến thế hệ mai sau./.

Hải Phong-Thanh Mỹ 

Chia sẻ bài viết