“Đây là trống trường mà khi bịt da phải khéo léo để âm thanh phát ra chuẩn” - Nghệ nhân Nguyễn Văn Mến nói
Theo lời kể của ông Năm Mến, cụ tổ Nguyễn Văn Ty là người đặt những “viên gạch” đầu tiên của nghề làm trống trên đất Bình An này. Ngày đó, ông Ty sống bằng nghề thương hồ. Những ngày lênh đênh sông nước, ông học nghề làm trống ở Tiền Giang và về định cư tại Bình An để làm và truyền dạy cho thế hệ con cháu.
“Lúc ấy, khi thấy người dân làm thịt trâu, bỏ phần da là cụ tổ lấy về phơi khô bịt trống. Nhưng thời ấy chỉ cần bịt trống cho kêu là được; còn đến đời cha, đời tôi và các con, làm trống đòi hỏi phải khéo léo, sáng tạo để âm thanh chuẩn theo từng loại trống. Như trống trường phải bịt làm sao khi đánh phát ra âm thanh tùng, tùng; trống nhạc lễ thì kêu toang, toang...” - ông Năm Mến cho biết.
Cũng nhờ âm thanh hay, chuẩn xác nên tiếng trống Năm Mến đã vang xa tận 3 miền Bắc, Trung, Nam của đất nước và các nước trong khu vực.
Để hoàn chỉnh một chiếc trống làm vừa lòng khách hàng, nghệ nhân Năm Mến cùng 2 con trai mất 5 ngày, trải qua gần 20 công đoạn như làm da, phơi da, phơi cây, uốn cong, lấy mực để chuốt cây, khép thùng,...
Đa số các công đoạn đều làm thủ công nhưng ông Năm Mến không thuê thêm người làm vì nếu thợ không khéo, chưa có kinh nghiệm thì trống làm ra sẽ không chất lượng.
Trong 20 khâu làm trống, ngày còn trẻ, nghệ nhân Năm Mến đảm nhận tất cả. Còn bây giờ, khi bước vào tuổi 68, ông chỉ làm một vài khâu phụ con trai.
Đặc biệt, công đoạn gạn da do chính ông thực hiện, bởi đây là khâu khó nhất đòi hỏi phải tỉ mẫn, khéo léo. Hơn nữa, đây là khâu đòi hỏi có kinh nghiệm. Dưới con mắt của người 50 năm làm nghề, chỉ cần nhìn loại trống là nghệ nhân Năm Mến tự nghĩ trong đầu sẽ gạn da có độ dày, mỏng phù hợp. Như trống nhạc lễ bịt da mỏng, trống múa lân bịt mỏng xung quanh, lõm giữa dày hơn để phát ra âm thanh chuẩn.
Nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian Nguyễn Văn Mến - người giữ gìn nghề làm trống truyền thống 5 đời của gia đình (Trong ảnh: Ông Năm Mến đang nẹp thùng trống)
Lúc 18 tuổi, khi mới tập tành vào nghề, ông Mến được cha chỉ dạy và tham gia những công đoạn đơn giản như xỏ dây, chuốt cây... Nhưng, có đôi lần ông cũng bị cha đánh đòn vì làm không khéo. Lớn lên, khi tự làm trống, một vài lần ông cũng không ưng ý với sản phẩm làm ra. Từ đó, ông luôn tự nghiêm khắc với mình, với nghề để không vấp phải những thất bại khi làm trống.
Nghề trống cũng đôi lần rơi vào khó khăn mà tưởng chừng nghệ nhân sẽ “buông!”. “Nhưng đó là nghề truyền thống từ đời ông, cha nên phải gìn giữ và quyết vượt qua khó khăn”. Ông Năm Mến cho biết thêm.
Khó khăn đó là hơn 10 năm trước, mua cây không dễ, da bịt trống lại khó tìm nên thiếu nguyên liệu làm trống. Lúc đó, ông phải lên TP.HCM, đi khắp các cửa hàng tìm mua nguyên liệu. Dù nguyên liệu ít nhưng ông không cho phép mình chọn cẩu thả mà chỉ khi nào tìm được loại cây già, da trâu tươi không ngâm muối thì ông mới mua...
Rồi có những hôm, nghệ nhân bỏ ăn, quên uống vì trời mưa, da trâu bị hôi thối phải bỏ đi không sử dụng được. Buồn rầu vì lỗ vốn, tiếc một phần nguyên liệu nhưng rồi cũng phải khắc phục khó khăn, tiếp tục làm nghề. Suốt 50 năm ấy, mỗi ngày trôi qua cứ đều đặn như một guồng quay trong cuộc sống, công việc của nghệ nhân Năm Mến bắt đầu từ lúc gà gáy sáng đến khi trời mờ tối.
50 năm nối nghiệp gia đình, từng trải qua biết bao thăng trầm nhưng ông vẫn giữ nghề. Bây giờ, niềm vui lớn nhất của nghệ nhân Năm Mến là 2 người con trai đều theo nghề làm trống. Ông mừng vì mai này, khi lớn tuổi, nghề truyền thống 5 đời của gia đình đã có người kế nghiệp.
Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân dân gian - Nguyễn Văn Mến từng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam cùng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ngoài ra, trống đại do nghệ nhân làm ra cũng từng được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. |
Nguyễn Ngọc