Tiếng Việt | English

20/06/2022 - 15:02

Tăng cường quản lý mã số vùng trồng nông sản

Thời gian gần đây, một số vùng trồng nông sản trong nước bị mạo danh, gây thiệt hại cho người sản xuất và ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm. Tại Long An, nhiều mã vùng trồng đã được cấp để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; tuy nhiên, nếu không quản lý tốt có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường.

Vườn thanh long của ông Đoàn Văn Lực (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có hơn 17.800ha thanh long, xoài, dưa hấu, chuối, chanh được cấp 213 mã số vùng trồng. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Úc, New Zealand, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Khi có mã vùng, cơ quan chức năng của tỉnh cử lực lượng chuyên trách thường xuyên cùng người dân bám vườn kiểm tra, ghi nhật ký, đợt sử dụng các vật tư chi tiết cho cây trồng. Ông Trần Văn Sang (xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Gia đình tôi có 2,2ha thanh long nằm trong vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Tôi thường xuyên được ngành Nông nghiệp huyện hướng dẫn cách chăm sóc nên trái thanh long có mẫu mã đẹp, chất lượng, được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu”.

Yêu cầu về mã số vùng trồng của các nước nhập khẩu nông sản từ Việt Nam ngày càng khắt khe. Đòi hỏi này hoàn toàn chính đáng bởi là cơ sở xác định trách nhiệm liên quan khi xảy ra khiếu kiện về quyền lợi. Gần đây, tại một số địa phương trong nước đã phát hiện sự gian lận về vùng trồng nhờ truy tìm mã số được cấp. Hành vi mạo danh mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ nông sản của nông dân. Tại Long An, tuy chưa ghi nhận trường hợp mạo danh mã số vùng trồng nhưng doanh nghiệp và nông dân cần hết sức cảnh giác để tránh thiệt hại về uy tín và kinh tế.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết: “Để quản lý chặt mã số vùng trồng, tỉnh đã triển khai nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân, hợp tác xã về các quy trình xây dựng và sử dụng hiệu quả các mã số vùng trồng. Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến các mã số vùng trồng thanh long, vì đây là một trong những loại nông sản chủ lực của tỉnh với sản lượng khoảng 330.000 tấn/năm”.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc quản lý mã số vùng trồng chỉ dừng lại ở việc thống kê; công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở đã được cấp mã số chưa được thực hiện nghiêm túc. Do đó, cần tiến hành kiểm tra, đánh giá và rà soát toàn bộ hiện trạng các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số tại địa phương. Đồng thời, tăng cường tập huấn, phổ biến kiến thức cho các tổ chức, cá nhân về những quy định của các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết