Tiếng Việt | English

15/04/2020 - 16:13

Thấm đượm tình quân dân trong khu cách ly

Bảo đảm các nguyên tắc phòng, chống dịch Covid-19, người từ nước ngoài, vùng dịch trở về hoặc người nghi ngờ nhiễm bệnh đều được cách ly, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày. Những ngày này, tại các khu cách ly của tỉnh Long An, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đang “căng mình” chống dịch, cố gắng chăm lo nơi ăn, ở, điều kiện sinh hoạt cho những trường hợp cách ly.

Y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến kiểm tra sức khỏe, thăm hỏi, động viên người được cách ly
Y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến kiểm tra sức khỏe, thăm hỏi, động viên người được cách ly

Ấm tình người

“Cách ly nhằm phòng, chống dịch bệnh là nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân khi từ nước ngoài hay vùng dịch trở về. Với tôi, 14 ngày cách ly không có gì là khó khăn, chỉ thương bộ đội vất vả theo dõi, chăm sóc sức khỏe, lo cho mình từng bữa ăn. Trung bình, mỗi chiến sĩ phải chăm lo, phục vụ 7 người cách ly. Sau khi hoàn thành cách ly trở về, tôi sẽ nhớ nơi này lắm, nhất là tình cảm chân thành của bộ đội” - ông Nguyễn Phạm Cầu Thủ (xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ) tâm sự trước khi hoàn thành cách ly tại khu cách ly Đại đội Bộ binh huyện Mộc Hóa. 

Trong tình hình dịch bệnh, CBCS lực lượng vũ trang tỉnh phải “xông pha” nơi tuyến đầu, phục vụ tại các khu cách ly. Đến Đại đội Bộ binh huyện Vĩnh Hưng lúc có 3 trong số 45 người cách ly tại đây hoàn thành 14 ngày cách ly, trở về gia đình. Lúc chia tay, các anh chị bịn rịn và tỏ lòng biết ơn đối với CBCS. Trong thời gian cách ly, để chia sẻ phần nào vất vả của bộ đội, mọi người dọn dẹp ngăn nắp phòng ở và khu vực xung quanh, chấp hành nghiêm giờ giấc quy định và thực hiện tốt hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Y tế. Điều đọng lại sau những ngày thực hiện cách ly chính là tình cảm của bộ đội dành cho người dân. Hàng ngày, các anh phải vất vả làm việc từ sáng sớm đến chiều tối để chăm lo sức khỏe, phục vụ sinh hoạt cho các trường hợp được cách ly. 

Hơn 1 tháng qua, CBCS Đại đội Bộ binh huyện Mộc Hóa bám đơn vị, đồng hành cùng các trường hợp cách ly vì dịch Covid-19. Chị Phạm Thị Ngọc Hạnh (quận Tân Bình, TP.HCM) nhập cảnh vào Việt Nam ngày 01-4 và được cách ly tại khu cách ly của Đại đội Bộ binh huyện Mộc Hóa. Chị chia sẻ: “Lúc đầu, tôi nghĩ khi vào đây chắc là rất gò bó, thiếu thốn, nhưng sau những ngày cách ly, tôi thấy mọi thứ rất tốt. Vừa thức đậy đã có phần ăn sáng do các chiến sĩ mang đến tận phòng. Các anh tận tình hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi. Đây có lẽ là khoảng thời gian khó quên của tôi”.

Tại khu cách ly, khi nhận tin cha chị Huỳnh Thị Ngọc Nhung qua đời, CBCS Đại đội Bộ binh huyện Mộc Hóa đến chia buồn và lập bàn thờ vọng để chị thắp nén nhang cho cha mình. Theo chị Nhung, dù rất buồn vì không thể về chịu tang cha vì tình hình dịch bệnh nhưng nhờ có sự động viên, chia sẻ của các CBCS, chị cũng được an ủi phần nào.

Hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bộ binh huyện Mộc Hóa tận tình phục vụ hàng trăm suất cơm cho người được cách ly

Hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bộ binh huyện Mộc Hóa tận tình phục vụ hàng trăm suất cơm cho người được cách ly

Vì sức khỏe người dân

Bệnh viện dã chiến và Khu cách ly của tỉnh đặt tại Trường Quân sự tiếp nhận nhiều người trở về từ nước ngoài. Dù nếp sinh hoạt, thói quen khác nhau nhưng khi vào khu cách ly, được tuyên truyền, hướng dẫn, ai cũng hợp tác, chấp hành tốt các quy định. Họ cùng chia sẻ những khó khăn và động viên nhau thực hiện tốt các nguyên tắc phòng, chống dịch. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng khi vào khu cách ly, khó khăn của họ cũng là khó khăn của CBCS. Câu chuyện em nhỏ theo mẹ và bà từ Campuchia về Việt Nam tránh dịch là điển hình của tình quân dân.

Người thân không có tiền mua sữa cho em, thế là CBCS trích tiền lương, hỗ trợ sữa cho bé trong suốt 14 ngày cách ly. Hay trường hợp một cụ ông được CBCS quan tâm chăm sóc đặc biệt về sức khỏe, chế độ dinh dưỡng,… Để rồi khi hoàn thành thời gian cách ly trở về gia đình, nhiều người điện thoại hỏi thăm và động viên CBCS. Đó là động lực để các anh tiếp tục với “cuộc chiến” chống dịch bệnh. 

Trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, hình ảnh của người lính Cụ Hồ in đậm trong tâm trí người dân. Sau 14 ngày cách ly, người dân được trở về với gia đình, người thân, còn các anh vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Cuộc điện thoại ngắn ngủi và lời hứa với con thơ “bao giờ hết dịch, cha sẽ về” của Trung úy, bác sĩ Đỗ Tấn Phương - Phó Trưởng khoa Điều trị, Bệnh viện dã chiến, làm lay động lòng người. Vì nhiệm vụ, vì sức khỏe người dân và vì “cuộc chiến” với dịch Covid-19, các anh tạm gác lại niềm vui, hạnh phúc riêng để hoàn thành nhiệm vụ./.

Thùy Trang

Chia sẻ bài viết